1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Biển Đỏ nóng lên: Xung đột có thể bùng nổ và lan rộng bất cứ lúc nào

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Từ đồ nội thất IKEA đến đồ chơi trẻ em và ô tô, người mua sắm ở Anh có thể thấy một số mặt hàng gia dụng yêu thích của họ bị chậm trễ khi xung đột ở Biển Đỏ tiếp tục bất ổn và khó lường.

Biển Đỏ nóng lên: Xung đột có thể bùng nổ và lan rộng bất cứ lúc nào - 1

Houthi công bố hình ảnh các tay súng của họ đột kích bắt giữ tàu hàng có liên quan tới Israel tại Biển Đỏ hôm 19/11/2023 (Ảnh: AFP).

Tại vùng biển nhỏ ở Trung Đông, các nguy cơ đang rình rập. Đối với một công ty kinh doanh trà ở Reading (Anh), đó thực sự là vấn đề đáng lo ngại. Sản phẩm đã hết và khách ngày càng thất vọng vì nguồn cung bị chậm trễ.

Nguyên nhân là do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen, những người ủng hộ nhóm vũ trang Hamas trong cuộc chiến với Israel và phản đối ảnh hưởng của Mỹ - Israel ở Trung Đông.

Để thể hiện sự ủng hộ đối với Hamas, Houthi đã nhắm mục tiêu vào các tàu thương mại trên một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới: Biển Đỏ.

Tea People, một doanh nghiệp kinh doanh trà hảo hạng không kịp nhận hàng để bán vào dịp Giáng sinh do tàu phải di chuyển theo đường vòng với lộ trình dài thêm 5.600km.

Vishaka Chhetri Agarwal, giám đốc sản phẩm của công ty, cho biết chi phí đã tăng gấp 4 lần: "Bình thường, để vận chuyển một container từ Sri Lanka đến Anh, bạn chỉ cần tốn 1.000 USD nhưng bây giờ đột nhiên chúng tôi phải trả tới 5.000 USD".

Biển Đỏ: Xung đột có thể bùng nổ và lan rộng bất cứ lúc nào

Vận chuyển toàn cầu đã trở thành mục tiêu của Houthi giữa lúc cuộc chiến giữa Israel và Hamas vẫn đang nóng bỏng. Vụ đột kích tàu thương mại kịch tính ngày 19/11/2023 đánh dấu một trong những vụ tấn công nghiêm trọng nhất của lực lượng Houthi trên Biển Đỏ.

Kể từ đó, Houthi - lực lượng kiểm soát phần lớn Yemen và được cho là có liên kết với Iran - đã phóng UAV và tên lửa chống hạm vào hơn 20 tàu, chủ yếu là những tàu có liên quan tới Israel hoặc đang đi đến Israel.

Theo nhóm quản lý rủi ro hàng hải Ambrey Analytics, từ ngày 19/11/2023 đến ngày 2/1, 47 sự cố đã được báo cáo ở Biển Đỏ và Vịnh Aden, trong đó, 12 vụ ghi nhận có thiệt hại về vật chất.

Vào ngày 13/12/2023, tàu chiến HMS Diamond của Anh đã bắn hạ 1 UAV tấn công bị nghi ngờ nhắm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ. Bộ Quốc phòng Anh cho biết đây là lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ Hải quân Hoàng gia Anh bắn hạ 1 mục tiêu trên không.

Tuy nhiên, Anh không đơn độc trong nỗ lực răn đe của mình. Mỹ cũng đẩy lùi cuộc tấn công của Houthi vào tàu container Maersk ở Biển Đỏ, bắn chìm 3 thuyền cao tốc và giết chết 10 tay súng vào ngày 31/12/2023. Cũng trong tháng 12, tàu chiến Mỹ đã bắn hạ thêm 2 UAV khác.

Nhằm đáp trả những đợt tấn công của Houthi, Mỹ và 12 quốc gia khác - trong đó có Anh - đã thành lập lực lượng đặc nhiệm hải quân, tiến hành chiến dịch "Người bảo vệ Thịnh vượng" để bảo vệ các tàu dân sự.

Các chuyên gia cảnh báo rằng tình hình vẫn có thể leo thang khi phương Tây cố gắng cân bằng giữa khả năng răn đe với việc sẵn sàng sử dụng khả năng đó.

Raphael Cohen, giám đốc chương trình chiến lược và học thuyết thuộc RAND AIR FORCE, cho biết: "Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế đã cố gắng tránh gây ra tổn thất thực sự cho Houthi... Và họ có những lý do chính đáng cho điều đó". Tuy nhiên, ông cho biết "xung đột vẫn có thể sẽ lan rộng".

Ông nói: "Mỹ và các đồng minh đang bị giằng xé giữa những mục tiêu kiềm chế căng thẳng trong khu vực nên sử dụng ít vũ lực hơn. Nhưng mặt khác, hiện trạng tấn công vận tải biển quốc tế là không thể chấp nhận được".

Hàng hóa phải đi đường vòng

Cái giá phải trả do căng thẳng gia tăng ở Biển Đỏ không chỉ là chính trị mà còn là thương mại.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 1/12/2023 tuyên bố: "Houthi sẽ phải chịu hậu quả nếu họ tiếp tục đe dọa tính mạng, nền kinh tế toàn cầu và dòng chảy thương mại tự do trên các tuyến đường biển quan trọng của khu vực".

Những tập đoàn lớn như BMW, IKEA và Nestle được cho là bị ảnh hưởng nặng nề sau khi một số hãng vận tải biển - bao gồm Maersk và Hapag Lloyd - đình chỉ các chuyến tàu đi qua khu vực.

Trước khi căng thẳng leo thang, khoảng 12% thương mại toàn cầu và 40% lượng hàng hóa từ châu Âu đến châu Á đi qua Biển Đỏ và kênh đào Suez.

Biển Đỏ nóng lên: Xung đột có thể bùng nổ và lan rộng bất cứ lúc nào - 2

Vị trí Biển Đỏ và kênh đào Suez (Ảnh: SMH).

Giờ đây, các công ty vận tải đã định tuyến lại, chuyển hướng các tàu đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, một hành trình mất trung bình thêm 10 ngày và tốn thêm khoảng 2 triệu USD nhiên liệu cùng các chi phí khác.

Cho đến nay, khoảng 300 tàu đã được định tuyến lại, theo dữ liệu từ Windward, 45 chiếc trong số đó đang chở ô tô mới từ Hàn Quốc và Nhật Bản với giá trị khoảng 100 triệu USD mỗi tàu.

Công ty cho biết số ô tô được vận chuyển trên tuyến đường dài hơn, tốn kém hơn và mức tăng giá trung bình cho mỗi chiếc ô tô bán lẻ là 1.100 USD.

Ông Daniel, người từng có mặt trên một con tàu Hải quân Israel bị trúng tên lửa ngoài khơi Lebanon năm 2008 khiến 4 đồng đội của ông thiệt mạng và 12 người bị thương, cho biết: "Tôi hoàn toàn biết cảm giác bị tên lửa tấn công sẽ như thế nào... Chúng có thể nhấn chìm tàu và gây thương vong cho thủy thủ và thuyền trưởng".

Stawpert, giám đốc cấp cao về môi trường và thương mại của Phòng Vận tải Quốc tế, cho biết có nguy cơ xảy ra "thương vong nghiêm trọng", nhưng dường như khó xuất hiện kịch bản không có con tàu nào đi qua tuyến đường này.

Ông nói: "Vận chuyển rất linh hoạt và trước đây chúng tôi đã phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa an ninh nhưng luôn tìm cách vượt qua".

Tuy nhiên, những tàu container cỡ lớn có thể sẽ chuyển hướng vì "chúng là mục tiêu dễ tấn công hơn nhiều so với các tàu có chiều cao thấp như tàu chở dầu".

Theo Sky News
Dòng sự kiện: Chiến sự Israel - Hamas

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm