1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Âu tìm phương án đối phó nếu Trung Quốc "vũ khí hóa" đất hiếm

Đức Hoàng

(Dân trí) - Châu Âu đang tìm các nguồn thay thế cho "sự thống trị" về đất hiếm của Trung Quốc vì lo ngại Bắc Kinh có thể biến khoáng sản này thành "vũ khí" khi xảy ra xung đột.

Châu Âu tìm phương án đối phó nếu Trung Quốc vũ khí hóa đất hiếm - 1

Một mỏ đất hiếm ở Trung Quốc (Ảnh minh họa: Reuters)

Trong bài phát biểu về chiến lược công nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) trong tuần này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu EC Ursula von der Leyen đã nhắc đến sự khan hiếm nguyên liệu thô cần thiết để cung cấp năng lượng cho việc chuyển đổi sang xe điện và các nguồn năng lượng xanh, phần lớn trong số đó ở Trung Quốc.

"Chúng ta nhập khẩu lithium cho ô tô điện, bạch kim để sản xuất hydro sạch, kim loại silicon cho các tấm pin mặt trời. 98% nguyên tố đất hiếm mà chúng ta cần đến từ một bên cung cấp duy nhất: Trung Quốc. Điều này không bền vững. Vì vậy, chúng ta phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình", bà von der Leyen nhận định.

Nguồn cung cấp đất hiếm dồi dào của Trung Quốc đã là vấn đề gây tranh cãi trong nhiều năm. Họ đã từng bị Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước thách thức tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan tới việc áp đặt lệnh hạn chế trong việc xuất khẩu đất hiếm khi các bên xảy ra mâu thuẫn.

Theo Bloomberg, để đối phó với kịch bản Trung Quốc sẵn sàng dùng đất hiếm là "vũ khí địa chính trị", việc đa dạng nguồn cung là điều mà các bên cần phải làm. 

Mặt khác, Covid-19 được xem là "hồi chuông cảnh tỉnh" vì cho thấy sự phụ thuộc của phương Tây vào thiết bị, hàng hóa y tế Trung Quốc. Điều này làm gia tăng quan ngại về việc họ bị phụ thuộc quá mức vào Bắc Kinh trong các lĩnh vực quan trọng khác, như đất hiếm.

Vào tháng 1, Trung Quốc đã đề xuất hạn chế xuất khẩu và sản xuất đối với 17 loại khoáng sản, động thái làm gia tăng thêm sự lo lắng ở nước ngoài.

Hôm 24/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một mệnh lệnh hành pháp về an ninh chuỗi cung ứng, một phần trong đó có nội dung: "Từ đất hiếm trong động cơ điện và máy phát điện đến sợi carbon được sử dụng cho máy bay - Mỹ cần đảm bảo rằng chúng ta không phụ thuộc vào các nguồn nước ngoài trong trường hợp khẩn cấp quốc gia".

Tại châu Âu, các nhà lãnh đạo dường như cũng nhìn ra rằng chiến lược kinh tế tương lai của khối này có thể sẽ phụ thuộc một phần vào khoáng sản Trung Quốc.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng quan hệ trong việc xuất - nhập khẩu đất hiếm là đôi bên cùng có lợi. "Châu Âu là thị trường lớn của sản phẩm đất hiếm và hậu quả của việc Trung Quốc cắt xuất khẩu có thể sẽ là một cuộc thương chiến giữa Bắc Kinh và phần còn lại của thế giới. Trung Quốc nắm trong tay các lá bài nhưng sẽ bị ảnh hưởng nếu tung lá bài ra", David Merriman, giám đốc bộ phận vật liệu pin và xe điện tại công ty nghiên cứu Roskill (Anh), cho biết.

EU đã vạch ra hàng loạt các kế hoạch đầu tư và các ủy ban được thiết kế để củng cố nguồn cung, thành lập Liên minh Nguyên liệu thô châu Âu và tài trợ cho Hiệp hội Công nghiệp Đất hiếm Toàn cầu (REIA). EU đã phân bổ 3,65 tỷ USD trong quỹ phục hồi hậu Covid-19 để phát triển chuỗi cung ứng đất hiếm châu Âu.