1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Biển Đông nóng lên bởi "cuộc so găng" Trung - Mỹ

Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình cho rằng, vũ khí tối tân là biểu tượng, là hiện thân của một quân đội hiện đại và là một sự ủng hộ vô cùng thiết yếu cho an ninh và sự trỗi dậy của đất nước.

Tuyên bố hôm 4/12 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thực sự khiến dư luận quốc tế quan tâm khi cho rằng, Trung Quốc đã chính thức soán ngôi cường quốc kinh tế số 1 thế giới của Mỹ khi tổng thu nhập kinh tế của Trung Quốc cán mốc 17,6 nghìn tỉ USD, còn Mỹ chỉ đạt mức 17,4 tỉ USD.

Theo tờ Marketwatch, cách đây hơn một thập niên, kinh tế Mỹ gấp 3 lần kinh tế Trung Quốc, nhưng với tổng thu nhập 17,6 nghìn tỉ USD trong năm 2014, Trung Quốc hiện chiếm 16,5%, còn Mỹ chỉ nắm giữ 16,3% nền kinh tế thế giới. Nhưng nhiều nhà bình luận vẫn cho rằng, Trung Quốc không thể thống trị nền kinh tế châu Á, bất chấp việc Bắc Kinh thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á trị giá 50 tỉ USD và Quỹ “Con đường tơ lụa” trị giá 40 tỉ USD.

Theo Tiến sĩ Darren Lim đến từ Đại học Princeton (Mỹ), sáng kiến hợp tác kinh tế kể trên của Trung Quốc có khả năng làm rúng động nền tảng trật tự khu vực do Mỹ thiết lập từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng không thể lãnh đạo châu Á bằng chiêu bài ngoại giao kinh tế.

Qua mặt để đạt mục đích

Ngày 5/12, tờ The Straits Times (Singapore) dẫn cảnh báo của Giáo sư Bùi Mẫn Hân ở Trường cao đẳng Claremont McKenna (Mỹ) về khẩu hiệu “châu Á vì người dân châu Á” do Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại Hội nghị bàn về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin tại châu Á được tổ chức ở Thượng Hải.

Bởi cho rằng, khẩu hiệu này chủ trương sửa đổi cấu trúc an ninh châu Á, giảm vai trò của Mỹ và thiết lập một trật tự an ninh khu vực mới do người châu Á đảm nhận trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng ở Châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, để hiện thực hóa khẩu hiệu kể trên Trung Quốc cần ngăn cản Mỹ can thiệp vào eo biển Đài Loan và Biển Đông.

Đối thoại Bắc Các 2014

Đối thoại Bắc Các 2014

Cùng ngày 5/12, tờ Times of India dẫn lời Tư lệnh Không quân Ấn Độ, Tướng Arup Raha khi cảnh báo, Trung Quốc sẽ chiếm trọn quần đảo Trường Sa trước năm 2050. Tướng Arup Raha cho rằng, Trung Quốc không những muốn làm chủ hoàn toàn quần đảo Trường Sa, mà còn muốn sáp nhập Đài Loan, chiếm cứ vùng lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trước năm 2050. Tư lệnh Không quân Ấn Độ cũng nhận định, tuyên bố trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc chỉ là giấc mơ xa vời với các nước hữu quan.

Cũng trong ngày 5/12, Hãng Al Jazeera bình luận, việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân đạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông, đe dọa các quốc gia láng giềng và thách thức Mỹ. Tạp chí IHS Jane’s cũng có nhận định tương tự. Al Jazeera cho rằng, Trung Quốc có vẻ đang bỏ qua nguy cơ chạm trán với Mỹ khi tiếp tục hoạt động xây dựng đảo trái phép ở quần đảo Trường Sa. Theo tờ South China Morning Post, Trung Quốc đã xây dựng khoảng 1km2 ở bãi đá Chữ Thập và Bắc Kinh sẽ đặt các cơ sở dân sự và quân sự tại đây, bao gồm sân bay và cảng phục vụ quân đội.

Ông Bill Hayton, tác giả cuốn “Biển Đông: Cuộc tranh đấu giành quyền lực châu Á” từng nhận định: Việc xây đảo nhân tạo sẽ giúp Trung Quốc bành trướng xuống phía nam Biển Đông và động thái này có thể đe dọa Việt Nam, Philippines, Malaysia, thậm chí Hải quân Mỹ. Và nguy cơ xảy ra đối đầu sẽ gia tăng nếu Washington cố đóng eo biển Malacca ngăn cản tàu thuyền Trung Quốc đi qua. Theo ông Bill Hayton, nếu hoạt động của Trung Quốc trên những hòn đảo nhân tạo bắt đầu đe dọa quan điểm của Mỹ về tự do hàng hải, thì đây sẽ trở thành vấn đề thật sự giữa hai nước. Nếu xảy ra chồng chéo trong tranh chấp lãnh thổ giữa các nước trong khu vực thì vấn đề đặt ra giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là ai đóng vai trò “cảnh sát của thế giới”.

Phát triển để xưng bá

Ngày 5/12, Hãng Reuters dẫn lời Chủ tịch nước Trung Quốc khi ông Tập Cận Bình kêu gọi đẩy mạnh phát triển các trang thiết bị quân sự tiên tiến mới (sáng tạo, thiết thực, tiên tiến để có thể đáp ứng nhu cầu chiến đấu thực tiễn và bù lấp các điểm yếu của các vũ khí hiện có) và cải cách quân sự cần hướng tới mục tiêu xây dựng quân đội hùng mạnh. Theo ông Tập Cận Bình, các hệ thống thiết bị quân sự của Trung Quốc hiện đang ở trong giai đoạn chiến lược và ở thời điểm quan trọng cần phải phát triển nhanh chóng. Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình cho rằng, vũ khí tối tân là biểu tượng, là hiện thân của một quân đội hiện đại và là một sự ủng hộ vô cùng thiết yếu cho an ninh và sự trỗi dậy của đất nước.

Hsiung Feng III được trưng bày ở Đài Loan vào hôm 2/12

Hsiung Feng III được trưng bày ở Đài Loan vào hôm 2/12

Tuyên bố kể trên diễn ra sau khi ngân sách quốc phòng của Trung Quốc liên tục được bổ sung ở mức hai con số. Ngân sách quốc phòng năm 2014 của Trung Quốc tăng 12,2% so với năm 2013 lên mức 131,3 tỉ USD. Và Trung Quốc đã phát triển công nghệ chiến đấu cơ tàng hình, tên lửa chống vệ tinh và đang có kế hoạch đóng thêm 3 tàu sân bay nhằm thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông và ứng phó với chiến lược “xoay trục” của Mỹ. Theo giới quân sự, việc ông Tập Cận Bình thúc giục Trung Quốc đẩy mạnh chế tạo vũ khí mới nhằm thực hiện mục tiêu “Giấc mơ Trung Hoa”.

Ngày 3/12, Tạp chí Lợi ích quốc gia (Mỹ) đăng bài viết của Giám đốc điều hành cấp cao chương trình an ninh Châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Trung tâm an ninh mới của Mỹ Patrick Gronin cho rằng, cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, thực lực quân sự của Trung Quốc tăng mạnh, khiến cho thái độ của Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở biển Hoa Đông và Biển Đông ngày càng hung hăng. Giám đốc Patrick Gronin cũng khuyến nghị, Mỹ cần tăng cường quan hệ với các đồng minh ở Châu Á - Thái Bình Dương và xem xét thông qua chiến lược “tăng trả giá” để ngăn chặn Trung Quốc.

Cũng trong ngày 3/12, khi phát biểu tại hội thảo quốc tế ở thủ đô Jakarta, Indonessia, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Scot Marciel tuyên bố, ASEAN và Indonesia là một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Washington. Đồng thời khẳng định, cam kết của Mỹ trong việc tăng cường hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN.

Ngày 4/12, trang mạng sina của Trung Quốc dẫn chỉ trích của Philippines trước việc Hy Lạp bán tàu đổ bộ cho Trung Quốc. Được biết, Bắc Kinh đã mua tàu đổ bộ đệm khí Zubr cũ của Hải quân Hy Lạp, cho dù trước đó quân đội Trung Quốc từng được trang bị tàu đổ bộ đệm khí Zubr mua của Ukraine. Philippines cho rằng, Trung Quốc sẽ sử dụng số tàu đổ bộ đệm khí Zubr kể trên để chiếm quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Theo Tạp chí Asia Defence News, Hy Lạp đã đồng ý bán 4 tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr cho Trung Quốc.

Gia tăng tổ chức diễn đàn

Giới phân tích cho rằng, việc Trung Quốc liên tiếp tổ chức các diễn đàn an ninh, với chủ đề chính có liên quan tới Biển Đông nhằm tạo cơ sở pháp lý cho yêu sách phi lý “đường lưỡi bò”. Giới chuyên môn khá quan tâm tới Diễn đàn nghiên cứu Biển Đông được tổ chức tại Đại học Nam Kinh hôm 3/12 với sự tham dự của gần 100 chuyên gia, học giả đến từ 43 đơn vị, trong đó có Bộ Ngoại giao, Cục Hải dương quốc gia và các Viện nghiên cứu khoa học của các trường đại học lớn ở Trung Quốc.

Hải quân Trung Quốc khoe cơ bắp trên biển

Hải quân Trung Quốc "khoe cơ bắp" trên biển

Cũng trong ngày 3/12, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, Đại học Bắc Kinh đã tổ chức Hội nghị thường niên đối thoại Bắc Các ở Bắc Kinh, với sự tham dự của cựu chính khách, nhà chiến lược đến từ 11 quốc gia như cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Zoellick, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Menon... và các học giả đã đề cập tới mối lo ngại trước việc Trung Quốc sử dụng lực lượng bán quân sự ở Biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như quan hệ Trung - Nhật ngày một xấu đi.

Giới phân tích cũng chú ý tới Diễn đàn Hương Sơn bởi được Trung Quốc nâng thành Diễn đàn An ninh và Quốc phòng cao cấp châu Á để làm đối trọng với Đối thoại Shangri-La (tổ chức ở Singapore). Ngày 4/12, tờ The Diplomat đăng bài phân tích của Giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc Robert Kelly khi bình chọn 5 sự kiện tiêu biểu trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á năm 2014 bởi coi căng thẳng Biển Đông và sự hung hăng của Trung Quốc đứng thứ 2.

Cùng ngày 3/12, tờ Business World Online đăng phân tích của Hãng Standard & Poor’s, trong đó khuyến cáo, Biển Đông sẽ tiếp tục là điểm nóng thống trị năm 2015 và sức mạnh chính trị cùng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc tiếp tục ăn sâu vào mối quan hệ quyền lực đang lên đối với một số nước láng giềng trong thời gian khá dài. Trước đó 1 tháng (3/11), tờ The Conversation từng bình luận, Trung Quốc muốn độc chiếm quần đảo Trường Sa sau khi xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, đều thuộc chủ quyền của Việt Nam.
 
Sáng 4/12, với số phiếu ủng hộ tuyệt đối, Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết số H.Res-714 nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm giải pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, cho các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Hạ viện Mỹ thông qua một nghị quyết liên quan tới Biển Đông và biển Hoa Đông.
Nghị quyết H.Res-714 cũng kêu gọi ASEAN và các nước có tranh chấp nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, thông qua việc yêu cầu các bên thực thi đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên (DOC), và thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Điều này cho thấy mối quan tâm ngày càng sâu sắc của các nhà lập pháp Mỹ đối với tình hình diễn biến phức tạp tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
 
Theo Hồng Thất Công
PetroTimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm