1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bị Pháp tố "đâm sau lưng", Australia lý giải việc hủy thỏa thuận tàu ngầm

Thành Đạt

(Dân trí) - Thủ tướng Australia khẳng định đã bày tỏ quan ngại với Pháp trên cơ sở lợi ích quốc gia trước khi hủy thỏa thuận đóng tàu ngầm trị giá hàng tỷ USD.

Bị Pháp tố

Thủ tướng Australia Scott Morrison (Ảnh: News)

"Tôi nghĩ họ (Pháp) có mọi lý do để biết rằng, chúng tôi có những lo ngại sâu sắc và nghiêm trọng về việc năng lực của tàu ngầm lớp Attack sẽ không đảm bảo được lợi ích chiến lược của chúng tôi. Chúng tôi đã nói rất rõ rằng chúng tôi sẽ đưa ra quyết định dựa trên lợi ích quốc gia chiến lược của chúng tôi", Thủ tướng Australia Scott Morrison nói với các phóng viên ở Sydney hôm nay 19/9.

Trước đó, Pháp ngày 17/9 đã triệu hồi hai đại sứ của Pháp tại Mỹ và Australia trở về Paris để tham vấn, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison công bố một thỏa thuận hợp tác an ninh - quốc phòng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với tên gọi AUKUS. Theo thỏa thuận, Mỹ và Anh sẽ hỗ trợ Australia về công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Chính phủ Pháp nói rằng họ cảm thấy "bị phản bội" khi Australia hủy thỏa thuận đóng 12 tàu ngầm truyền thống ước tính 65 tỷ USD với Pháp, thay vào đó đạt thỏa thuận mới với Mỹ và Anh về tàu ngầm hạt nhân. Giới chức Pháp nói rằng họ không được báo trước về quyết định hủy thỏa thuận đóng tàu ngầm của Australia. Tuy nhiên, giới chức Australia khẳng định, họ đã nói rõ với Paris rằng thỏa thuận có thể bị hủy.

Thủ tướng Morrison cho biết ông hiểu sự thất vọng của Pháp về việc hủy bỏ thỏa thuận tàu ngầm, tuy nhiên ông cũng nhắc lại rằng Australia phải luôn đưa ra các quyết định vì lợi ích tốt nhất của mình.

"Tôi không hối hận về quyết định đặt lợi ích quốc gia của Australia lên hàng đầu. Đây là vấn đề đã được tôi trực tiếp nêu ra cách đây vài tháng và chúng tôi vẫn tiếp tục thảo luận những vấn đề đó, với sự tham gia của cả bộ trưởng quốc phòng và những người khác", Thủ tướng Scott Morrison nói thêm.

Thỏa thuận AUKUS mới đã đặt Washington vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có với Pháp. Các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận này có thể gây thiệt hại lâu dài cho quan hệ đồng minh của Mỹ với Pháp và châu Âu, đồng thời gây hoài nghi về "mặt trận thống nhất" mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách xây dựng để đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Pháp đã gọi việc Australia hủy bỏ thỏa thuận là một cú "đâm sau lưng". Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói rằng quan hệ của nước này với Mỹ và Australia đang rơi vào một "cuộc khủng hoảng".

Tổng thống Morrison cho biết ông đã thông báo cho Pháp về thỏa thuận AUKUS vào ngày 15/9, trước khi ông cùng Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh chính thức công bố thành lập thỏa thuận vào ngày hôm sau.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton cho biết nước này đã "thẳng thắn, cởi mở và trung thực" khi trao đổi với Pháp về các mối quan ngại của Australia. Ông từ chối tiết lộ chi phí của thỏa thuận tàu ngầm mới, chỉ nói rằng "nó sẽ không phải là một dự án rẻ".