1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hàn Quốc đứng trước bước ngoặt chính trị lớn

Đối với những người dân Hàn Quốc đang phải sống trong một bầu không khí căng thẳng đối với Triều Tiên, lá phiếu bầu của họ trong kỳ bầu cử Tổng thống tổ chức vào thứ Ba tuần tới chắc chắn sẽ dựa vào kế hoạch của mỗi ứng viên trong việc đối phó với chính quyền Bình Nhưỡng.

Ứng viên Moon Jae-in của đảng Dân chủ đón chào người ủng hộ tại Goyang, Hàn Quốc hôm 4/5. (Nguồn: AP).

Lựa chọn của cử tri

Ứng viên hiện đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua vào Nhà Xanh ở Hàn Quốc là ông Moon Jae-in, một cựu luật sư nhân quyền người từng liên tiếp gọi chính sách Triều Tiên của Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye là một sự thất bại hoàn toàn. Ông muốn cải thiện mối quan hệ với Bình Nhưỡng bằng cách ngừng cách tiếp cận cứng rắn đối với CHDCND Triều Tiên vốn được các chính phủ bảo thủ áp dụng trong thập kỷ trước.

Đối thủ chính của ông chính là cựu tài phiệt ngành phần mềm Ahn Cheol-soo, người có tư tưởng ôn hòa hơn ông Moon, nhưng lại có quan điểm cứng rắn hơn về vấn đề Triều Tiên và có quan điểm áp đặt lệnh trừng phạt, gây sức ép và đưa ra những cam kết viện trợ để giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Nhiều chính trị gia bảo thủ truyền thống ở Hàn Quốc vẫn cho rằng sự sụp đổ của bà Park cùng việc bắt giữ bà đang có lợi cho ông Ahn, bởi họ lo ngại rằng sự trỗi dậy của ông Moon sẽ dẫn tới việc Hàn Quốc đi theo hướng nhượng bộ Triều Tiên và làm suy yếu các lệnh trừng phạt quốc tế đang áp đặt với quốc gia này.

Cuộc tranh luận về biện pháp đối phó với Triều Tiên đã trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tiếp thử nghiệm tên lửa và đưa ra lời khiêu khích trong thời gian gần đây.

Ông Moon từng nói rằng sự kém cỏi và bảo thủ chính là nguyên nhân khiến cho Triều Tiên có hành động như vậy. Ông tuyên bố sẽ sử dụng cả biện pháp gây sức ép và đối thoại cùng lúc để đối phó với Bình Nhưỡng và cố gắng thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế xuyên biên giới giữa hai bên.

Ông Moon từng giữ chức vụ Chánh văn phòng của cố Tổng thống Roh Moo-hyun, người đã áp dụng chính sách “Ánh dương” đối với Triều Tiên do người tiền nhiệm Kim Dae-jung khởi xướng. Trong nhiệm kỳ 2003-2008 của mình, ông Roh đã giảm tình trạng thù địch bằng các dự án xuyên biên giới và xuất thực phẩm cùng như hàng viện trợ khác tới Triều Tiên.

Các chính trị gia bảo thủ mô tả ông Moon như một người ủng hộ Bình Nhưỡng. Họ nói rằng các chính phủ Tự do trước đây đã viện trợ cho Triều Tiên mà không biết rằng phần lớn số hàng này đi đến quân đội chứ không đến tay những người dân.

Trong khi đó, đối thủ của ông Moon, ông Ahn Cheol-soo, lại cam kết sẽ tăng cường lực lượng vũ trang và khối đồng minh quân sự với Mỹ, một nỗ lực nhằm thu hút sự ủng hộ từ các chính trị gia bảo thủ. Nhưng lại có nhiều câu hỏi liên quan tới khả năng thực sự kiểm soát vấn đề Triều Tiên của ông Ahn nếu đắc cử.

Quan hệ với đồng minh Mỹ

Nhiều người xem việc ông Moon đắc cử là diễn biến có thể gây tổn hại tới mối quan hệ với đồng minh quan trọng nhất của Seoul - Mỹ - và có khả năng sẽ xung đột với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người mới đây áp dụng chiến lược gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng nhờ sự hỗ trợ của Trung Quốc.

Ông Moon từng liên tiếp nói rằng ông sẽ không khoan dung trước bất kỳ hành động khiêu khích nào của Triều Tiên và tuyên bố sẽ tăng cường hoạt động do thám và cả khả năng đánh chặn tên lửa của Hàn Quốc. Ông cũng nói ông muốn có một đất nước Hàn Quốc mạnh mẽ hơn, cố gắng khởi động lại các vòng đàm phán về giải giáp hạt nhân và thúc đẩy một hiệp ước hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, giới chuyên gia không kỳ vọng vào việc ông Moon sẽ tiếp tục thúc đẩy các chương trình tái hòa giải bởi Triều Tiên trong suốt thập kỷ vừa qua đã đạt được nhiều bước tiến trong phát triển hạt nhân. Dù vậy, phần lớn các chuyên gia phân tích đều cho rằng dù là ông Ahn hay ông Moon lên nắm quyền thì cũng sẽ ít nhất mở cánh cửa đàm phán với Triều Tiên.

Hệ thống phòng thủ tên lửa

Một vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận Hàn Quốc mới đây chính là quyết định của cựu Tổng thống Park trong việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tân tiến của Mỹ trên lãnh thổ nước này để đối phó với mối đe dọa Triều Tiên.

Trung Quốc xem hệ thống radar của hệ thống phòng thủ tên lửa trên như một mối đe dọa tới an ninh của họ và đáp trả bằng các biện pháp như ngừng các gói du lịch tới Hàn Quốc.

Bản thân ông Moon cũng là người chỉ trích việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Về phần mình, ông Ahn ban đầu phản đối việc triển khai hệ thống này nhưng sau đó lại quay sang ủng hộ nó.

Hiện nay, ông Moon cũng đã giảm nhẹ giọng điệu chỉ trích THAAD, nói rằng việc triển khai nó là không thể thiếu nếu như Triều Tiên tiếp tục các hành động khiêu khích.

Theo Khánh Duy

Đại đoàn kết

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm