1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Bộ Tứ" họp tại Nhà Trắng, cam kết hợp tác nhiều vấn đề quan trọng

Thành Đạt

(Dân trí) - Các nhà lãnh đạo "Bộ Tứ" - gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia - đã gặp mặt tại Nhà Trắng ngày 24/9 và đưa ra cam kết về một loạt vấn đề quan trọng.

Bộ Tứ họp tại Nhà Trắng, cam kết hợp tác nhiều vấn đề quan trọng - 1

Các nhà lãnh đạo "Bộ Tứ" họp tại Nhà Trắng ngày 24/9 (Ảnh: Reuters).

Ngày 24/9, cuộc họp kéo dài 2 giờ tại Nhà Trắng của lãnh đạo các nước Bộ Tứ (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia) đã đưa ra cam kết hợp tác về phân phối vắc xin Covid-19, công nghệ, biến đổi khí hậu và trao đổi khoa học. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Bộ Tứ, nửa năm sau cuộc họp trực tuyến.

"Chúng ta là 4 nền dân chủ lớn với lịch sử hợp tác lâu dài. Chúng ta biết làm cách nào để giải quyết các vấn đề và chúng ta sẵn sàng đối mặt với thử thách", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu khai mạc trước cuộc họp kín.

"Khi chúng ta gặp nhau cách đây 6 tháng, chúng ta đã đưa ra các cam kết cụ thể để thúc đẩy chương trình nghị sự chung tích cực của chúng ta vì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Hôm nay, tôi tự hào nói rằng chúng ta đang đạt được tiến bộ xuất sắc", ông Biden nói thêm.

Thủ tướng Australia Scott Morrison phát biểu khi bắt đầu cuộc họp: "Chúng ta cùng nhau có mặt ở đây, tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một khu vực mà chúng ta mong muốn không bị ép buộc, nơi quyền chủ quyền của tất cả các quốc gia được tôn trọng và nơi các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế".

Tổng thống Biden đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đầu tiên tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng. Sau đó, ông Biden đã nói với các đối tác trong nhóm Bộ Tứ rằng một sáng kiến vắc xin từng được nhất trí tại hội nghị Bộ Tứ hồi tháng 3 "đang trong quá trình sản xuất thêm 1 tỷ liều vắc xin ở Ấn Độ để thúc đẩy nguồn cung".

Bộ Tứ họp tại Nhà Trắng, cam kết hợp tác nhiều vấn đề quan trọng - 2

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự cuộc họp của "Bộ Tứ" tại Nhà Trắng (Ảnh: Reuters).

Thủ tướng Modi cho biết sáng kiến này sẽ giúp ích rất nhiều cho các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Kế hoạch cung cấp một tỷ liều vắc xin Covid-19 trên khắp châu Á vào cuối năm 2022 bị đình trệ sau khi Ấn Độ, nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, dừng xuất khẩu vào tháng 4 trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát tại nước này.

Theo Thủ tướng Australia, một trong số nhiệm vụ của các quốc gia thuộc nhóm Bộ Tứ là làm cho không gian mạng và các công nghệ mới nổi trở nên "đáng tin cậy và an toàn", giải quyết các vấn đề của chuỗi cung ứng và phát triển các công nghệ sạch.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, "Bộ Tứ" chia sẻ "các giá trị cơ bản" và sẽ làm việc cùng nhau để hiện thực hóa "trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền" ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông Suga nói rằng hội nghị thể hiện sự đoàn kết mạnh mẽ giữa các nước và "cam kết vững chắc của họ đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Bộ Tứ dự kiến sẽ công bố một số thỏa thuận mới, bao gồm một thỏa thuận để tăng cường an ninh chuỗi cung ứng chất bán dẫn, đối phó với tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp và nâng cao nhận thức trong lĩnh vực hàng hải. Đây được cho là những sáng kiến được thúc đẩy từ những lo ngại về Trung Quốc. Nhóm cũng sẽ triển khai hợp tác về mạng 5G và các kế hoạch giám sát biến đổi khí hậu.

Cuộc họp diễn ra chỉ hơn một tuần sau khi Mỹ, Anh và Australia công bố một hiệp ước an ninh  lịch sử có tên gọi AUKUS, theo đó Australia sẽ được Mỹ và Anh cung cấp các công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Động thái này đã vấp phải sự phản đối từ Trung Quốc.

Ngoài thỏa thuận tàu ngầm, Australia cũng đang căng thẳng với Trung Quốc về thương mại. Nhật Bản ngày càng lên tiếng mạnh mẽ về các hành động quân sự và đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp, trong khi quan hệ Trung - Ấn vẫn căng thẳng vì các cuộc giao tranh quân sự dọc biên giới.

Quan hệ Mỹ - Trung cũng đang căng thẳng nhất trong nhiều thập niên, với các cuộc đối đầu về lệnh trừng phạt, thuế quan, công nghệ và nhân quyền chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã chỉ trích cuộc họp của Bộ Tứ. Bắc Kinh lên án Bộ Tứ là một cấu trúc của Chiến tranh Lạnh và cho rằng liên minh AUKUS sẽ thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.