Nhóm họp trực tiếp tại Nhà Trắng, Bộ Tứ đưa Trung Quốc vào "tầm ngắm"
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tuần tới sẽ chủ trì cuộc họp cấp cao trực tiếp đầu tiên với lãnh đạo các nước trong Bộ Tứ (Quad), nhóm thường được ví như "NATO của phương Đông".
Theo thông báo từ Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ diễn ra vào ngày 24/9 tại Nhà Trắng.
Nhà Trắng cũng cho biết, tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo QUAD sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan đến đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, không gian mạng và an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Quad - "NATO của phương Đông"?
Sau thảm họa sóng thần kinh hoàng ở Ấn Độ Dương năm 2004, các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ đã thành lập một liên minh không chính thức để hợp tác trong các nỗ lực cứu trợ thảm họa.
Năm 2007, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Shinzo Abe, đã chính thức hóa liên minh, với tên gọi là "Đối thoại Tứ giác An ninh" hay "Bộ Tứ kim cương". Từ đó, nhóm Quad nhắm mục tiêu thiết lập cơ cấu hoạt động như "NATO của phương Đông" nhưng vẫn loay hoay do sự thiếu gắn kết giữa các thành viên. Mục tiêu ban đầu của Quad, chủ yếu dựa trên an ninh hàng hải, cuối cùng trở nên mờ nhạt.
Năm 2017, trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, nhóm Quad đã "hồi sinh", mở rộng các mục tiêu và tạo ra một cơ chế nhằm thiết lập một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Trong năm này, Quad tiếp tục các cuộc họp thường niên và tại Mỹ và chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump khi đó cũng nhấn mạnh tiếp tục chính sách "xoay trục sang châu Á" của chính quyền người tiền nhiệm Barack Obama.
Vào năm 2020, các cuộc tập trận hải quân Malabar ba bên Ấn - Mỹ - Nhật mở rộng bao gồm cả Australia, đánh dấu cuộc nhóm họp chính thức đầu tiên của nhóm Quad kể từ khi hồi sinh vào năm 2017 và là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa bốn quốc gia này trong hơn một thập niên.
Mới đây nhất, hồi tháng 3, các nhà lãnh đạo nhóm đã chính thức họp theo hình thức trực tuyến, ra tuyên bố chung "Tinh thần của Bộ Tứ", trong đó phác thảo cách tiếp cận và mục tiêu của nhóm. Các nước khẳng định sứ mệnh duy nhất có ý nghĩa là an ninh hàng hải, trong đó mục tiêu lớn là kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí sẽ tìm cách đối phó với việc Trung Quốc gia tăng hoạt động xây dựng quân sự trong khu vực.
Các thành viên của Quad cũng thể hiện sự sẵn sàng mở rộng quan hệ đối tác thông qua cái gọi là "Quad Plus", trong đó có Hàn Quốc, New Zealand và các nước khác.
Cơ chế đối thoại nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc
Trung Quốc đã chỉ trích về cuộc họp cấp cao nhóm Quad sắp tới. Trong tuyên bố hôm 14/9, Trung Quốc cho biết, việc một nhóm ưu tiên hoạt động chỉ để nhắm mục tiêu vào một nước thứ ba sẽ "không đạt được kết quả gì".
Trung Quốc ngay từ đầu đã phản đối việc thành lập nhóm Quad, nhóm vốn được ngầm hiểu là một cơ chế đối thoại nhằm chống lại sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á. Và trong 13 năm kể từ đó, quan điểm của Bắc Kinh cũng không thay đổi.
Vào năm 2018, Ngoại trưởng Trung Quốc đã gọi nhóm Quad là một "ý tưởng gây chú ý" và sau khi tuyên bố chung "Tinh thần của Bộ Tứ" được công bố hồi tháng 3 vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cáo buộc nhóm công khai kích động bất hòa giữa các cường quốc trong khu vực ở châu Á. Bắc Kinh coi sự tồn tại của nhóm Quad là một phần của chiến lược lớn hơn nhằm bao vây Trung Quốc và gây áp lực buộc các nước như Bangladesh tránh hợp tác với nhóm này.
Mỗi thành viên trong nhóm Quad đều lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc với những tuyên bố vô lý ở Biển Đông cũng như nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng thông qua các sáng kiến như dự án Vành đai, con đường.
Sự hồi sinh của nhóm Quad bắt nguồn từ cuộc tranh chấp biên giới trên dãy Himalaya giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Là quốc gia duy nhất trong nhóm Quad có chung đường biên giới trên bộ với Trung Quốc, New Delhi lo lắng về việc Bắc Kinh ngày càng tham vọng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và Biển Đông với tuyên bố đơn phương về "đường chín đoạn" phi pháp.
Cả Nhật Bản và Australia đều lo ngại về sự hiện diện ngày càng mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Tokyo lo ngại sự bành trướng của Trung Quốc sau sự cố năm 2010, trong đó một tàu đánh cá Trung Quốc đâm 2 tàu tuần duyên Nhật Bản đang đi ra khỏi quần đảo Điếu Ngư/Senkaku do Tokyo quản lý nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền trên biển Hoa Đông.
Đối với Australia, quan hệ với Bắc Kinh đang ở mức thấp nhất sau khi Canberra thông qua luật can thiệp nước ngoài vào năm 2018 ngầm ngăn chặn sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Thủ tướng Australia hồi đầu năm nay cũng công khai kêu gọi điều tra về nguồn gốc đại dịch Covid-19, động thái khiến Bắc Kinh đáp trả bằng cách hạn chế thương mại đối với Australia.
Mỹ từ lâu đã lo ngại về sự cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc và luôn khẳng định, Bắc Kinh đang phá vỡ trật tự dựa trên luật lệ quốc tế.