1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Bộ ba chủ nợ “cân” đề xuất mới của Hy Lạp

(Dân trí) - Tối qua 10/7, bộ 3 chủ nợ quốc tế đã thảo luận trực tuyến về đề xuất cải cách mới của Hy Lạp vốn được đánh giá là nghiêm túc và đáng tin cậy, Đây là nỗ lực cuối cùng của các bên nhằm tránh viễn cảnh Athens sẽ phải rời khỏi Eurozone.

Việc đi hay ở của Hy Lạp đang là vấn đề gây đau đầu cho các nhà lãnh đạo Eurozone (Ảnh:
Việc đi hay ở của Hy Lạp đang là vấn đề gây đau đầu cho các nhà lãnh đạo Eurozone (Ảnh: AU News)

Cuộc thảo luận trực tuyến diễn ra vào 18h00 tối qua theo giờ Việt Nam giữa Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi.

Cuộc thảo luận cũng có sự tham gia của Chủ tịch nhóm Bộ trưởng Tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) Jeroen Dijsselbloem.

Do tính nhạy cảm của vấn đề nên cả nội dung đề xuất lẫn kết quả thảo luận chưa được tiết lộ, mà chỉ chuyển cho các nước thành viên Eurozone xem xét.

Dự kiến, các Bộ trưởng Tài chính khu vực sẽ nhóm họp thảo luận chi tiết hơn về đề xuất của Hy Lạp trong ngày hôm nay, 11/7.

“Eurogroup có thể sẽ đưa ra quyết định quan trọng sau phiên họp khẩn ngày 11/7 để đánh giá đề xuất mới của Hy Lạp”, Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem cho biết, đồng thời nhận định bản đề xuất mới của Hy Lạp, đưa ra tối 9/7, là “văn bản thấu đáo".

Tổng thống Pháp François Hollande cũng đưa ra đánh giá tương tự.

“Kế hoạch mà Athens đưa ra cho các chủ nợ cho thấy quyết tâm của Hy Lạp muốn được ở lại Eurozone. Đây là một văn bản nghiêm túc và đáng tin cậy”, ông Hollande nói.

Nhà lãnh đạo Pháp cũng hy vọng các bên sẽ đạt được thỏa thuận, đồng thời khẳng định Paris sẽ làm tất cả để có thể đạt được một thỏa thuận tôn trọng các tiêu chuẩn và quy tắc của châu Âu, cũng như tôn trọng người dân Hy Lạp.

Trong khi đó, chính phủ Đức vẫn tỏ ra khá cứng rắn. Bộ Tài chính Đức tuyên bố sẽ không có chuyện tái cơ cấu nợ hay trừ nợ cho Hy Lạp. Giải pháp duy nhất là có thể trao cho Athens chương trình cứu trợ lần 3 với điều kiện phải nhận được sự chấp thuận của Quốc hội một số nước có quan điểm cứng rắn trong Eurozone.

Hiện các nước Eurozone có 3 quan điểm khác nhau về vấn đề Hy Lạp. Nhóm thứ nhất, do Pháp và Ý đứng đầu, kiên quyết phản đối Hy Lạp rời Eurozone (Grexit). Nhóm thứ hai giữ quan điểm trung dung hơn, gồm Luxemburg, Tây Ban Nha, Ireland, Malta và Bồ Đào Nha. Nhóm thứ ba có quan điểm cứng rắn nhất, sẵn sàng để Hy Lạp ra đi, gồm có Đức, hà Lan, Áo Bỉ, Slovenia, Estonia, Slovakia, Phần Lan, Lítva và Látvia).

Vấn đề nợ và số phận của Hy Lạp trong Eurozone đang là vấn đề tâm điểm gây căng thẳng ở Lục địa già. Một số nước lo ngại việc Athens ở lại sẽ làm suy yếu sức mạnh chung của Eurozone vốn đã gặp rất nhiều khó khăn kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008. Một số nước lại coi sự ra đi của Athens, nếu xảy ra, là thất bại của Eurozone và có thể gây ra hiện tượng domino làm sụp đổ khu vực sử dụng đồng tiền chung đầu tiên trên thế giới này.

Vũ Anh
Tổng hợp

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm