1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

"Khốn đốn" vì chủng SARS-CoV-2 mới, EU lo cảnh bạo lực vì thiếu vắc xin

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trong bối cảnh biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 đang lây lan chóng mặt ở châu Âu, khối liên minh này đang đối mặt với mối lo bạo lực bùng phát vì tình trạng thiếu vắc xin Covid-19.

Khốn đốn vì chủng SARS-CoV-2 mới, EU lo cảnh bạo lực vì thiếu vắc xin - 1

Nhóm tiêm vắc xin của quân đội chuẩn bị cho công tác tiêm phòng tại một trung tâm tiêm phòng ở Berlin, Đức (Ảnh: Reuters)

Bài học đắt giá của Bồ Đào Nha

Trong tuần đầu tháng 12/2020, chính phủ Bồ Đào Nha quyết định trao "món quà" Giáng sinh sớm cho người dân khi tuyên bố sẽ gỡ lệnh hạn chế tụ tập và đi lại từ 23-26/12.

Tuy nhiên, sau những ngày "mở cửa", Bồ Đào Nha đã ngay lập tức gánh hậu quả. Dịch Covid-19 bùng phát vượt tầm kiểm soát khi tới ngày 6/1, số ca bệnh mới trong 24 giờ ở quốc gia châu Âu lần đầu tiên vượt mốc 10.000.

Tới giữa tháng 1, Bồ Đào Nhà liên tục xô đổ kỷ lục về số ca bệnh và số người tử vong. Chính phủ lúc này vội vàng ban hành lệnh phong tỏa ít nhất 1 tháng và đóng cửa trường học 1 tuần sau đó. Tuy nhiên, đó là nỗ lực "quá muộn màng và quá ít ỏi" khi dịch bệnh đã lây lan với tốc độ chóng mặt khiến nền y tế quá tải.

Bài học của Bồ Đào Nha cho thấy rủi ro của việc lơ là dịch bệnh khi biến chủng SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn 70% xuất hiện. Chủng này được xem đang lây lan khắp châu Âu kể từ khi nó lần đầu xuất hiện ở Anh năm ngoái, buộc nhiều chính phủ phải siết chặt nỗ lực phong tỏa.

Chuyên gia Viggo Andreasen từ Đại học Roskilde (Đan Mạch) nhận định chủng vi rút mới là yếu tố "thay đổi cuộc chơi" khi nó đang lây lan không ngừng.

Đan Mạch, quốc gia thành công bước đầu trong việc kiểm soát dịch, đang "căng mình" trước mối đe dọa của chủng vi rút mới. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói rằng đây là "một cuộc chạy đua với thời gian" để thúc đẩy tiêm chủng cho người dân và làm chậm tiến độ lây lan của mầm bệnh.

Tại Hà Lan, giới chức y tế cũng ghi nhận số ca bệnh tăng nhanh chóng và cảnh báo sẽ có thêm nhiều người chết vì dịch. Họ cho rằng Hà Lan đang có 2 đại dịch "lồng" vào nhau: dịch bệnh với chủng cũ và với chủng mới. Hà Lan từ cuối năm ngoái đã phải phong tỏa chặt chẽ đất nước trước diễn biến nguy hiểm của bệnh dịch.

Chủng vi rút mới buộc châu Âu phải tăng tốc khởi động cuộc chiến chống dịch. Bỉ ra lệnh cấm người dân thực hiện các chuyến đi không cần thiết tới tháng 3 và Pháp có thể sẽ phong tỏa lần thứ 3 sau khi lệnh giới nghiêm hiện tại không có hiệu quả trong việc ngăn dịch.

Nguy cơ bạo lực ở châu Âu vì thiếu vắc xin Covid-19

Khốn đốn vì chủng SARS-CoV-2 mới, EU lo cảnh bạo lực vì thiếu vắc xin - 2

Cảnh sát Hà Lan đối phó với các hành vi bạo lực trong cuộc biểu tình phản đối các lệnh phong tỏa (Ảnh: EPA)

Trong khi đó, những đêm gần đây, người biểu tình đã đổ xuống đường ở 10 thành phố Hà Lan nhằm phản đối các lệnh hạn chế ngăn Covid-19 lây lan, gây ra vụ bạo loạn tồi tệ nhất trong 40 năm ở quốc gia vốn nổi tiếng với nền văn hóa yêu sự tự do.

Theo Guardian, sự cố này xảy ra không hoàn toàn ngẫu nhiên khi Hà Lan là quốc gia thành viên EU cuối cùng bắt đầu tiêm chủng diện rộng trong một nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và đưa cuộc sống trở về bình thường. Sự mất kiên nhẫn của người dân trước dịch bệnh có thể trở nên thêm tồi tệ khi EU đang chậm chân trong nỗ lực tiêm chủng diện rộng để dập dịch. 

Thực tế là, khối Liên minh châu Âu EU được cho đang chậm chạp trong việc tiêm chủng cho người dân 27 nước thành viên. Ví dụ, Anh đã tiêm chủng trung bình 10,5 liều trên 100 người, trong khi thành viên EU có tỉ lệ tốt nhất là quốc gia nhỏ bé Malta với 4 liều/100 người. Trung bình, khối EU mới đang chỉ tiêm được 2 liều/100 người.

Một nghiên cứu của công ty phân tích dữ liệu Airfinity (Anh) cho thấy Anh có thể sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm vắc xin cho 75% dân số vào ngày 14/7. Mỹ dự kiến đạt được mục tiêu này vào 9/8, trong khi EU là 21/10.

Thách thức của EU là khối này đã chậm chân ở Mỹ và Anh trong việc phê duyệt, đặt hàng và mua ít vắc xin hơn.

Chính vì vậy, giới chức EU đã lo ngại rằng trong tình huống dịch bệnh không thể kiểm soát nhanh chóng và người dân vẫn bị kẹt trong các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, kịch bản bạo lực như ở Hà Lan có thể sẽ xảy ra trên khắp châu Âu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm