Bí mật về nữ điệp viên khuyết tật mang mật danh "chó sói"
Trong thế chiến thứ II, phía sau những cuộc chiến khốc liệt, thắng lợi vẻ vang của quân Đồng minh không thể thiếu sự đóng góp lặng lẽ của những nữ điệp viên xinh đẹp và tài năng, một trong số đó là "bóng hồng" Virginia Hall mang mật danh "chó sói".
Dù chỉ với "một chân", bà đã dũng mãnh, can trường và mưu lược khiến quân đội phát xít Đức thất bại ê chề trong những lần vây bắt.
Thời trẻ của điệp viên Virginia Hall
Virginia (1906-1982) được sinh ra trong một gia đình "khá giả" tại thành phố Baltimore, bang Maryland (Mỹ). Bà theo học trường Cao đẳng Radcliffe rồi Đại học Barnard (Mỹ), song kết thúc khóa học ở châu Âu (Pháp và Áo). Bà có khả năng nói tiếng Pháp và tiếng Đức rất trôi chảy.
Sau khi làm việc tại một số Đại sứ quán nước ngoài tại Mỹ, bà đã có ý định thử việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ, tuy nhiên bà bị từ chối. Với ước mơ làm việc tại nước ngoài, bà thi tuyển và được chọn làm Thư ký Đại sứ quán Mỹ tại thành phố Warsaw (Ba Lan) và sau đó chuyển đến Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Smyrna (Thổ Nhĩ Kỳ).
Năm 1933, khi đang công tác tại Đại sứ quán Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ, bà được mời tham gia cùng bạn bè trong một chuyến săn bắn. Trong chuyến đi săn tại một vùng quê xa xôi, khi leo qua hàng rào dây thép, khẩu súng của bà bất ngờ nổ, bắn xuyên qua chân trái của Hall Virginia.
Lúc bạn bè đưa bà đến bệnh viện, bác sĩ đã yêu cầu cắt cụt chân của bà để cứu mạng sống. Từ đó, hai chân bà Hall đi khập khiễng khiến bà phải mang theo một chiếc "chân gỗ". Đây cũng chính là lý do khiến Hall tiếp tục bị từ chối nhận vào Bộ Ngoại giao.
Không chấp nhận số phận, bà đã quay trở lại Mỹ và bắt đầu tập luyện để có thể làm hầu hết mọi việc bà ấy từng làm trước đây. Bà đi tập tễnh, không thể chạy nhanh được, nhưng bà rất có năng lực chuyên môn và tự chăm sóc tốt cho bản thân. Sau đó, Virginia Hall trở về châu Âu, bà xác định cần phải thay đổi kế hoạch khi Bộ Ngoại giao Mỹ không thể thuê một người khuyết tật với chiếc "chân giả".
Gia nhập cơ quan Tình báo Anh (SOE)
Ngay sau khi Pháp tuyên chuyến với Đức vào ngày 3-9-1939, bà Virginia Hall đã gia nhập quân đoàn xe cứu thương Pháp được gọi là Sanitaires de I'Armee. Từ tháng 9-1939 đến tháng 5-1940, giữa người Pháp và người Đức xảy ra những cuộc giao tranh nhỏ, Virginia được huấn luyện cấp cứu và bắt đầu công việc lái xe cứu thương không hề dễ dàng khi phải lái bằng chiếc "chân gỗ".
Tháng 6-1940, Pháp đầu hàng Đức quốc xã và chính sách chống lại người Do Thái châu Âu của họ, bà Virginia quyết định sang Vương quốc Anh. Bà đã đến thủ đô London qua Tây Ban Nha (khi đó là quốc gia trung lập) vào tháng 8-1940, bắt đầu làm việc tại Tùy viên quân sự Mỹ ở Anh.
Cơ quan tình báo Anh (SOE) là tổ chức lập ra nhằm đào tạo những điệp viên có bản lĩnh và năng lực vượt trội để có thể thực hiện các hành động đặc biệt, thâm nhập vào sào huyệt của địch. SOE bị ấn tượng với kiến thức cũng như khả năng sử dụng ngoại ngữ lưu loát, cùng với bản lĩnh và trí tuệ của bà Hall. Ngay sau đó, tại một bữa tiệc cocktail ở London, bà chính thức được SOE tuyển chọn làm lực lượng bí mật.
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo của SOE, bà Virginia chính thức trở thành điệp viên vào tháng 4-1941, với mật mã là Germaine. Khi đến Pháp vào ngày 23-8-1941, bà Hall phải mang danh tính giả là Brigitte Le Contre - phóng viên người Mỹ gốc Pháp, đang làm việc cho tờ New York Times.
Thông thường, SOE chỉ gài điệp viên trong lĩnh vực này trong vòng 6 tháng, nhưng bà Hall đã dành 15 tháng làm việc tại Lyon (Pháp) với vai trò tổ chức, tài trợ, cung cấp và trang bị cho kháng chiến Pháp. Bà cũng nỗ lực giải cứu đồng đội; bảo đảm cho họ trở lại Anh an toàn; giám sát việc thả dù của SOE từ máy bay chiến đấu; tổ chức các cuộc tấn công phá hoại chống lại đường dây cung cấp thông tin của Đức.
Ngoài ra, bà cũng phục vụ như một "giao liên", chuyên vận chuyển tin tức, tài liệu cho các điệp viên khác của SOE trong khu vực miền Nam nước Pháp.
Bà Hall là bậc thầy về kỹ năng "lẩn trốn" và "ngụy trang", những kẻ truy bắt chưa bao giờ tìm ra Germaine là ai. Không những vậy, bà còn tham gia các hoạt động ngầm với hàng loạt mật danh khác nhau như Marie, Philomene, Le Contre... Tuy nhiên, do một số sơ ý nhỏ, Virgina Hall đã bị cơ quan mật vụ Gestapo khét tiếng của phát xít Đức phát hiện và nắm giữ một loạt thông tin về bà.
Virgina Hall nhanh chóng rơi vào tầm ngắm của phe Phát xít và nằm ở đầu danh sách "truy nã", thậm chí có cả một chiến dịch quy mô lớn để vây bắt và lấy mạng bà như tuyên bố của tên trùm khét tiếng Gestapo: "Sẵn sàng đổi mọi thứ để tóm được con sói Virginia".
Muốn rời đi an toàn, không còn cách nào khác, bà Virginia Hall phải bất chấp khó khăn đi chân gỗ trên tuyết mùa đông, leo lên các con đường xuyên qua dãy núi Pyrenees để vào Tây Ban Nha trong suốt 20 ngày dòng dã vì thiếu giấy tờ nhập cảnh. Bà trở lại London, được các đồng nghiệp SOE chào đón như "người hùng".
Không muốn nghỉ ngơi, bà gần như ngay lập tức trở lại hoạt động như thường nhật. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, bà đã đứng dầu danh sách "xử tử" của Đức quốc xã nên SOE nghĩ rằng quá nguy hiểm để đưa bà trở về Pháp.
Do đó, nhiệm vụ được SOE giao tiếp theo cho bà là đến thủ đô Madrid (Tây Ban Nha, tháng 5-1943) hoạt động bí mật với tư cách là một phóng viên cho tờ Chicago Tribune.
Đến tháng 7-1943, bà được ban tặng quy chế thành viên Đế quốc Anh (MBE) vì những đóng góp xuất sắc cho quân Đồng minh. Song, bà từ chối nhận huy chương từ Quốc vương George VI vì sợ bị lộ thân phận.
Tháng 9-1945, Virginia Hall được trao tặng danh hiệu Thập tự (Nguồn: Getty)
Với những đóng góp to lớn của bà khi giúp quân Đồng minh giành thắng lợi trên nhiều mặt trận (tấn công và giải phóng nước Pháp; phá hủy đường dây liên lạc, giao thông của địch, cùng với các đồng đội bắt sống và tiêu diệt hàng trăm tên địch), bà trở thành người phụ nữ đầu tiên được tặng danh hiệu cao quý chữ Thập (Cross) trong thế chiến II (9/1945).
Chuyển sang làm việc cho cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA)
Quay trở lại Mỹ sau thế chiến II, bà Virginia Hall đã cố gắng gia nhập Bộ Ngoại giao một lần nữa vào tháng 3-1946 nhưng vẫn bị từ chối với lý do đất nước đang trong giai đoạn "cắt giảm ngân sách". Kết quả là, bà gia nhập nhóm Tình báo Trung ương mới được thành lập, sau đó phát triển thành cơ quan Tình báo Trung ương.
Điệp viên Virginia Hall của Hoa Kỳ là một nhân vật quan trọng trong Thế chiến thứ hai (Nguồn: NC)
Bà tiếp tục đi công tác 2 năm ở châu Âu (1947 - 1948) rồi trở về Mỹ làm việc cho Ủy ban Quốc gia của CIA tại thành phố New York. CIA đã đề nghị bà Virginia Hall làm chuyên viên phân tích tại Văn phòng điều phối chính sách ở Washington vào tháng 12-1951.
Sau khi nghỉ hưu, bà và chồng Paul Goillot trở về sống ở nông trại tại thành phố Barnestown, Maryland (Mỹ). Bà qua đời vào ngày 12-7-1982 tại Rockville, Maryland ở tuổi 76.
Bà được Chính phủ Anh, Pháp của phe Đồng minh trao huân chương cao quý vì những chiến công trong quãng đời hoạt động tình báo của mình.
Theo Nhất Tuệ
An ninh thủ đô