1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bệnh "sợ đủ thứ" của người nhập cư không giấy tờ ở Mỹ

(Dân trí) - Hàng triệu người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ tại Mỹ đang đối mặt với những tháng ngày khó khăn khi bị mất việc làm và không dám tới các bệnh viện để chữa bệnh vì hàng loạt nỗi lo sợ.

Bệnh sợ đủ thứ của người nhập cư không giấy tờ ở Mỹ  - 1

Dòng người xếp hàng ở một cơ sở phân phối đồ ăn tại New York, Mỹ hôm 29/4 (Ảnh: AFP)

Sợ bị trục xuất. Sợ phải đối diện với những hóa đơn không thể thanh toán. Sợ trở thành “gánh nặng xã hội” dẫn tới không thể xin giấy tờ định cư chính thức. Đó là ba trong số rất nhiều lý do khiến người nhập cư không giấy tờ ở Mỹ không dám nhập viện dù mắc Covid-19. Cuộc sống của hàng triệu người cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh.

Không ít người trong số họ đã mắc bệnh và tử vong trong khi virus corona mới vẫn đang lây lan trong các cộng đồng. 

Chồng cũ của bà Victoria đã chết tuần trước sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Người đàn ông không có giấy tờ cư trú hợp pháp bị bệnh thận và tiểu đường đã qua đời với nỗi sợ hãi đến cơ sở y tế.

“Ông ấy rất ốm yếu nhưng không muốn tới bệnh viện. Sau 2 tuần, ông ấy không thể đi hay thở nổi và con gái tôi phải đưa ông ấy lên xe hơi tới cơ sở y tế. Ông ấy qua đời 3 tuần sau đó”, bà Victoria nói.

Chồng cũ của bà trước khi qua đời đã sống cùng 12 người nhập cư khác trong một căn hộ ở New Jersey. Toàn bộ họ đều mắc Covid-19. Trong khi đó, bà sống ở New York - vùng dịch lớn nhất cả nước Mỹ.

Theo AFP, người gốc Latinh và cộng đồng Mỹ gốc Phi chiếm số lượng lớn trong khoảng 20.000 người đã thiệt mạng ở bang này. Tỉ lệ tử vong của 2 cộng đồng trên gần gấp đôi so với những người Mỹ da trắng.

AFP cho biết, dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống của 11 triệu người nhập cư không giấy tờ gốc Latinh ở Mỹ trở nên khốn đốn. Nhiều người trong số họ là công nhân lao động chân tay làm ở các siêu thị, làm công việc dọn vệ sinh.

Chỉ khoảng 16% có thể làm việc ở nhà, theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ. Nhiều người sống trong những không gian chật chội và có bệnh lý nền như hen suyễn, tiểu đường và cao huyết áp. Thông thường, họ thiếu bảo hiểm y tế và ít được học hành. Một số thậm chí không thể nói nói tiếng Anh.

Họ không nhận được trợ cấp thất nghiệp và càng không thể trông chờ vào khoản hỗ trợ 1.200 USD từ ngân sách liên bang dù họ đã đóng thuế đầy đủ.

Một số bang đã có các chính sách hỗ trợ người nhập cư không giấy tờ. California tặng 500 USD/người cho 150.000 người nhập cư không giấy tờ. Tại New York, 20.000 người được nhận mỗi người 400 USD. Tuy nhiên, những con số này khá nhỏ bé so với nhu cầu của 2,5 triệu người nhập cư không giấy tờ ở 2 bang.

Việc chính quyền Mỹ siết chặt chính sách về nhập cư trong thời gian qua đã khiến nhiều người cảm thấy sợ hãi khi tới các bệnh viện. Tuy nhiên, các đặc vụ của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) cho biết, với một vài ngoại lệ, họ không bắt người nhập cư không giấy tờ ở các bệnh viện.

Tuy nhiên, những người nhập cư lại có nỗi lo khác, theo Jae Young Kim thuộc nhóm Bronx Legal Services - tổ chức hỗ trợ tư vấn luật miễn phí cho người nhập cư.

Kim nói rằng khách hàng của bà lo lắng về quy tắc “gánh nặng xã hội”. Họ lo ngại sẽ gặp khó trong việc xin cấp giấy tờ định cư hợp pháp nếu sử dụng các quyền lợi như tem phiếu đồ ăn hoặc hỗ trợ y tế khẩn cấp vì sợ bị coi là gánh nặng cho xã hội.

Các quy tắc trên có ngoại lệ với những người mắc Covid-19, nhưng nhiều người nhập cư không hay biết hoặc họ vẫn thấy lo ngại.

Bệnh sợ đủ thứ của người nhập cư không giấy tờ ở Mỹ  - 2

Mỹ hiện ghi nhận trên 72,000 người thiệt mạng và hơn 1,2 triệu người mắc Covid-19 (Ảnh: Reuters)

Tại Coachella, bang California, Rosa, 26 tuổi, đã bị mất việc thu hoạch súp lơ. Rosa nói rằng nếu cô bị ốm, nơi cuối cùng cô muốn tới là bệnh viện.

“Thật khốn khổ khi bạn không có tiền để chi trả”, Rosa nói.

Khi cha của cô bị thương và phải làm phẫu thuật, ông đã bị “mắc kẹt” với hóa đơn viện phí 40.000 USD. Hàng năm trời sau đó, ông vẫn phải tiếp tục trả nợ.

Carlos Buri, một người Ecuador 46 tuổi ở New York, cuối cùng cũng phải nhập viện vì vợ Buri nghĩ ông sắp chết. Dù có kết quả dương tính với Covid-19 với hàng loạt triệu chứng, ông cũng bị từ chối cho nhập viện và được thông báo hãy về nhà và tự cách ly, người vợ Blanca Velez nói.

Velez và cậu con trai 10 tuổi sau đó cũng bị nhiễm virus corona. Trong khi đang nỗ lực hồi phục, gia đình Buri tiếp tục nhận tin “sốc” khi hóa đơn xe cứu thương đưa ông vào viện được gửi về nhà. Chuyến đi cấp cứu của Buri có trị giá 1.330 USD và cả 2 vợ chồng không thể chi trả vì họ đều đã mất việc.

Velez cho biết vợ chồng bà giờ sợ hãi với viễn cảnh quay lại bệnh viện vì sợ sẽ trở thành “gánh nặng xã hội” khi phải đăng ký chương trình hỗ trợ y tế Medicaid.

Gần Brooklyn, bà Guadalupe Galicia, 40 tuổi, một người sinh ra ở Mexico nghi rằng bà nhiễm bệnh nhưng bà rất sợ hãi nếu phải nhập viện.

Galicia không thể bán bánh kẹp tamale vì dịch bệnh trong 2 tháng qua và phải dạy 4 con học ở nhà vì trường học đóng cửa. Bà đã cạn túi để trả tiền thuê nhà và đôi khi bữa tối của cả gia đình chỉ có món đậu.

Đức Hoàng

Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm