Belarus cảnh báo xung đột trực tiếp với NATO
(Dân trí) - Nga và Belarus có thể xung đột trực tiếp với NATO trong tương lai, Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin cảnh báo.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow ngày 15/8, Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine đã biến thành "một cuộc đối đầu toàn cầu giữa phương Tây và phương Đông".
Theo ông Khremin, dựa vào sự gia tăng chi tiêu mua sắm vũ khí ở các nước phương Tây, "có thể kết luận: Nguy cơ xung đột quân sự trực tiếp với NATO trong tương lai trở nên rất rõ ràng".
Quan chức Belarus cho rằng đó là một trong những lý do khiến Minsk đồng ý để Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của mình.
"Không phải ngẫu nhiên mà Belarus coi việc đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật trở lại lãnh thổ của mình là một yếu tố răn đe chiến lược hiệu quả", Bộ trưởng Khrenin nói.
Nga và Belarus hồi tháng 5 đã ký thỏa thuận cho phép triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ nước láng giềng Belarus. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 17/6 xác nhận, những vũ khí hạt nhân chiến thuật đầu tiên của Nga đã được chuyển đến Belarus theo thỏa thuận
"Việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus là phản ứng với chính sách gây bất ổn hạt nhân kéo dài của NATO và Mỹ, cũng như những thay đổi cơ bản gần đây diễn ra tại khu vực an ninh châu Âu", Alexey Polishchuk, vụ trưởng Vụ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ngày 31/7 nêu rõ.
Ông Polishchuk nói đây là biện pháp răn đe được thiết kế để đảm bảo an ninh cho không gian phòng thủ chung của Nhà nước Liên minh, bao gồm Nga và Belarus. Do vậy, Moscow chỉ rút vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi Belarus nếu Mỹ rút tên lửa hạt nhân và những hạ tầng liên quan của họ ở châu Âu.
Belarus là nước láng giềng và cũng là một đồng minh của Nga. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Alexander Lukashenko khẳng định Belarus sẽ không tham gia vào chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Belarus có đường biên giới dài 1.250km với các nước thành viên NATO là Latvia, Lithuania và Ba Lan. Nga và Belarus nhiều lần cáo buộc phương Tây tìm cách phá hoại nước này, do vậy việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật là cần thiết để răn đe.
Moscow và Minsk cũng cho rằng phương Tây can dự và trở thành một bên xung đột trực tiếp ở Ukraine.
"Ngày nay, cuộc chiến này đã biến thành một cuộc đối đầu toàn cầu giữa phương Tây và phương Đông trên lãnh thổ Ukraine. Cuộc chiến ủy nhiệm ở Ukraine đã thực sự đẩy hành tinh đến bờ vực Thế chiến III", ông Khrenin cảnh báo.
Tuy nhiên, phương Tây đã bác bỏ cáo buộc này. Mỹ và các đồng minh cho biết họ không cung cấp cho Ukraine các vũ khí như máy bay chiến đấu hiện đại, tên lửa tầm xa để tránh nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga.
Trong bài phát biểu trực tuyến tại Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow, Tổng thống Putin cho rằng Mỹ đang muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của NATO ở châu Á bằng cách thúc đẩy hợp nhất liên minh này với nhóm AUKUS gồm Mỹ, Anh và Australia.
"Mỹ đang tìm cách định dạng lại hệ thống tương tác giữa các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo khuôn mẫu của họ", chủ nhân Điện Kremlin nói.