1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Binh sĩ ma" khiến Afghanistan nhanh chóng rơi vào tay Taliban

Minh Phương

(Dân trí) - Cựu Bộ trưởng Tài chính Afghanistan cho rằng, sự sụp đổ của chính quyền và quân đội Afghanistan là do những quan chức tham nhũng và "hai mang" tạo ra "binh sĩ ma", thổi phồng quy mô lực lượng an ninh.

Binh sĩ ma khiến Afghanistan nhanh chóng rơi vào tay Taliban - 1

Taliban đã nhanh chóng giành quyền kiểm soát Afghanistan hồi tháng 8 (Ảnh: Reuters).

BBC dẫn lời cựu Bộ trưởng Tài chính Afghanistan Khalid Payenda cho biết, những quan chức tham nhũng trong chính quyền Afghanistan cũ đã thổi phồng số lượng binh sĩ và cảnh sát thực tế. Do vậy, phần lớn 300.000 binh sĩ và cảnh sát thực tế không hề tồn tại.

Theo ông Payenda, lực lượng an ninh của Afghanistan đã bị phóng đại lên hơn 6 lần để các quan chức tham nhũng được hưởng tiền lương biên chế của các "binh sĩ ma". Khi các binh sĩ đào ngũ hoặc tử trận, một số chỉ huy sẽ giữ lại thẻ ngân hàng và rút tiền lương từ đó.

Jack Waltling, chuyên gia Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), cho biết ngay cả quân đội Afghanistan cũng không biết chính xác họ thực sự có bao nhiêu binh sĩ, bởi có cả số binh sĩ "ảo" do nạn quan liêu, tham nhũng.

Quy mô thực sự của lực lượng an ninh Afghanistan từ lâu đã là một vấn đề bí ẩn. Một báo cáo năm 2016 của Tổng thanh tra đặc biệt của Mỹ phụ trách vấn đề tái thiết Afghanistan (SIGAR) nói rằng: "Cả Mỹ và các đồng minh của Afghanistan đều không biết chính xác Afghanistan có bao nhiêu binh sĩ và cảnh sát, bao nhiêu người thực sự đang làm nhiệm vụ hay bản chất nhiệm vụ của họ là gì". Một báo cáo gần đây của SIGAR cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc vì tình trạng tham nhũng cũng như tính chính xác của các dữ liệu về quy mô lực lượng an ninh Afghanistan".

Ông Payenda cho biết thêm, những binh sĩ làm nhiệm vụ thực sự của Afghanistan thường bị nợ hoặc bị chậm lương, làm nhiệm vụ trong điều kiện thiếu thốn. Điều này đã làm rệu rã tinh thần chiến đấu của họ. Trong khi đó, một số chỉ huy quân sự "hai mang" vừa nhận lương của chính phủ, vừa nhận tiền từ Taliban. Đó là lý do tại sao Taliban có thể giành kiểm soát Afghanistan sau một đợt tiến công nhanh gọn, thậm chí ở một số nơi như thủ đô Kabul, Taliban chiếm đóng mà không cần phải giao tranh.

Trái với việc thổi phồng lực lượng của Afghanistan, lực lượng của Taliban tỏ ra mạnh hơn so với những dữ liệu chính thức. Trung tâm Chống khủng bố Mỹ tại Học viện Quân sự West Point ước tính Taliban có khoảng 60.000 tay súng. Bên cạnh đó là mạng lưới chân rết với các nhóm vũ trang và những người ủng hộ Taliban, có thể đưa quân số của lực lượng này vượt 200.000 người.

Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan hôm 15/8 và lập ra một chính phủ lâm thời chủ yếu gồm các nhân vật cấp cao của lực lượng này và đồng minh. Đến nay, chính quyền mới ở Afghanistan do Taliban thành lập chưa được quốc gia nào công nhận. Chính quyền Taliban cũng phải đối mặt với không ít thách thức như cuộc khủng hoảng tài chính, bất ổn xã hội và các vụ tấn công do tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) gây ra.