1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kỷ niệm 6 năm sự kiện khủng bố 11/9:

Bin Laden vẫn “nhởn nhơ”, Mỹ sa lầy tại Iraq

(Dân trí) - Một lần nữa, thành phố New York và toàn thể nước Mỹ kỷ niệm 6 năm ngày xảy ra thảm hoạ 11/9, cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người. Hơn nửa thập kỷ đã qua đi, trùm khủng bố Osama bin Laden, được coi là chủ mưu trong vụ này, vẫn sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Osama bin Laden: Sự sống sót kỳ lạ

 

6 năm sau các vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ, trùm khủng bố Osama bin Laden, nhân vật bị FBI truy nã gắt gao nhất nhiều năm qua, vẫn đang sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Ngày 11/9 năm nay, nước Mỹ tổ chức tưởng niệm các nạn nhân với tâm trạng lo lắng vì sự “tái xuất” của bin Laden trong 2 cuốn video liên tiếp sau 3 năm vắng bóng và một loạt cảnh báo về những mối đe doạ tấn công khủng bố.

 

Osama bin Laden đã thay đổi thế giới 6 năm về trước. Mỹ xác định trùm khủng bố này là kẻ thù nguy hiểm nhất và truy lùng suốt thập kỷ qua. Nhưng bin Laden đã may mắn 4 lần trốn thoát tại Afghanistan kể từ ngày 11/9/2001.

 

Tiền thưởng dành cho ai cung cấp thông tin hoặc lấy được đầu của Osama bin Laden đã tăng từ 5 triệu USD năm 1999 lên 25 triệu và 50 triệu USD vào năm nay. Nhưng bin Laden không những không những không bị bắt mà al-Qaeda giờ đây còn mở rộng hoạt động từ qui mô một vài quốc gia lên hơn 60 nước trong đó có Afghanistan, Pakistan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Australia…

 

Trong thế giới Hồi giáo, danh tiếng của bin Laden cũng tăng lên đáng kể trong 6 năm qua dù một số người cho rằng điều này là tình cờ. Tất cả những ai ghét chính sách của Mỹ đều thích bin Laden.

 

Mỹ đã tấn công Iraq năm 2003 sau chiến tại Afghanistan 2 năm trước đó. Số người Hồi giáo thiệt mạng tại Afghanistan và Iraq đã vượt quá số người Mỹ thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9. Thế giới Hồi giáo giờ đây đang đốt cháy ngọn lửa chống Mỹ và Osama là người duy nhất được lợi trong tình hình này.

 

Osama bin Laden vẫn đang nuôi hi vọng tiến hành các vụ tấn công lớn hơn vụ 11/9. Những người ủng hộ trùm khủng bố cho biết, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất có mặt trong danh sách tấn công. Al-Qaeda giờ đây đã có khả năng tấn công các quốc gia phương Tây khác. Anh và Italy là những mục tiêu có khả năng vì sự ủng hộ của hai quốc gia này dành cho cuộc chiến tại Iraq do chính quyền Mỹ phát động.

 

Hai thủ lĩnh cấp cao nhất của al-Qaeda là Osama bin Laden và Ayman al-Zawahiri được tin là đang trú ẩn tại khu vực vùng núi hẻo lánh của Pakistan, nơi chúng thường xuyên phát đi những đoạn băng hoặc video chế giễu khả năng yếu kém của Mỹ trong việc đuổi bắt chúng. Theo các nguồn tin tình báo, al-Qaeda tiếp tục mạnh lên và trở thành một mối đe doạ với toàn thế giới trong khi đồng minh Taliban của al-Qaeda đang cố gắng giành lại quyền kiểm soát một số tỉnh tại Afghanistan.

 

Mối đe doạ từ al-Qaeda tiếp tục gia tăng trong những ngày gần đây sau khi Đức tuyên bố phá vỡ các âm mưu khủng bố nhằm vào sân bay quốc tế Frankfurt, căn cứ quân sự của Mỹ và NATO ở miền Tây nước Đức. Trước đó, ngày 4/9, chính quyền Đan Mạch đã bắt giữ 8 người tình nghi có liên hệ với tổ chức al-Qaeda đang chuẩn bị đánh bom.

 

"Vũng lầy" tại Iraq

 

Viện lý do Saddam Hussein có liên hệ với Osama bin Laden và rằng chính quyền Iraq sở hữu chương trình vũ khí huỷ diệt (WMD), Mỹ đã tấn công nước này vào tháng 3/2003.

 

Hiện Mỹ đang triển khai 168.000 quân tại Iraq, một đất nước mà ông Bush thừa nhận là không có liên quan gì tới các vụ tấn công 11/9. Nhưng giờ đây, sau sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ tại quốc gia vùng Vịnh, Iraq đã trở thành cơ sở đào tạo và nuôi dưỡng những phần tử Hồi giáo cực đoan.

 

Không một ai trong số những tên không tặc tham gia vụ 11/9 mang quốc tịch Iraq và không có mối liên hệ nào đáng tin cậy giữa Saddam Hussein với bin Laden hay al-Qaeda. Trên thực tế, các đồng minh của Mỹ tại Pakistan và Ảrập Xê-út lại có những mối liên hệ đáng tin cậy hơn với al-Qaeda và từng có lịch sử hợp tác với khủng bố.

 

Tuy nhiên, cuộc chiến tại Iraq lại là hành động đáp trả đáng chú ý, lâu dài và quan trọng nhất của Mỹ đối với các vụ tấn công khủng bố 6 năm về trước. Gần 3.500 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng tại Iraq cùng với việc tiêu tốn 500 tỷ USD. Và trong tình hình hiện nay, Mỹ dường như sẽ còn hiện diện quân sự tại Iraq thêm một thập kỷ nữa hoặc hơn.

 

Sau hơn 4 năm phát động cuộc chiến hao người tốn của, chính quyền Mỹ đang sa lầy tại Iraq bất chấp chiêu bài gia tăng binh lực của Tổng thống Bush. Kết quả của cuộc chiến là hàng ngàn chục dân thường Iraq thiệt mạng, đó là chưa kể cuộc khủng hoảng an ninh và nhân đạo. Chính quyền Mỹ đang chịu những sức ép từ nhiều phía đòi rút quân nhưng cho tới nay ông Bush vẫn chưa có câu trả lời về vấn đề này.

 

VTH

Tổng hợp