1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Bộ Tứ" muốn phá thế thống trị của Trung Quốc về đất hiếm

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhóm "Bộ tứ" gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ đang lên kế hoạch xây chuỗi thu mua đất hiếm nhằm thách thức sự thống trị của Trung Quốc về nguồn cung nguyên liệu quan trọng này.

Bộ Tứ muốn phá thế thống trị của Trung Quốc về đất hiếm  - 1

Một mỏ đất hiếm của Trung Quốc (Ảnh minh họa: Reuters).

Nikkei ngày 11/3 đưa tin, nhóm "Bộ Tứ" được cho đang lên kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực đất hiếm - nguyên liệu thiết yếu xuất hiện trong hàng loạt sản phẩm từ điện thoại thông minh, động cơ cho tới pin cho xe điện.

Trung Quốc hiện đang là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới và sức mạnh thị trường của nước này đã gây ra những quan ngại. Nhiều ý kiến lo ngại rằng Trung Quốc có thể sẽ biến đất hiếm thành "vũ khí địa chính trị".

Nhóm "Bộ Tứ" dự kiến sẽ đối phó với mối quan ngại trên trên thông qua hợp tác tài trợ công nghệ sản xuất mới và các dự án phát triển, cũng như đi đầu trong việc soạn thảo các quy tắc quốc tế. Mục tiêu của nhóm là thiết lập nên một chuỗi mua bán đất hiếm để thách thức sự thống trị của Trung Quốc.

Theo Nikkei, lãnh đạo các nước thuộc "Bộ Tứ" ngày 12/3 dự kiến sẽ xác nhận mong muốn giảm phụ thuộc vào các nguyên liệu đất hiếm của Trung Quốc.

Trung Quốc hiện gần như nắm thế độc quyền trong lĩnh vực tách và tinh chế đất hiếm, những quy trình gây ra những lo ngại liên quan đến môi trường và hủy hoại đất.

Tuy nhiên, Bắc Kinh nắm ít quyền kiểm soát hơn trong việc khai thác các nguyên tố đất hiếm. Mỹ xuất khẩu quặng đất hiếm sản xuất trong nước sang Trung Quốc, sau đó nhập khẩu lại 80% đất hiếm đã được tinh chế từ Trung Quốc.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Trung Quốc vào năm 2020 chiếm 58% sản lượng đất hiếm trên toàn cầu, giảm so với con số khoảng 90% cách đây 4 năm do Mỹ và Australia đã dần dần tăng cường sản xuất nguyên liệu đất hiếm của riêng họ.

Nhóm "Bộ Tứ" dự kiến sẽ đầu tư phát triển công nghệ tinh chế đất hiếm. Các mạch đất hiếm thường chứa các chất phóng xạ, và một lượng lớn chất thải phóng xạ được tạo ra trong quá trình tinh chế. Do đó, các nước "Bộ Tứ" sẽ tập trung vào việc đưa ra các công nghệ lọc chất thải phóng xạ ở mức thấp và chi phí rẻ.

"Bộ Tứ" cũng dự kiến chỉ đạo cho các tổ chức tài chính trực thuộc chính phủ cung cấp các khoản vay hợp vốn cho các doanh nghiệp khai thác và tinh chế đất hiếm.

Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ các kế hoạch xử lý quặng của Australia tại Mỹ và Nhật Bản đang cân nhắc xem có nên tham gia vào dự án này hay không.

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự định thiết lập các quy tắc để ngăn chặn các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc.