1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bộ Tứ phản đối thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, ngầm chỉ trích Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đã gửi thông điệp ngầm tới Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Bộ Tứ phản đối thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, ngầm chỉ trích Trung Quốc - 1

Các Ngoại trưởng Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia họp tại Tokyo vào tháng 10/2020. (Ảnh: Kyodo)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 18/2 đã tham dự cuộc họp trực tuyến với Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi, Ngoại trưởng Australia Marise Payne và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar trong khuôn khổ hợp tác "Bộ Tứ". Đây là nhóm các đồng minh và đối tác của Mỹ tại Thái Bình Dương mà Washington coi là lực lượng then chốt để đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong khu vực.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Ngoại trưởng Blinken và 3 người đồng cấp đã thảo luận hàng loạt vấn đề toàn cầu, trong đó có vấn đề Triều Tiên, Myanmar, Covid-19 và tình hình căng thẳng ở Biển Đông.

"Ngoại trưởng Motegi bày tỏ quan ngại sâu sắc về Luật hải cảnh Trung Quốc", thông báo cho biết, đề cập tới luật mới của Trung Quốc nhằm cho phép các tàu hải cảnh nước này nổ súng vào các tàu nước ngoài và phá hủy các cấu trúc xây dựng tại vùng biển tranh chấp.

"Bốn Bộ trưởng nhất trí phản đối mạnh mẽ các nỗ lực đơn phương và mạnh mẽ nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông và Hoa Đông", thông báo cho biết thêm.

Nhật Bản nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế trong bối cảnh tàu Trung Quốc thường xuyên hoạt động tại khu vực quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông - nơi Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh 4 nhà ngoại giao đều mong muốn một "khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cởi mở và tự do, bao gồm việc ủng hộ tự do đi lại và toàn vẹn lãnh thổ".

"Các Ngoại trưởng cũng hoan nghênh những nỗ lực tích cực của các quốc gia khác, bao gồm các nước ở châu Âu, đối với một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cởi mở và tự do", thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản nêu rõ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 18/2 cũng ra thông báo về cuộc họp của Ngoại trưởng 4 nước trong khuôn khổ "Bộ Tứ".

"Các Bộ trưởng đã thảo luận về hợp tác 4 bên trong việc ứng phó với Covid-19, biến đổi khí hậu và cam kết hợp tác cùng nhau để giải quyết các thách thức toàn cầu này", ông Price cho biết.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, 4 Ngoại trưởng cũng thảo luận về việc đối phó với thông tin sai lệch, chống khủng bố, an ninh hàng hải, nhu cầu cấp thiết của việc khôi phục chính phủ bầu cử dân chủ tại Myanmar. Ngoài ra, các Ngoại trưởng cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với vai trò trung tâm của ASEAN.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các Ngoại trưởng cũng thống nhất tổ chức họp thường niên trong khuôn khổ Bộ Tứ để "tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cởi mở và tự do", ủng hộ tự do đi lại trong khu vực.

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết các bên tham gia cuộc họp đã thảo luận "sâu sắc" về nhiều vấn đề. Theo nhà ngoại giao Nhật Bản, cuộc họp của Bộ Tứ diễn ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức là tín hiệu cho thấy "cam kết mạnh mẽ" của chính quyền mới đối với việc "xây dựng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cởi mở và tự do cũng như đối với Bộ Tứ".

Các Ngoại trưởng cũng nhất trí về tầm quan trọng của hợp tác cấp cao trong khuôn khổ Bộ Tứ. Mỹ được cho là đang xúc tiến tổ chức hội nghị cấp cao đầu tiên của các nhà lãnh đạo Bộ Tứ.

Cuộc họp của Bộ Tứ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung vẫn chưa hạ nhiệt trong những tuần đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Biden. Ông Biden và đội ngũ cố vấn của tân Tổng thống vẫn coi Trung Quốc là một thách thức đối với lợi ích của Mỹ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm