1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bộ trưởng Anh nói có 4.000 biến thể SARS-CoV-2 toàn thế giới

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ trưởng Anh cho biết có khoảng 4.000 biến thể của vi rút SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới tính đến thời điểm hiện tại.

Bộ trưởng Anh nói có 4.000 biến thể SARS-CoV-2 toàn thế giới - 1

Người dân chờ tiêm vắc xin tại Thượng Hải, Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

"Tất cả các nhà sản xuất vắc xin, Pfizer-BioNTech, Moderna, Oxford-AstraZeneca và những nhà sản xuất khác đang xem xét cách cải tiến vắc xin của họ để đảm bảo chúng ta có thể sẵn sàng cho mọi biến thể. Hiện thế giới có khoảng 4.000 biến thể SARS-CoV-2", Bộ trưởng Triển khai Vắc xin Anh Nadhim Zahawi nói với SkyNews ngày 4/2.

Nhiều biến thể của vi rút SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 đã được ghi nhận, trong đó các chủng vi rút tại Anh, Nam Phi và Brazil được cho là lây lan nhanh hơn các chủng khác.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Zahawi cho rằng "ít có khả năng vắc xin hiện tại không hiệu quả với các biến thể được phát hiện ở Kent (Anh) hoặc những nơi khác".

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tính đến ngày 25/1, biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 lần đầu được phát hiện ở Anh mang tên VOC 202012/01 đã lan tới 70 quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, chủng vi rút lần đầu được phát hiện ở Nam Phi có tên 501Y.V2 hiện đã lan ra hơn 30 quốc gia.

Các nhà nghiên cứu Brazil gần đây đã phát hiện các bệnh nhân nhiễm cùng lúc 2 biến thể khác nhau của vi rút SARS-CoV-2. Các trường hợp này cho thấy nhiều biến thể của SARS-CoV-2 có thể đang tồn tại ở Brazil hoặc những nơi khác, đồng thời khiến các nhà khoa học lo ngại rằng sự tồn tại đồng thời của 2 biến thể SARS-CoV-2 trong cùng một cơ thể có thể đẩy nhanh quá trình biến đổi của các biến thể mới.

Thế giới cho đến nay ghi nhận hơn 104 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 2,2 triệu người tử vong, kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát từ Trung Quốc vào cuối năm 2019. Sau khi nghiên cứu, phát triển và phân phối vắc xin Covid-19 với tốc độ kỷ lục, thế giới tiếp tục phải đối mặt với thách thức vi rút biến chủng nhanh chóng và có thể khiến vắc xin giảm hiệu quả.