1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bước chuyển trong chính sách an ninh của xứ Phù tang

Sau 70 năm trung thành với chính sách an ninh chỉ hướng tới phòng vệ được quy định trong Hiến pháp, mới đây, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự luật cho phép các binh sĩ nước này lần đầu tiên được tham chiến ở nước ngoài kể từ sau Thế chiến II.

Như vậy chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã tiến gần hơn tới đích ngắm là thực thi quyền phòng vệ tập thể dựa trên việc sửa đổi Hiến pháp...

Tại sao Chính phủ Nhật Bản quyết thay đổi chính sách an ninh?

Kể từ thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến II, quân đội Nhật Bản đã bị "trói" bằng một Hiến pháp do Mỹ soạn thảo, bởi điều 9 Hiến pháp này quy định: “Nhân dân Nhật Bản thành thật mong muốn một nền hoà bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh như là một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế bao gồm chiến tranh xâm phạm chủ quyền dân tộc và các hành vi vũ lực hoặc các hành vi đe doạ bằng vũ lực.
Để thực hiện mục đích ghi ở trên, lục, hải và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận”. Điều luật này đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ không được sản xuất vũ khí tấn công, vũ khí hạt nhân, đồng thời cũng không được đưa quân ra nước ngoài.

 

Nhiều người dân Nhật Bản đã xuống đường biểu tình phản đối việc thông qua dự luật. (Ảnh:

Nhiều người dân Nhật Bản đã xuống đường biểu tình phản đối việc thông qua dự luật. (Ảnh: BBC) 

Nhưng sau hơn nửa thế kỷ trung thành với chính sách an ninh chỉ hướng tới phòng vệ, ngày nay Nhật Bản, với tiềm lực quân đội lớn mạnh hơn gấp nhiều lần, vị thế cũng được nâng cao hơn (thể hiện rõ ràng qua vai trò của nước này trong HĐBA LHQ và việc đóng góp ngân sách lớn thứ hai cho hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, cũng như tham gia một số hoạt động hòa bình mang tính dân sự như quan sát viên bầu cử, tình nguyện viên…), đã không còn muốn bị "trói tay" bởi bản Hiến pháp đã có lịch sử 70 năm.
Và đương nhiên, để có tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn, để quân đội Nhật tham gia trực tiếp vào hoạt động gìn giữ hòa bình chứ không chỉ dừng lại ở việc quyên góp tiền, những chính trị gia như Thủ tướng Shinzo Abe xác định: Mở rộng vai trò quân sự của Nhật Bản là một vấn đề then chốt cần thực hiện.
Đương nhiên, ngoài lý do xuất phát từ mưu cầu về vị thế của chính nước Nhật, thì một nguyên nhân khác nữa khiến Chính phủ Nhật Bản quyết thay đổi chính sách an ninh, là những vấn đề an ninh, đặc biệt là an ninh trên biển, với các tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc và Hàn Quốc.
Thêm nữa, đối với Nhật Bản, tuyến hàng hải trên Biển Đông và Ấn Độ Dương là sự sống còn của nền kinh tế khi mà nước này phải nhập khẩu 80% nguồn cung dầu mỏ thông qua đường biển. Với tất cả những lý do đó, không lạ gì khi Nhật Bản thực hiện sự “trở lại” đầy quyết đoán về mặt quân sự.

Con chim sợ cành cong

Dự luật trên được đánh giá là thành công của Thủ tướng Abe trong quá trình thực hiện một kế hoạch bài bản nhằm tăng cường sức mạnh quân sự suốt hơn 10 năm qua. Nhưng nó lại gây nên sự phản đối từ phía người dân Nhật Bản và sự chia rẽ trong nội bộ chính giới nước này.
Có thể nói, đây là dự luật gây tranh cãi nhất từ trước đến nay tại Nhật Bản khi mà cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện chỉ có duy nhất sự có mặt của liên minh cầm quyền, còn các đảng đối lập chính đều rời phòng họp để thể hiện sự phản đối. Trước đó, có tới 60.000 người tụ tập biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội, sau khi dự luật được Ủy ban đặc biệt phụ trách luật an ninh của Hạ viện Nhật Bản thông qua ngày 15-7.
Đương nhiên, với sự thay đổi này, Nhật Bản sẽ có thể mở rộng hơn vai trò của quân đội, có thể viện trợ quân sự cho nước ngoài, tham gia các chiến dịch bảo vệ đồng minh-thường được gọi là “phòng thủ tập thể”…
Nếu chỉ xét sơ qua thì những điều này quả là “lợi” để giúp nâng lên vị thế của nước Nhật. Thế nhưng, đối với người dân Nhật Bản-những người quá hiểu sự đau thương mà Thế chiến II, cuộc chiến xuất phát từ tư tưởng dân chủ cực đoan, đã mang lại cho họ và đất nước Nhật, quả không dễ gì khi chấp nhận một dự luật có thể khiến xứ sở hoa anh đào đi lại vào “vết xe đổ” trong quá khứ.
Liệu ai có thể chắc chắn rằng, đem quân ra nước ngoài là không phát động chiến tranh xâm lược, là không lún sâu vào các cuộc chiến dai dẳng để rồi hao tiền tốn của.
Vì lẽ đó, dù cho Thủ tướng Abe  luôn nhắc đi nhắc lại rằng “các dự luật này là cần thiết để bảo vệ cuộc sống của người dân Nhật Bản và ngăn chặn một cuộc chiến tranh trước khi nó xảy ra”, thì các cuộc thăm dò ý kiến gần đây đều cho thấy phần đông người dân Nhật Bản phản đối dự luật và tỷ lệ ủng hộ ông Abe đang giảm mạnh.
Được biết, sau khi được Hạ viện thông qua, dự luật an ninh mới sẽ được chuyển lên Thượng viện. Ngay cả trong trường hợp Thượng viện không thông qua, sau 60 ngày, dự luật này sẽ được chuyển lại Hạ viện và trở thành luật nếu trong lần thứ hai này có ít nhất 2/3 hạ nghị sĩ bỏ phiếu thuận.
Hiện liên minh cầm quyền của Thủ tướng Abe đang chiếm đa số tuyệt đối ở hạ viện, nên dự luật này nhiều khả năng sẽ được thông qua. Tuy nhiên, lại có thông tin cho rằng phe đối lập sẽ phản đối về mặt pháp lý nhằm lấy được phán quyết của tòa với nội dung các dự luật là vi hiến. Với hai luồng ý kiến trái chiều như vậy, thật khó để dự đoán tương lai của dự luật này sẽ đi về đâu.
Theo Ngọc Thư
Quân đội Nhân dân