1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Bầu cử giữa nhiệm kỳ: Cuộc chiến giữa hai phe "voi" - "lừa" trong quốc hội Mỹ

(Dân trí) - Cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 giống một "trận chiến" trên chính trường Mỹ, khi hai chính đảng Dân chủ và Cộng hòa ganh đua khốc liệt để tìm cách kiểm soát 2 viện của quốc hội. Các màn đấu khẩu giữa Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và người tiền nhiệm Barack Obama đã bổ sung gia vị khiến cuộc chiến này càng trở nên gay gắt.

BẦU CỬ GIỮA KỲ 2018: Cuộc chiến giữa hai phe "voi" - "lừa" trong quốc hội Mỹ

Cuộc bầu cử giữa kỳ 2018 được ví như một "trận chiến" trên chính trường Mỹ, khi hai chính đảng Dân chủ và Cộng hòa ganh đua khốc liệt để kiểm soát 2 viện của quốc hội. Các màn đấu khẩu giữa Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và người tiền nhiệm Barack Obama đã bổ sung gia vị khiến cuộc chiến này càng trở nên gay gắt.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ: Cuộc chiến giữa hai phe voi - lừa trong quốc hội Mỹ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (USA Today)

Vì sao bầu giữa kỳ 2018 đặc biệt quan trọng?
Bầu cử giữa kỳ diễn ra vào giữa nhiệm kỳ của tổng thống. Ở quy mô liên bang, toàn bộ 435 ghế trong Hạ viện Mỹ và 33 ghế trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện sẽ được bầu lại.

Luật pháp Mỹ quy định cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra 4 năm một lần, trong khi toàn bộ Hạ viện Mỹ và 1/3 Thượng viện Mỹ được bầu 2 năm một lần.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ: Cuộc chiến giữa hai phe voi - lừa trong quốc hội Mỹ - Ảnh 3.

Toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện sẽ được bầu lại. Đảng nào giành 218 ghế sẽ kiểm soát Hạ viện.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ: Cuộc chiến giữa hai phe voi - lừa trong quốc hội Mỹ - Ảnh 4.

33 trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện sẽ được bầu lại. Đảng nào giành 51 ghế sẽ kiểm soát Thượng viện.

Ngoài ra, 39 ghế thống đốc bang và vùng lãnh thổ, cùng các cơ quan lập pháp bang và địa phương sẽ được bầu lại. Mặc dù hàng nghìn vị trí từ quan chức bang tới thống đốc được bầu lại nhưng sự chú ý của cử tri Mỹ phần lớn chỉ dồn vào cuộc đua giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong quốc hội Mỹ.

Từ thế kỷ 19, con voi trở thành biểu tượng cho đảng Cộng hòa, trong khi lừa biểu tượng cho đảng Dân chủ. Đây là hai đảng lớn nhất tại Mỹ và luôn thay nhau kiểm soát quốc hội.

Cử tri Mỹ thường không quan tâm tới cuộc bầu cử giữa kỳ như cuộc bầu cử tổng thống. Do dậy, số lượng cử tri đi bầu thường rất thấp. Vì sao vậy? Lý do chính là vì ghế tổng thống đã "an bài" nên nhiều cử tri không quan tâm tới chính trị cảm thấy cuộc bầu cử này không có gì hấp dẫn.

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ thường thấp hơn khoảng 20% so với cuộc bầu cử tổng thống. Lấy ví dụ, vào năm 2008, 57,1% cử tri đã đi bầu cử - con số cao nhất trong 4 thập niên - khi ông Barack Obama trở thành tổng thống gốc Phi đầu tiên trong lịch sử Mỹ. Trong cuộc bầu cử giữa kỳ giữa kỳ năm 2010, chỉ 36,9% cử tri đi bỏ phiếu. Đến cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2012, tỷ lệ cử tri đi bầu chỉ đạt 36,6%, mức thấp nhất trong một cuộc bầu cử giữa kỳ kể từ Thế chiến II.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ: Cuộc chiến giữa hai phe voi - lừa trong quốc hội Mỹ - Ảnh 5.

Hàng triệu cử tri đã đi bỏ phiếu sớm trước ngày bầu cử chính thức 6/11 (Ảnh: Reuters)

Khi ông Trump đắc cử tổng thống năm 2016, đảng Cộng hòa của ông cũng giành quyền kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện, điều khiến ông Trump dễ dàng hơn trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự. Việc tổng thống và phe chiếm đa số tại quốc hội cùng thuộc một đảng có thể khiến các dự luật còn gây tranh cãi và không có lợi cho nhiều người Mỹ được thông qua.

Trong 21 cuộc bầu cử giữa kỳ kể từ năm 1934, đảng của tổng thống chỉ 3 lần giành quyền kiểm soát hạ viện và 5 lần kiểm soát thượng viện.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 rất khác biệt. Hai năm sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, nhiều cử tri Mỹ vẫn chưa hết sốc và bất bình về việc ông Trump dù đắc cử nhưng lại thua đối thủ Dân chủ Hillary Clinton về số phiếu phổ thông. Thêm vào đó, một phong cách lãnh đạo rất khác biệt của ông Trump so với những người tiền nhiệm - khi ông liên tục đưa ra những tuyên bố, kế hoạch, phát biểu gây tranh cãi - đã khiến không ít cử tri bất bình. Vì vậy, cuộc bầu cử năm nay được dự đoán có tỷ lệ cử tri đi bầu cao hơn, khi các cử tri cảm thấy cần phải đi bầu để thể hiện quan điểm đối với ông chủ Nhà Trắng và đảng của ông.

Bầu cử giữa kỳ có thể làm thay đổi cục diện chính trị nếu phe đa số tại Thượng viện hay Hạ viện "đổi chủ". Điều đó có thể khiến các dự luật mà Tổng thống Trump đề xuất trong nửa cuối nhiệm kỳ có thể bị quốc hội bị cản trở.

Nước Mỹ chia rẽ chưa từng có
Bầu cử giữa nhiệm kỳ: Cuộc chiến giữa hai phe voi - lừa trong quốc hội Mỹ - Ảnh 7.

Khẩu hiệu "Giành lại Hạ viện" được treo trên cửa một văn phòng của đảng Dân chủ ở bang California (Ảnh: An Bình)

"Đây là thời điểm buồn với nước Mỹ. Đáng lẽ chúng tôi nên vui vì nền kinh tế đang tăng trưởng tốt và cùng nhau hành động để cải thiện cuộc sống của mọi người, cùng với đó là đoàn kết để tiến tới hòa bình và thượng vượng. Nhưng thay vào đó, chúng tôi lại đang ở trong sự chia rẽ khủng khiếp và sống trong bầu không khí sợ hãi và thù hận", Jeff Hodson, Giám đốc truyền thông tại Trường Y tế công thuộc Đại học Washington (bang Washington), cho biết với phóng viên Dân trí.

Andre Mouchard, phóng viên chính trị của báo Orange County Register tại bang California và có nhiều kinh nghiệm đưa tin về bầu cử, nhận định với các nhà báo quốc tế: "Nước Mỹ đang phân cực về chính trị và văn hóa ở mức độ có lẽ chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh".

Các cuộc thăm dò đã cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ trước cuộc bầu cử. Cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đều có lý do để ném sự bực tức về phía nhau. Một cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos tiến hành hồi cuối tháng 10 cho thấy các thành viên của đảng Dân chủ phần lớn giận dữ về chính sách nhập cư cứng rắn của chính quyền, nguy cơ can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử sắp tới và về bản thân Tổng thống Trump.

"Cuộc bầu cử này có thể làm thay đổi thế giới. Nhiều người đã nhìn thấy sự thay đổi lớn trong cách thức người Mỹ nhìn nhận chính mình, cách thức nền chính trị Mỹ đang hoạt động và cách thức chính phủ Mỹ đang vận hành".

Phóng viên Andre Mouchard

Trong khi đó, các thành viên đảng Cộng hòa nổi giận về khả năng nếu đảng Dân chủ kiểm soát quốc hội thì quốc hội có thể phế truất ông Trump thông qua việc luận tội, về những người nhập cư trái phép vào nước này và truyền thông đại chúng.

Thực tế, nước Mỹ đã chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc kể từ cuộc bầu cử tổng thống được xem là khác thường vào năm 2016. Nhiều cuộc biểu tình lớn đã nổ ra trên khắp nước Mỹ để phản đối các chính sách của chính quyền Trump, đặc biệt liên quan tới vấn đề nhập cư, vốn được xem là nhạy cảm bởi Mỹ là đất nước đa sắc tộc với số lượng người nhập cư đông đảo từ mọi chủng tộc, màu da.

Trước cuộc bầu cử, nước Mỹ đã rúng động với vụ việc hàng loạt nhân vật tiếng tăm của đảng Dân chủ, trong đó có cựu Tổng thống Barack Obama và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton bị gửi bom thư và vụ thảm sát tại nhà thờ Do Thái làm 11 người chết. Nghi phạm vụ gửi bom thư được tin là người ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Trump, trong khi thủ phạm vụ thảm sát thù hận người Do Thái. Nhiều người đã cáo buộc ông Trump kích động thù hận và cho rằng hai vụ việc này ít nhiều có liên quan tới các phát biểu cực đoan và mang tính phân biệt chủng tộc của ông.

Tổng thống Trump đưa mình thành nhân vật trung tâm
Bầu cử giữa nhiệm kỳ: Cuộc chiến giữa hai phe "voi" - "lừa" trong quốc hội Mỹ - 6
Bầu cử giữa nhiệm kỳ: Cuộc chiến giữa hai phe "voi" - "lừa" trong quốc hội Mỹ - 7
Bầu cử giữa nhiệm kỳ: Cuộc chiến giữa hai phe "voi" - "lừa" trong quốc hội Mỹ - 8

Tổng thống Trump tham gia vận động tranh cử cho đảng Cộng hòa của ông tại các bang dao động (Ảnh: Reuters)

Cuộc bầu cử giữa kỳ không phải là bầu cử tổng thống và trước đây thường được xem là mang tính địa phương. Nhưng năm nay, Tổng thống Mỹ đương nhiệm dường như đã trở thành trung tâm của cuộc bầu cử.

"Ông Trump là con voi trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Ông ấy dường như đang làm mọi điều để đưa mình trở thành trung tâm của chiến dịch vận động", Giáo sư về khoa học chính trị Bob Schrum, cho biết với các phóng viên nước ngoài tại Đại học Nam Califrnia.

Trong những ngày qua, ông chủ Nhà Trắng đã trở thành trung tâm của những tranh cãi bằng cách thể hiện phong cách chính trị gây chia rẽ. Ông đã đăng tải một quảng cáo về vấn đề nhập cư mà những người chỉ trích coi là phân biệt chủng tộc, đưa các binh sĩ tới biên giới với Mexico để ngăn dòng người nhập cư, có kế hoạch hủy bỏ quyền cấp quốc tịch cho trẻ em ngoại quốc sinh tại Mỹ, đề xuất giảm thuế 10% cho người thu nhập trung bình.

Ông Trump đã tới nhiều bang còn dao động, trong đó có nhiều cử tri chưa quyết bỏ cho ứng viên nào, để vận động bầu cử cho đảng Cộng hòa và các ứng viên của đảng này. Ông Trump dùng mọi cách có thể để thu hút sự chú ý nhằm kêu gọi các cử tri đi bầu. Ngoài các phát biểu nhằm lôi kéo cử tri, ông thậm chí còn dùng chuyên cơ Không lực Một để "mời gọi" những người hiếu kỳ.

Ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên sử dụng Không lực Một như một công cụ chính trị. Mặc dù trong quá khứ, các tổng thống Mỹ như George W. Bush hay Barack Obama cũng từng tiến hành các cuộc vận động tranh cử ngay tại sân bay - một phần để tiết kiệm thời gian cho tổng thống và tránh kịch bản đoàn xe của tổng thống có thể gây cản trở giao thông địa phương. Tuy nhiên, ông Trump sử dụng chuyên cơ để vận động bầu cử với mức độ khác thường.

"Không lực Một là máy bay tốt nhất trên thế giới", John Weiler, 74 tuổi, người dùng ống nhòm để ngắm chuyên cơ tổng thống trong cuộc vận động bầu cử ở sân bay Pensacola, bang Florida mới đây. "Nó được biết đến trên khắp thế giới. Khi máy bay hạ cánh, người ta biết nước Mỹ đã đến".

Bầu cử giữa nhiệm kỳ: Cuộc chiến giữa hai phe voi - lừa trong quốc hội Mỹ - Ảnh 10.

Ông Trump vận động tranh cử ngay gần chuyên cơ Không lực Một tại Columbia, bang Missouri (Ảnh: Reuters)

Các cuộc vận động bầu cử diễn ra ngay cạnh chiếc Không lực Một cũng gây ra những câu hỏi về các quy tắc liên quan tới việc sử dụng một tài sản quân sự cho các mục đích chính trị. Nhưng các chuyên gia nói rằng không có luật nào ngăn cản tổng thống vận động bầu cử gần máy bay của ông.

Ngoài các vấn đề của từng bang mà cử tri quan tâm, cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ còn được xem là một cuộc trưng cầu dân ý về sự ủng hộ đối với tổng thống và đảng của ông.

Trên thực tế, tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Trump luôn ở mức thấp kể từ khi ông lên nắm quyền và hiện chỉ ở mức khoảng 42%. So sánh với người tiền nhiệm, tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Obama đã tụt xuống mức 45% ngay trước cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2010, trong đó đảng Dân chủ chứng kiến một trong những thất bại lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

Hiện thời, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đảng Dân chủ nhiều khả năng sẽ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện, trong khi đảng Cộng hòa có thể sẽ tiếp tục kiểm soát Thượng viện.

Nếu điều đó xảy ra, nhiều khả năng sẽ có các cuộc điều tra và thậm chí là tiến trình luận tội đối với tổng thống. Đây là viễn cảnh cực kỳ bất lợi khi chỉ còn hai năm nữa là diễn ra cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, trong đó ông Trump đã tuyên bố tái tranh cử. Vì thế, các cuộc vận động bầu cử giữa kỳ cũng là dịp để ông Trump vận động tranh cử cho chính ông.

Sự trở lại của Barack Obama
Bầu cử giữa nhiệm kỳ: Cuộc chiến giữa hai phe "voi" - "lừa" trong quốc hội Mỹ - 10
Bầu cử giữa nhiệm kỳ: Cuộc chiến giữa hai phe "voi" - "lừa" trong quốc hội Mỹ - 11
Bầu cử giữa nhiệm kỳ: Cuộc chiến giữa hai phe "voi" - "lừa" trong quốc hội Mỹ - 12

Cựu Tổng thống Obama đã tích cực tham gia vận động bầu cử cùng các ứng viên Dân chủ trong những ngày cuối cùng trước cuộc bầu cử giữa kỳ 6/11 (Ảnh: Reuters)

Các tổng thống Mỹ sau khi rời Nhà Trắng có thói quen ít chỉ trích người kế nhiệm. Sau khi kết thúc 8 năm tại Nhà Trắng, ông Obama chọn cách tránh chính trường và cũng tránh chỉ trích Tổng thống Trump. Mặc dù vẫn ủng hộ các ứng viên Dân chủ, giúp họ với các nỗ lực gây quỹ và có các bài diễn thuyết nhưng ông không mạnh mẽ đề cập tới các vấn đề chính trị. Cựu chủ nhân Nhà Trắng cũng được cho là không muốn vượt mặt thế hệ kế tiếp các lãnh đạo Dân chủ. Cho tới giữa tháng 10, ông mới chỉ tham gia 3 sự kiện vận động bầu cử tính từ đầu năm.

Nhưng khi cuộc bầu cử giữa kỳ tới gần, ông Obama đã phá vỡ thói quen tránh chỉ trích người kế nhiệm. Thay vào đó, ông đã trực diện chỉ trích các chính sách của Tổng thống đương nhiệm trong các cuộc vận động bầu cử, dù không nhắc tên đích danh ông chủ Nhà Trắng.

"Đừng để họ làm mờ mắt. Đừng để họ lừa bịp. Đừng để họ giỡn cợt các bạn. Vì họ đang cố gắng dùng tất cả những điều này để che mắt các bạn", ông Obama nói với những người ủng hộ trong cuộc vận động tại Gary, bang Indiana hồi cuối tuần qua. "Họ sẽ nói kiểu như: Nhìn kìa, nhìn kìa, nhìn kìa! Các đoàn người nhập cư, các đoàn người nhập cư. Rồi sau đó họ lại cắt giảm thuế cho những người bạn tỷ phú của họ… Rồi họ lại đang phá hoại hệ thống chăm sóc y tế của các bạn. Đừng rơi vào cái bẫy đó".

"Chúng ta đã nhìn thấy các nỗ lực lặp đi lặp lại nhằm chia rẽ đất nước với giọng điệu cường quyền nhằm khiến mọi người giận giữ và khiến chúng ta sợ hãi. Điều đó chỉ nhằm lợi dụng lịch sử đa sắc tộc, tôn giáo của chúng ta mà thôi", ông Obama nói trong một cuộc vận động tại Florida ngày 2/11.

"Cuộc bầu cử tháng 11 này quan trọng hơn bất kỳ cuộc bầu cử nào mà tôi có thể nhớ trong đời mình", ông Obama nói trong cuộc vận động kêu gọi sự ủng hộ cho ứng viên Dân chủ Stacey Abrams tại Georgia.

"Cuộc chiến" giữa Tổng thống Trump và người tiền nhiệm Obama

Đáp trả, Tổng thống Trump cũng liên tiếp nhắc tới ông Obama trong các cuộc vận động bầu cử và chỉ trích mạnh mẽ các chính sách của người tiền nhiệm. Cuộc đối đầu giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa dường như trở thành cuộc đối đầu giữa tổng thống đương nhiệm và cựu tổng thống. Trong những ngày trước thềm bầu cử, các phương tiện truyền thông Mỹ liên tiếp phát đi các hình ảnh, tuyên bố đối lập giữa hai người họ nhằm về phía nhau. Truyền thông Mỹ thậm chí còn dùng từ "war" (cuộc chiến) để miêu tả sự đối lập gay gắt giữa họ - điều hiếm thấy trên chính trường Mỹ.

Ông Obama rời chiếc ghế quyền lực nhất nước Mỹ với tỷ lệ ủng hộ cao. Một cuộc khảo sát được tiến hành ngay trước khi ông kết thúc 2 nhiệm kỳ vào tháng 1/2017 cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông ở mức 60%, con số kỷ lục đối với một tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm. Sau 2 năm, ông vẫn được xem là một trong những nhân vật có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong đảng Dân chủ.

Bài :
An Bình
Video :
BBC
Việt hóa video:
Đức Hoàng