Biển Đông dậy sóng, Trung Quốc đang “thử” Obama?
(Dân trí) - Gần 6 năm nay, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn ra sức tìm cách buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật lệ quốc tế và kiềm chế những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, những bằng chứng mới cho thấy Trung Quốc đang dùng luật chơi quen thuộc đó là phớt lờ cảnh báo cũng như những lo ngại của Mỹ. Và lần này là việc lắp đặt các radar cao tần, đưa chiến đấu cơ và tên lửa đến các đảo và bãi đá thuộc Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Tranh chấp âm ỉ ở một địa điểm nằm cách xa Mỹ này cho thấy một thử thách nữa cho chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama trong năm cuối nhiệm kỳ.
Những động thái triển khai của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa diễn ra chỉ một tuần sau khi ông Obama tuyên bố Mỹ “sẽ tiếp tục hoạt động trên biển, trên không, ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép”. Tư lệnh hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương cảnh báo, mục đích cuối cùng của Trung Quốc là giành bá quyền ở châu Á.
Chiến lược của ông Obama ở nước ngoài tập trung vào xây dựng quan hệ đối tác với hy vọng dần đưa trật tự thế giới theo hướng có lợi cho Mỹ, nhưng Trung Quốc lại theo đuổi chính sách đối đầu, theo đuổi những chiến thắng mang tính chiến thuật để mài sắc khả năng cạnh tranh.
Điều này đang thể hiện ngày càng rõ. Một năm qua, hoạt động quân sự của Trung Quốc mở rộng không chỉ về quy mô, mà còn về độ phức tạp, về thời gian cũng như vị trí địa lý, Joseph F. Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ nhận định hôm thứ Năm tuần trước. Ông Dunford cho rằng, Trung Quốc đã và đang phát triển các năng lực nhằm ngăn chặn sức mạnh của Mỹ như phát triển tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình.
"Sự hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc đã nhanh chóng thu hẹp khoảng cách về năng lực quân sự với Mỹ, loại dần những ưu thế cạnh tranh của Mỹ. Lực lượng quân đội của Trung Quốc có thể thách thức hoạt động quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương và tạo ra mối đe dọa đối với các cơ sở và hạ tầng quan trọng của Mỹ. Năng lực chiến lược của quân đội Trung Quốc đang được cải thiện và cho thấy mối đe dọa ngày càng tăng đối với Mỹ và các đồng minh”, ông Dunford nói.
Nhà Trắng bề ngoài không tỏ ra quá lo ngại về các động thái mới đây của Trung Quốc và nhấn mạnh rằng chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi giải pháp ngoại giao đối với tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Ông Obama đã có cuộc họp thượng đỉnh với lãnh đạo 10 nước ASEAN tại California cách đây 2 tuần. Kết thúc hội nghị, ông Obama một lần nữa nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có những bước đi cụ thể nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông, trong đó có việc ngừng các hoạt động cải tạo, xây mới và quân sự hóa các khu vực tranh chấp ở đây. Tuy nhiên, điều đáng nói, tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo sau hội nghị về tự do hàng hải lại không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc hay Biển Đông. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy các quốc gia vẫn còn e ngại một cuộc đối đầu địa chính trị giữa 2 cường quốc.
Chính quyền Obama vào cuộc năm 2010 khi Trung Quốc lớn tiếng buộc tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ phải ngừng khai thác ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong một hội nghị cấp cao của khu vực tổ chức tại Hà Nội vào mùa hè 2010, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton đã tuyên bố, giải quyết tranh chấp ở Biển Đông là ưu tiên ngoại giao hàng đầu của chính quyền Obama.
Tuyên bố này được coi là sự chuyển dịch đáng kể trong chính sách đối phó Trung Quốc của chính quyền Obama theo hướng cứng rắn hơn và phát đi tín hiệu rằng Mỹ sẽ tăng cường mối quan hệ với các nước ở Đông Nam Á trước sự bành trướng của Trung Quốc.
Thực tế, kể từ đó đến nay, Mỹ đã cho triển khai một lực lượng thủy quân lục chiến nhỏ đến Darwin của Úc, công bố hợp tác an ninh mới với Philippines, tuyên bố bảo vệ Nhật Bản sau vụ việc tàu Nhật Bản và Trung Quốc va chạm ở biển Hoa Đông, đồng thời tổ chức hội nghị thường niên với lãnh đạo các nước ASEAN.
Tuy nhiên, thay vào đó, Trung Quốc lại ngang nhiên tăng cường các hoạt động cải tạo đất, bồi lấp, nạo vét trái phép ở các đảo và bãi đá ở Trường Sa. Trung Quốc nói các hành động này là hoàn toàn bình thường, ôn hòa, trong khi đó, Mỹ tố Trung Quốc rõ ràng xây các đường băng trái phép ở Biển Đông là nhằm phục vụ ý đồ quân sự.
Để thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ đã điều các tàu chiến tuần tra ở khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép.
Jerry Hendrix, Đại úy Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu và hiện là chuyên gia phân tích vấn đề quốc phòng tại Trung tâm nghiên cứu an ninh Mỹ, nhận định: “Mỹ sẽ đợi cho đến khi tòa án Hague đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc trước khi có thêm bất cứ động thái cứng rắn khác. Tuy nhiên, ông Hendrix cũng cảnh báo: “Mỗi ngày trôi qua mà không có động thái thách thức đáng kể nào đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đồng nghĩa với một cơ hội đã qua đi”.
Với Nhà Trắng, Trung Quốc bị coi là đối thủ lớn của Mỹ, nhưng cũng là một đối tác quốc tế quan trọng. Ông Obama đã chỉ ra những vấn đề mà có sự hỗ trợ của Bắc Kinh như thỏa thuận hạt nhân Iran, hiệp ước giảm khí thải nhà kính. Tuần trước, Trung Quốc cũng nhất trí với Mỹ ủng hộ nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thể gạt bỏ bất đồng về các lĩnh vực như tấn công mạng, nhân quyền và Biển Đông.
Minh Phương
Theo Washington Post