1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bầu cử Tổng thống Hàn Quốc mở ra trang mới cho quan hệ liên Triều?

Hôm nay (9/5), cử tri Hàn Quốc đi bầu Tổng thống mới và ứng viên tiềm năng nhất được cho là sẽ mở ra trang mới trong quan hệ với Triều Tiên.

Người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc ngày 9/5 sẽ lập tức nhậm chức bởi cựu Tổng thống Park Geun-hye đã bị bãi nhiệm từ tháng 3 và đang bị xét xử vì bê bối tham nhũng, lộng quyền.

Kết quả của cuộc bầu cử này được cho là sẽ tác động sâu sắc đến tình hình căng thẳng đang leo thang ở khu vực Đông Bắc Á.

Ứng cử viên Tổng thống Moon Jea-in và vợ đi bỏ phiếu sáng 9/5. Ảnh: Yonhap.
Ứng cử viên Tổng thống Moon Jea-in và vợ đi bỏ phiếu sáng 9/5. Ảnh: Yonhap.

Chuyên gia Simone Chun thuộc Viện nghiên cứu chính sách Hàn Quốc chia sẻ với Đài phát thanh Sputnik rằng có khoảng 11,7 triệu người dân Hàn Quốc (tương đương với khoảng 26% số cử tri hợp lệ) đã đi bỏ phiếu sớm . Đây là kỷ lục về số cử tri đi bỏ phiếu sớm tại Hàn Quốc.

“Tôi nghĩ rằng cuộc bầu cử này sẽ là một sự khởi đầu, không chỉ cho bán đảo Triều Tiên mà toàn bộ khu vực Đông Bắc Á và cả thế giới”, ông Chun nhận định.

Trong bối cảnh cựu Tổng thống Park Geun-hye theo đường lối bảo thủ đang phải ngồi sau song sắt đợi ngày phán quyết, cuộc đua vào Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) trở thành một cuộc biểu dương lực lượng của những ứng viên theo chủ nghĩa tự do như ông Moon Jea-in và ông Ahn Cheol-soo.

“Tất cả các số liệu và bằng chứng đều cho thấy ông Moon Jea-in, một ứng viên tự do và là một cựu luật sư về nhân quyền, nhiều khả năng sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử này. Và ông ấy là một người ủng hộ mạnh mẽ ‘Chính sách ánh dương’, lôi kéo và đối thoại với Triều Tiên. Đây là một bước chuyển rõ ràng so với chính sách cứng rắn trước đó” – ông Chun bình luận.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống gần đây nhất, ông Moon cũng là ứng viên bám đuổi sít sao và hiện giành được khoảng 40% sự ủng hộ của cử tri.

Đối thủ chính của ông trong cuộc đua vào Nhà Xanh lần này, ông trùm phần mềm máy tính Ahn Cheol-soo, từng cạnh tranh với tư cách là ứng viên độc lập năm 2012 nhưng từ bỏ vào phút chót.

Hai ứng viên hàng đầu Moon Jea-in và Ahn Cheol-soo đều là những người chỉ trích mạnh mẽ đường lối cứng rắn của các chính phủ bảo thủ tiền nhiệm đối với Triều Tiên trong suốt thập kỷ qua, cho rằng cách tiếp cận này chẳng thể ngăn cản Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Tuy nhiên, xoa dịu căng thẳng với Triều Tiên vào lúc này có lẽ chưa phù hợp với kế hoạch của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng minh thân cận của Hàn Quốc.

Trước cuộc bầu cử Tổng thống tại Hàn Quốc, Mỹ đã gấp rút triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

“Họ lo ngại rằng ông Moon Jea-in sẽ được bầu và rằng ông ấy sẽ không nhất thiết cúi đầu trước Lầu Năm Góc và chính quyền của Tổng thống Trump để cho phép triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa này”. Đó là nhận định của Bruce Gagnon, cây bút của trang Mạng lưới toàn cầu chống lại vũ khí và năng lượng hạt nhân trong không gian (Global Network Against Weapons and Nuclear Power in Space).

Ông Bruce cũng cho rằng THAAD thực chất nhằm vào Trung Quốc. Bắc Kinh xem hệ thống phòng thủ tên lửa này là một sự gây hấn quân sự có thể làm gia tăng căng thẳng ở Đông Bắc Á. Theo các chuyên gia, Trung Quốc cũng tin rằng việc triển khai hệ thống này là một biện pháp do thám chống lại họ.

Ông Brucs nhận định, toàn bộ tình hình Triều Tiên là vỏ bọc hoàn hảo cho Mỹ leo thang hiện diện quân sự ở châu Á – Thái Bình Dương để nhằm vào Trung Quốc và Nga. “Sẽ rất thú vị khi chứng kiến chính quyền mới ở Seoul giải quyết tình huống này ra sao”./.

Theo Diệu Hương/VOV.VN