1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bí ẩn chưa lời giải về thủ lĩnh tối cao trong bóng tối của Taliban

Thành Đạt

(Dân trí) - Mặc dù Taliban nhấn mạnh vai trò của thủ lĩnh tối cao Hibatullah Akhundzada, nhưng giới quan sát vẫn hoài nghi rằng liệu nhân vật quyền lực này còn sống hay đã chết?

Bí ẩn chưa lời giải về thủ lĩnh tối cao trong bóng tối của Taliban - 1

Một đứa trẻ đứng cạnh bức tường gần nơi sinh của thủ lĩnh tối cao Taliban Hibatullah Akhundzada tại vùng Panjwai, Kandahar, Afghanistan (Ảnh: AFP).

Khi Taliban kiểm soát thủ đô Kabul vào giữa tháng 8 và lần thứ 2 lên nắm quyền tại Afghanistan, bức màn bí ẩn kéo dài suốt nhiều năm về nơi ở của thủ lĩnh tối cao Hibatullah Akhundzada ngày càng trở nên khó đoán hơn.

Nhiều người Afghanistan cho đến nay vẫn không biết chắc chắn thủ lĩnh lớn tuổi của Taliban còn sống hay đã chết. Thậm chí ngay cả những nhà phân tích kỳ cựu nhất cũng hoài nghi về việc ai là người thực sự lãnh đạo lực lượng này.

Vào ngày 30/10, 2 tháng sau khi một phát ngôn viên của Taliban khẳng định thủ lĩnh Akhundzada vẫn còn sống khỏe mạnh ở Kandahar, những tin đồn đã lan truyền khắp thành phố phía nam của Afghanistan rằng thủ lĩnh Taliban đã đến thăm và có bài phát biểu tại Jamia Darul Aloom Hakimia, một ngôi trường theo đạo Hồi ở Kandahar.

Các quan chức Taliban sau đó đã xác nhận sự xuất hiện của Akhundzada ở Hakimia bằng cách công bố một đoạn băng ghi âm dài hơn 10 phút ghi lại bài phát biểu của ông, trong đó có tiếng nói của người được cho là thủ lĩnh tối cao.

Trong bài phát biểu, Akhundzada cầu nguyện cho những người Taliban đã thiệt mạng, các chiến binh bị thương và cầu nguyện cho sự thành công của giới lãnh đạo Taliban trong "cuộc thử nghiệm lớn".

Trước đó, công chúng chủ yếu biết đến thủ lĩnh của Taliban thông qua các thông điệp bằng văn bản, được công bố hàng năm vào các dịp lễ của đạo Hồi.

Tại một trong những vùng ngoại ô nghèo nhất của Kandahar, 2 tay súng Taliban đứng gác trước cánh cổng màu xanh trắng của trường Hakimia. Massum Shakrullah, người đứng đầu bộ phận an ninh của Hakimia cho biết, khi thủ lĩnh tối cao đến thăm hôm 30/10, ông đã được "trang bị vũ khí" và đi cùng "3 chiến binh bảo vệ".

"Ngay cả điện thoại di động và máy ghi âm cũng không được phép mang vào", Shakrullah tiết lộ.

Mohammed, 19 tuổi, một trong số học viên trong trường, cho biết: "Tất cả chúng tôi đều dõi theo thủ lĩnh và khóc".

Khi được hỏi liệu có thể xác nhận đó chắc chắn là thủ lĩnh Akhundzada hay không, Mohammed cho biết mình và các bạn học vui mừng đến mức "quên nhìn mặt thủ lĩnh".

Việc giữ bí mật cho các thủ lĩnh là điều được Taliban đặc biệt chú trọng trong suốt một thập niên chiến tranh tại Afghanistan, nhất là khi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ liên tục xảy ra.

Akhundzada được đưa lên làm thủ lĩnh tối cao Taliban vào 2016 sau khi người tiền nhiệm Mullah Akhtar Mansour bị sát hại trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ. 

Bí ẩn chưa lời giải về thủ lĩnh tối cao trong bóng tối của Taliban - 2

Hiện trường vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ giết chết cựu thủ lĩnh Taliban Afghanistan Mullah Akhtar Mansour vào năm 2016 (Ảnh: AFP).

Akhundzada nhanh chóng nhận được sự hậu thuẫn của thủ lĩnh tổ chức al-Qaeda, Ayman al-Zawahiri. Sự ủng hộ từ người kế nhiệm trùm khủng bố Osama bin Laden giúp Akhundzada củng cố vị thế với các đồng minh lâu năm trong hàng ngũ Taliban.

Taliban chỉ công bố một bức ảnh của Akhundzada vào 5 năm trước, khi ông lên nắm quyền lãnh đạo lực lượng. Ngay cả bức ảnh này, chụp Akhundzada với bộ râu xám, khăn trắng quấn đầu và ánh mắt đầy sức mạnh, cũng được chụp từ 2 thập niên trước đó.

Giả thuyết về cái chết của thủ lĩnh Taliban

Sự xuất hiện của Akhundzada tại Hakimia đã dập tắt những tin đồn về cái chết của vị thủ lĩnh này. Mohammad Musa, 13 tuổi, người đứng nhìn từ xa trong sự kiện có Akhundzada xuất hiện, cho biết ông trông "giống hệt" như trong bức ảnh nổi tiếng được Taliban công bố.

Các quan chức của chính quyền Afghanistan bị lật đổ và nhiều nhà phân tích phương Tây hoài nghi về chuyến thăm của thủ lĩnh Taliban tới Hakimia. Họ tin rằng Akhundzada đã chết cách đây nhiều năm và chuyến thăm chỉ là một trò lừa bịp được dàn dựng cẩn thận.

Chuyện "đóng giả" thủ lĩnh từng xảy ra trước đó. Theo AFP, Taliban từng giả dạng Mullah Omar, người sáng lập lực lượng, trong 2 năm sau khi ông qua đời vào năm 2013.

"Akhundzada đã chết từ lâu và không có vai trò gì trước khi Kabul bị (Taliban) tiếp quản", một quan chức an ninh của chính quyền Afghanistan cũ cho biết.

Nguồn tin cho rằng Akhundzada đã bị sát hại cùng anh trai của mình trong một vụ tấn công liều chết ở Quetta, Pakistan "khoảng 3 năm trước".

Giả thuyết trên được một số cơ quan tình báo nước ngoài cho là đáng tin cậy. Một nguồn tin an ninh khu vực nói rằng "không ai xác nhận và cũng không ai phủ nhận" cái chết của Akhundzada.

Bí ẩn chưa lời giải về thủ lĩnh tối cao trong bóng tối của Taliban - 3

Taliban chỉ công bố một bức ảnh của thủ lĩnh Mullah Haibatullah Akhundzada vào 5 năm trước, khi ông nắm quyền lãnh đạo lực lượng (Ảnh: AP).

Một thành viên của Taliban tại Pakistan cho biết, Akhundzada không sử dụng công nghệ hiện đại. Người này từng gặp thủ lĩnh tối cao 3 lần, lần cuối cùng vào năm 2020.

Theo nguồn tin trên, Akhundzada thích gọi điện thoại cố định và liên lạc qua thư với các quan chức Taliban, những người hiện thành lập chính phủ mới tại Afghanistan và vẫn giữ mối quan hệ chặt chẽ với thủ lĩnh tối cao.

Nguồn tin cho biết Akhundzada có thể đã "bật đèn xanh" cho cuộc phản công cuối cùng của Taliban nhằm vào chính quyền Afghanistan cũ và theo dõi các chiến dịch từ Kandahar.

Là giáo sĩ cứng rắn, Akhundzada dành phần lớn thời gian lãnh đạo Taliban trong bóng tối. Thay vì lộ diện, ông cũng để những người khác dẫn đầu trong các cuộc đàm phán cuối cùng trước khi Mỹ và các đồng minh rút khỏi Afghanistan sau 20 năm can thiệp quân sự.

Một số nhà phân tích nghiên cứu về Taliban nói rằng Akhundzada là người chỉ đạo, hàn gắn những chia rẽ trong tổ chức và quản lý việc đối phó với các đồng minh và đối thủ quốc tế.

Tuy nhiên, cũng có những người nói rằng Akhundzada thực chất chỉ là "bù nhìn", được chọn làm ứng cử viên thỏa hiệp trong thời điểm Taliban có nhiều biến động, trong khi quyền lực thực sự thuộc về các phe nhóm quân sự của Taliban.

Những người làm việc cùng và các học viên tại nhà thờ Hồi giáo mô tả Akhundzada là một người kỷ luật và là nhà hùng biện quyết liệt.

Xuất thân từ một gia đình tôn giáo nghiêm khắc ở Kandahar, thành phố lớn thứ hai Afghanistan, ông Akhundzada là một trong những thành viên ban đầu của Taliban - một phong trào nổi lên ở tỉnh Helmand phía nam sau đống tro tàn của cuộc nội chiến Afghanistan.

Khi Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan từ năm 1996-2001 và thi hành luật Hồi giáo Sharia cùng chế độ hà khắc, ông Akhundzada giữ vai trò là người đứng đầu hệ thống tư pháp của Taliban.

Một số nguồn tin của Taliban cho rằng, nỗi lo sợ bị ám sát, ngay cả khi Mỹ đã dừng cuộc chiến tại Afghanistan, có thể là một trong những lý do khiến Akhundzada tránh xuất hiện công khai.

Theo một nguồn tin an ninh khu vực, trong trường hợp Akhundzada đã chết, Taliban cũng sẽ tìm cách che giấu thông tin này, trong bối cảnh có nhiều lo ngại về sự hiện diện của ISIS-K, chân rết của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Afghanistan.

ISIS-K được xem là "đối thủ không đội trời chung" với Taliban khi 2 nhóm xung đột nhau về ý thức hệ. Trong thời gian qua, ISIS-K đã thực hiện hàng loạt vụ tấn công kinh hoàng, gây ra mối đe dọa tới mục tiêu duy trì quyền lực của Taliban.

Bất kỳ thông tin nào liên quan đến cái chết của thủ lĩnh tối cao cũng dẫn đến các cuộc đào tẩu trong hàng ngũ của Taliban.

"Nếu họ thông báo Akhundzada không còn nữa và chúng tôi đang tìm kiếm một thủ lĩnh mới, thì điều đó sẽ khiến Taliban và ISIS-K có thể lợi dụng", nguồn tin nhận định.

Bất chấp mọi đồn đoán, Taliban nói rằng Akhundzada vẫn đang điều hành lực lượng "một cách có trật tự" và thủ lĩnh "không cần thiết" phải xuất hiện công khai.