1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bộ Ngoại giao Mỹ đề xuất gói 4 tỷ USD để cạnh tranh với Trung Quốc

CTV

(Dân trí) - Mỹ phải sử dụng "tất cả các công cụ sẵn có" để cạnh tranh với Trung Quốc, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, trong bối cảnh chính quyền Biden đưa ra đề xuất ngân sách cho tài khóa 2025.

Bộ Ngoại giao Mỹ đề xuất gói 4 tỷ USD để cạnh tranh với Trung Quốc - 1

Mỹ đang gia tăng cạnh tranh với Trung Quốc (Ảnh minh họa: Reuters)

Ông Richard Verma, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Quản lý và Tài nguyên, cho biết đề xuất ngân sách bắt buộc trị giá 4 tỷ USD, kéo dài trong 5 năm. 

Trong đó, 2 tỷ USD được dùng để xây dựng một quỹ cơ sở hạ tầng quốc tế để cạnh tranh nguồn tài trợ hiện hành của Trung Quốc. Phần còn lại được đầu tư cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm chống lại "các nỗ lực quyến rũ", trong đó có việc thúc đẩy quản trị và pháp quyền. 

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đề xuất một khoản tài trợ tùy ý trị giá 4 tỷ USD khác nhằm chi trả cho công tác hỗ trợ nước ngoài và hợp tác ngoại giao trong khu vực.

Từ lâu, việc tài trợ của Mỹ dành cho các nước đang phát triển của Mỹ đã bị lấn át bởi Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc - một dự án tham vọng kết nối châu Á, châu Phi và châu Âu thông qua mạng lưới cơ sở hạ tầng và năng lượng. 

Báo cáo tài chính năm ngoái cho thấy cường quốc Đông Á đã đổ vào các quốc gia đang phát triển nhiều khoản tài trợ với tổng trị giá lên đến 1,34 nghìn tỷ trong 20 năm từ năm 2000 đến năm 2021.

Ông Verma khẳng định: "Mỹ phải sử dụng tất cả các công cụ sẵn có để cạnh tranh với Trung Quốc bất cứ khi nào có thể".

Đề xuất ngân sách trên nếu được thông qua sẽ giúp Mỹ "tăng cường sức mạnh nội lực, kết nối đồng minh vì lợi ích chung và mục tiêu kiềm chế Trung Quốc, đồng thời khai thác lợi thế trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc". 

"Ngân sách cũng hỗ trợ các dự án chuyển đổi cơ sở hạ tầng cứng đột phá, chất lượng và bền vững", ông bổ sung.

Năm ngoái, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đồng chủ trì một hội nghị với các nhà lãnh đạo G20 để đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đồng thời phát triển hành lang kinh tế thông qua Quan hệ đối tác về đầu tư và cơ sở hạ tầng toàn cầu (PGI).

Sáng kiến trên xuất phát từ cam kết giữa các nhà lãnh đạo G7 vào năm 2022 về một khoản tài trợ trị giá 600 tỷ USD cho công tác xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết ở các nước đang phát triển. Đây là một phần trong nỗ lực đối trọng với dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Bằng nguồn tài chính dồi dào, Trung Quốc đã thành công thu hút sự ủng hộ của nhiều quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, nước này cũng vấp phải nhiều chỉ trích từ phương Tây và nhiều quốc gia tiếp nhận tài trợ. Điển hình là Sri Lanka và Zambia - những nơi đã rơi vào "bẫy" nợ khổng lồ từ các dự án được Trung Quốc hỗ trợ.

Chi tiết đề nghị ngân sách của Bộ Ngoại giao được đưa ra khi Tổng thống Biden phác thảo tầm nhìn chính sách của ông cho nước Mỹ, với đề xuất ngân sách 7,3 nghìn tỷ USD.

Trong bài phát biểu tại Washington hôm thứ Hai trước khi các đề xuất được công bố, ông Biden ca ngợi nền kinh tế Mỹ đã hồi sinh ngoạn mục. "Gần 15 triệu việc làm mới được tạo ra, đó là một kỷ lục. Tăng trưởng rất mạnh mẽ. Tiền lương đang tăng lên. Lạm phát đã giảm", ông nói.

Mặc dù nhiều chính sách trong đề xuất ngân sách nhận được sự ủng hộ của đảng Dân chủ nhưng chúng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phe Cộng hòa cũng như những nhân vật Dân chủ ôn hòa và độc lập tại Quốc hội, cho thấy thách thức mà chính quyền Biden phải đối mặt.

Tố Uyên

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm