1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Bộ Tứ" xúc tiến họp cấp cao lần đầu, gửi tín hiệu tới Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đang xúc tiến tổ chức hội nghị cấp cao đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo trong khuôn khổ hợp tác "Bộ Tứ" (Quad).

Bộ Tứ xúc tiến họp cấp cao lần đầu, gửi tín hiệu tới Trung Quốc - 1

Hội nghị Ngoại trưởng các nước nhóm "Bộ Tứ". (Ảnh: NBC)

Kyodo dẫn nguồn tin từ một trong 4 quốc gia thuộc "Bộ Tứ" cho biết Mỹ đã đề xuất tổ chức một cuộc họp trực tuyến của các nhà lãnh đạo "Bộ Tứ".

Tuy nhiên, việc tổ chức cuộc họp có thể thực hiện được hay không còn tùy thuộc vào Ấn Độ, quốc gia được biết đến với lập trường tương đối thận trọng trong nhóm "Bộ Tứ". 

Theo báo Sankei, Ấn Độ lo ngại rằng việc "Bộ Tứ" nhóm họp sẽ khiêu khích Trung Quốc. Ấn Độ là thành viên duy nhất trong nhóm có chung biên giới trên bộ với Trung Quốc và hoạt động bên ngoài các liên minh an ninh do Mỹ dẫn đầu.

Trong cuộc họp này, các nhà lãnh đạo "Bộ Tứ" dự kiến sẽ thảo luận về việc hợp tác nhằm hiện thực hóa một khu vực "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" trong bối cảnh có nhiều lo ngại về sự cứng rắn của Trung Quốc trên biển trong khu vực.

Hội nghị cấp cao đầu tiên cũng được xem là thông điệp được "Bộ Tứ" gửi tới Trung Quốc. Động thái này có thể sẽ vấp phải phản ứng từ Trung Quốc, khi Bắc Kinh vẫn coi "Bộ Tứ" là một nỗ lực nhằm kiềm chế Trung Quốc và chỉ trích khuôn khổ này là "NATO thu nhỏ".

Đề xuất hội nghị cấp cao "Bộ Tứ" được đưa ra trong bối cảnh chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn củng cố quan hệ giữa 4 nước lớn trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà theo Cố vấn An ninh Mỹ Jake Sullivan mô tả là "nền tảng để Mỹ xây dựng chính sách bền vững ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Được chính thức biết đến với tên gọi Đối thoại An ninh Bốn bên, nhóm QUAD, bắt đầu hình thành vào năm 2004 nhằm ứng phó với các thảm họa sóng thần và động đất ở Ấn Độ Dương.

Sau thời kỳ gián đoạn, "Bộ Tứ" được hồi sinh vào năm 2017. Kể từ đó, nhóm hoạt động vượt ra ngoài khuôn khổ hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Gần đây nhất, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố trọng tâm của "Bộ Tứ" tập trung vào nỗ lực thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và hòa nhập.

Tháng 11/2020, quân đội Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ lần đầu tập trận chung Malabar sau 13 năm ở vịnh Bengal, Ấn Độ. Malabar được tổ chức lần đầu vào năm 1992 dưới danh nghĩa cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Ấn Độ, sau đó mở rộng ra với 4 nước "Bộ Tứ".

Trong khuôn khổ "Bộ Tứ", ngoại trưởng 4 nước đã nhóm họp lần đầu tiên vào năm 2019. Hội nghị ngoại trưởng thứ 2 được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản vào tháng 10 năm ngoái giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát.

Sau cuộc gặp vào tháng 10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết chính quyền Mỹ hy vọng sẽ "thể chế hóa" nhóm QUAD và cho rằng, nhóm có khả năng "đẩy lùi" Trung Quốc.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã nhất trí trong các cuộc điện đàm gần đây rằng, hai bên sẽ thúc đẩy nhóm QUAD.

Ông Biden cũng cam kết sẽ ngăn chặn các hành vi lạm dụng của Trung Quốc về kinh tế cũng như các hành vi hung hăng khác của Bắc Kinh, bằng cách tái thiết lại các quan hệ liên minh, mặc dù hiện vẫn chưa rõ khuôn khổ "Bộ Tứ" có thể tiếp tục phát triển dưới thời ông Biden hay không.