1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Honduras

Binh sỹ đảo chính, bắt giữ Tổng thống

(Dân trí) - Hơn chục binh sỹ đã bắt giữ Tổng thống Honduras Manuel Zelaya tại nhà ông ngay trước bình minh ngày chủ nhật (chiều tối 28/6 giờ Việt Nam). Những người phản đối gọi đây là cuộc đảo chính, trong khi báo chí trong nước cho hay ông Zelaya đã bị đưa đi lưu đày.

Binh sỹ đảo chính, bắt giữ Tổng thống  - 1
Tổng thống Honduras Manuel Zelaya.
Vụ bắt giữ Tổng thống Honduras diễn ra ngay trước một cuộc trưng cầu dân ý về kế hoạch sửa đổi hiến pháp.
 
Thư ký riêng của Tổng thống Manuel Zelaya cho hay ông đã bị đưa đến một căn cứ không quân bên ngoài thủ đô Tegucigalpa.

 

Ông Zelaya, người đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 4 năm vào tháng 1/2006, muốn trưng cầu dân ý về việc sửa đổi hiến pháp, mà theo đó cho phép kéo dài thời gian tại nhiệm của mình. Theo hiến pháp hiện nay, ông sẽ phải rời nhiệm sở vào tháng 1 tới. Cuộc trưng cầu dân ý dự kiến diễn ra vào ngày chủ nhật. Tuy nhiên, nó đã bị Tòa án tối cao ra phán quyết là bất hợp pháp và cũng bị Quốc hội cũng như các thành viên trong đảng của ông Zelaya phản đối.

 

Binh sỹ đảo chính, bắt giữ Tổng thống  - 2
Binh sỹ bao vây nơi ở của Tổng thống tại thủ đô, ngày 28/6.
Hãng thông tấn Reuters cho hay, các binh sỹ đã bắn đạn hơi cay vào khoảng 500 người ủng hộ ông Zelaya, tụ tập ở bên ngoài phủ tổng thống. Trong khi đó, trực thăng của không quân bay lượn trên bầu trời thủ đô.
 

Xe tăng cũng đã đổ xuống đường phố và xe quân sự chở theo hàng trăm binh sỹ được trang bị khiên chống bạo động đã bao vây phủ tổng thống ở trung tâm thủ đô.

 

Hiện chưa rõ ai là người đang điều hành chính phủ. Có vẻ như là quân đội, nhưng theo hiến pháp hiện tại, chủ tịch quốc hội là người ở hàng tiếp theo sau tổng thống, sau đó là người đứng đầu Tòa án tối cao.

 
Binh sỹ đảo chính, bắt giữ Tổng thống  - 3
Binh sỹ tuần tra quanh dinh thự Tổng thống ngày 28/6.

Hiện cả quân đội lẫn quan chức thuộc phủ tổng thống chưa nói gì về việc ai lên nắm quyền thay ông Zelaya.

 

Honduras là nước có “tiền sử” đảo chính quân sự. Quân đội đã lật đổ các tổng thống được bầu trong các năm 1963 và 1972. Và phải mãi đến năm 1981 quân đội mới trao chính phủ cho người dân, dưới sức ép của Mỹ.

 

“Âm mưu đảo chính”

 
Binh sỹ đảo chính, bắt giữ Tổng thống  - 4
Người ửng hộ Tổng thống Honduras đã bị bắn đạn hơi cay.
 

Từ sớm ngày chủ nhật, một phóng viên của hãng thông tấn AP ghi nhận hàng chục binh sỹ đã bao vây nơi ở của ông Zelaya.

 

Vụ bắt giữ diễn ra sau khi Tổng thống Zelaya không tuân theo lệnh của tòa án, tái bổ nhiệm tham mưu trưởng quân đội, Tướng Romeo Vasquez. Tổng thống Honduras đã sa thải tướng Vasquez vào cuối ngày thứ tư vừa qua, sau khi ông này từ chối giúp tổ chức cuộc trưng cầu dân ý.

 

Ngoài ra, ông Zelaya cũng chấp nhận đơn từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng.

 

Trong cuộc phỏng vấn trên tờ El Pais của Tây Ban Nha số ra vào ngày chủ nhật, ông Zelaya cho biết một âm mưu đảo chính chống lại ông đã được phá sau khi Mỹ từ chối ủng hộ nó.

 

“Mọi thứ đã sẵn sàng cho một cuộc đảo chính và nếu sứ quán Mỹ đồng ý, nó đã diễn ra rồi. Nhưng họ (người Mỹ) không đồng ý”, ông Zelaya cho hay. “Tôi vẫn tại vị là nhờ Mỹ”.

 

Vụ bắt giữ ông Zelaya diễn ra chỉ vài giờ trước khi các điểm trưng cầu được mở cửa. Các thùng phiếu và những thứ cần thiết khác đã được người ủng hộ ông Zelaya cùng các nhân viên chính phủ phân phát khắp đất nước trung Mỹ này.

 

Tổng thống Venezuela Chavez lên án vụ bắt giữ

 
Binh sỹ đảo chính, bắt giữ Tổng thống  - 5
Xe quân đội đang được điều đến dinh thự Tổng thống.
 

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, một đồng minh của ông Zelaya, được biết đã lên án vụ bắt giữ và gọi đây là một cuộc đảo chính. Ngoài ra, ông Chavez còn kêu gọi Tổng thống Mỹ Obama hãy lên tiếng.

 

Hãng thông tấn AFP dẫn lời ông Chavez nói: “đế quốc Yankee (Mỹ) đã nhúng tay rất nhiều” vào diễn biến ở Honduras.

 

Trong khi đó Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi quân đội Honduras thả Tổng thống Zelaya và lập lại trật tự hiến pháp.

 

Báo chí Honduras bắt đầu xôn xao về số phận của Tổng thống.

 

Rafael Alegria, một lãnh đạo liên đoàn và là đồng minh của ông Zelaya, cho biết trên đài phát thanh Cadena de Noticias của Honduras rằng, có tiếng súng vang lên trong cuộc bắt giữ Tổng thống.

 

Trong khi đó, đài phát thanh HRN cho hay ông Zelaya đã bị đày đi sống lưu vong và có thể đã lên chiếc máy bay tổng thống đến Venezuela.

 

Vào hôm thứ năm vừa qua, Quốc hội Honduras đã phê chuẩn kế hoạch điều tra xem liệu tổng thống có nên bị tuyên bố là không còn phù hợp để lãnh đạo đất nước nữa hay không.

 

Trước đó, Tổng thư ký LHQ  Ban Ki-moon đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Honduras “hành động theo đúng luật pháp và hiến pháp dân chủ”.

 

Tổng thống Zelaya đã cam kết sẽ làm chuyển biến nền dân chủ ở Honduras, và cho rằng hệ thống hiện tại chỉ mang lợi cho những người giàu có.

 

Tuy nhiên, phe đối lập lại cáo buộc ông Zelaya đang tìm kiếm nắm quyền vô hạn định.

 

Cuộc khủng hoảng chính trị đã gây căng thẳng tại Honduras, đất nước nghèo với hơn 7 triệu dân, phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu chuối và café.

 

Phan Anh

Theo BBC, AP