1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bill Clinton có tạo được đột phá trong vấn đề Triều Tiên?

(Dân trí) - Nhiều nhà phân tích cho rằng sẽ có đột phá ngoại giao trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, khi cựu Tổng thống Bill Clinton đến Triều Tiên để thuyết phục Bình Nhưỡng phóng thích hai phóng viên Mỹ bị bắt hồi tháng 3.

Bill Clinton có tạo được đột phá trong vấn đề Triều Tiên? - 1
Cựu Tổng thống Bill Clinton tại sân bay Bình Nhưỡng.
 
Chuyên thăm bất ngờ của ông Clinton diễn ra nhiều tháng sau khi Triều Tiên từ chối trở lại bàn thương lượng 6 bên để thuyết phục nước này từ bỏ tham vọng chế tạo bom hạt nhân.

 

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc trước đó dẫn một nguồn tin khẳng định ngay sau khi đặt chân đến Bình Nhưỡng, ông Clinton sẽ tham gia các cuộc thương lượng với Triều Tiên về việc phóng thích 2 nữ phóng viên Mỹ là Euna Lee và Laura Ling, bị Triều Tiên bắt hồi tháng 3 với cáo buộc xâm nhập bất hợp pháp nước này. Tháng trước, Triều Tiên đã kết án mỗi người 12 năm tù khổ sai. 

 

Trong khi đó, nhiều nhà  phân tích dự đoán Triều Tiên sẽ dùng vụ việc này là đòn bẩy để lôi kéo sự nhượng bộ của chính quyền Mỹ - nước dẫn đầu nỗ lực gây áp lực thực thi các biện pháp của Liên Hợp Quốc trừng phạt Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân hồi tháng 5. “Có khả năng sẽ có một sự thay đổi ấn tượng từ phía Bình Nhưỡng và thay đổi này có thể dẫn đến một giai đoạn thương lượng mới”, ông Yun Duk-min thuộc Vụ Các vấn đề quốc tế và An ninh Quốc gia ở Seoul nói.

 

B.R. Myers, một chuyên gia về Triều Tiên của Đại học Dongseo ở Hàn Quốc, thì cho rằng chắc chắn, chuyến thăm của cựu Tổng thống Mỹ chính là “chính là những gì phía Bình Nhưỡng cần”. Theo ông, động thái này cho phép chính phủ Bình Nhưỡng chứng tỏ với người dân trong nước rằng chương trình vũ khí hạt nhân của họ đang khiến thế giới bên ngoài phải cân nhắc vấn đề nghiêm túc hơn, và chuyến thăm của ông Clinton chắc chắn sẽ được miêu tả như là món quà tặng của Mỹ. “Vì vậy, đây sẽ là cơ hội để họ thay đổi. Và như vậy, nhiều khả năng sẽ có đột phá trong bế tắc hạt nhân hiện nay”, Myers nói.  

 

Triều Tiên gần đây đã đột ngột thay đổi thái độ và tuyên bố muốn đối thoại với Mỹ. Trong một động thái hiếm thấy khi tiếp xúc với báo giới cuối tuần trước, Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Shin Sun-ho đề cập đến khả năng này và khẳng định các cuộc đối thoại trước đó bị gián đoạn không phải là ý muốn của Triều Tiên. Tiến sĩ Hong Hyeon-ik thuộc Viện Nghiên cứu Sejong ở Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên muốn mở lại đối thoại để tìm ra lối thoát cho mình trước các biện pháp cấm vận ngày càng mạnh của cộng đồng quốc tế. Đây là lý do nữa khiến giới phân tích nhận định “sẽ có đột phá” nhân sự kiện này.

 

Đây là lần thứ hai một cựu Tổng thống Mỹ đến Triều Tiên để tháo ngòi nổ cuộc khủng hoảng hiện nay. Năm 1994, cựu Tổng thống Jimmy Carter từng đến Bình Nhưỡng khi căng thẳng tăng cao, cũng xung quanh chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao đang tháp tùng Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, phu nhân của cựu Tổng thống Bill Clinton, nói. “Trong khi sứ mệnh này đang được tiến hành, chúng tôi sẽ không bình luận gì. Nhiệm vụ của chúng tôi ở đây là hoàn thành sứ mệnh và đưa trở về an toàn 2 phóng viên bị bắt giữ”. Bà Clinton đang trên đường đến Kenya dự một hội nghị thương mại. 

 

Dù vậy, rõ ràng là việc cử cựu  Tổng thống Clinton thực hiện sứ mệnh mà báo giới gọi là “bất ngờ” này là động thái tích cực của Nhà Trắng. Ông Bill Clinton, khi còn đương chức, đã theo đuổi chính sách cải thiện quan hệ ngoại giao với Triều Tiên. Vào gần cuối nhiệm kỳ, ông đã cho tiến hành trao đổi các đoàn cấp cao song phương khiến có nhiều hy vọng rằng Washington và Bình Nhưỡng sẽ chấm dứt nhiều thập kỷ thù địch và sẽ bình thường hóa quan hệ. 

 

Ngoại trưởng dưới thời của ông, bà Madeleine Albright, cũng đã đến thăm Bình Nhưỡng vào năm 2000 và hội đàm với nhà lãnh đạo Kim Jong-il. Tuy nhiên, hy vọng cải thiện nhanh mối quan hệ Washington-Bình Nhưỡng đã tan biến khi George W. Bush trở thành Tổng thống Mỹ và tuyên bố Triều Tiên nằm trong “trục ma quỷ” cùng với Iran và Iraq. 

 

 

Nguyễn Viết

Tổng hợp