1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bộ trưởng Quốc phòng Đức: Nên đánh giá Trung Quốc bằng hành động

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Đức Vladimir Pistorius đã bày tỏ sự hoài nghi về đề xuất hòa bình của Trung Quốc trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức: Nên đánh giá Trung Quốc bằng hành động - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Vladimir Pistorius (Ảnh: Reuters).

"Khi tôi nghe thông tin, dù không biết liệu có đúng không, về việc Trung Quốc có thể đang lên kế hoạch cung cấp máy bay không người lái tự sát cho Nga đồng thời đưa ra một kế hoạch hòa bình, tôi đề nghị chúng ta nên đánh giá Trung Quốc qua hành động của họ, chứ không phải lời nói", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Vladimir Pistorius nói với đài truyền hình Đức trong một cuộc phỏng vấn hôm 26/2.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức cũng tuyên bố Ukraine phải là bên quyết định khi nào và điều kiện nào khiến họ tham gia các cuộc đàm phán với Nga. Ông nói thêm rằng, điều này cũng đúng đối với việc giành lại bán đảo Crimea.

"Tôi nghiêng về phía nói rằng, Crimea là lãnh thổ của Ukraine và do vậy Crimea phải được trả lại. Nhưng một lần nữa khẳng định rằng quyết định này không phụ thuộc vào chúng tôi", ông Pistorius nói.

Tuyên bố của ông Pistorius lặp lại những bình luận trước đó của giới chức NATO và Ủy ban châu Âu, khi bày tỏ hoài nghi về đề xuất của Trung Quốc trở thành bên trung gian hòa giải cho cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Khi xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù đã bước sang năm thứ hai, Trung Quốc tuần trước đã công bố đề xuất hòa bình gồm 12 điểm và nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ cả Ukraine và phương Tây.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh một số điểm trong đề xuất hòa bình của Trung Quốc. Ông cho biết Ukraine sẽ làm việc với Trung Quốc nếu Bắc Kinh thể hiện sự tôn trọng luật pháp quốc tế và toàn vẹn lãnh thổ. 

Thủ tướng Đức Olaf Scholz chỉ trích kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đề xuất nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine. Ông cho rằng kế hoạch này không bao gồm yêu cầu cụ thể về việc rút quân đội Nga khỏi lãnh thổ Ukraine.

"Theo quan điểm của tôi, không có dòng nào nêu rõ rằng: Quân đội Nga cũng phải rút lui", ông Scholz nói, đồng thời cho rằng việc Trung Quốc cảnh báo nguy cơ vũ khí hạt nhân trong kế hoạch hòa bình là điều "chính xác".

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lên tiếng bác bỏ đề xuất hòa bình của Trung Quốc vì theo ông, đề xuất này chỉ mang lại lợi thế cho Nga. "Tôi thấy đề xuất của Trung Quốc không có lợi cho bất kỳ bên nào khác, ngoài Nga, nếu nó được thực thi", Tổng thống Mỹ nói.

Trung Quốc gần đây nỗ lực thể hiện vai trò trung gian hòa giải cho cuộc xung đột Nga - Ukraine. Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị tuần trước đã có chuyến công du đến Nga và gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chủ tịch tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể thăm Moscow vào tuần này để hội đàm với nhà lãnh đạo Nga.

Mỹ và các đồng minh NATO liên tục bày tỏ lo ngại việc Trung Quốc được cho là đang cân nhắc cấp vũ khí sát thương cho Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Michael McCaul dẫn các nguồn tin nói rằng, máy bay không người lái là một trong những vũ khí sát thương mà Bắc Kinh cân nhắc chuyển cho Nga. Tuy vậy, Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này. 

Theo Reuters