Bão Sandy để lại bài toán khó giải cho tàu điện ngầm New York
(Dân trí) – Với việc nước lụt đã tràn vào những đường tàu điện ngầm sâu nhất New York, giao thông tại thành phố này trong vài ngày tới có lẽ chưa thể phục hồi sau thảm họa tự nhiên tồi tệ nhất hơn 100 năm qua.<br><a href='http://dantri.com.vn/c36/s36-657485/Vao-he-thong-duong-tau-dien-ngam-ngap-nuoc-o-ew-York.htm'><b> >> Vào hệ thống đường tàu điện ngầm ngập nước ở New York</b></a>
Cơn bão Sandy đã qua đi để lại cho các bang Đông Bắc nước Mỹ những thiệt hại nặng nề, trong đó mối lo ngại hàng đầu chính là hệ thống giao thông công cộng. Đến ngày 30/10, nhiều đường hầm chứa các toa tàu điện ngầm dưới lòng sông Đông của New York tiếp tục ngập nước.
Các tuyến tàu điện ngầm New York đã bị ngập nặng
Theo người đứng đầu hệ thống tàu điện lớn nhất nước Mỹ MTA vẫn còn quá sớm để biết được phải mất bao lâu mới có thể bơm hết nước ra ngoài và sửa chữa các thiết bị hư hỏng. Nhiều thiết bị điện quan trọng có thể đã hỏng vì ngập nước. Các đường ray, toa tàu có thể phủ đầy rác. Nước biển mặn cũng có khả năng hủy hoại hệ thống chiếu sáng, thiết bị chuyển mạch, các cửa quay…
Đây không phải lần đầu tiên các đường ngầm bị ngập nước nhưng theo các cơ quan chức năng chưa bao giờ thiệt hại lại lớn như trong cơn bão Sandy. Tại nhà ga South Ferry ở phía Nam khu Manhattan nước thậm chí đã ngập tới nóc hầm.
7 đường hầm tàu điện ngầm và 2 đường hầm chứa phương tiện đã phải hứng chịu một lượng nước khổng lồ giữa lúc các con sông quanh khu Manhattan dâng cao lên mức kỷ lục. Gần 1,2 km đường hầm đoạn Brooklyn-Battery vẫn ngập nặng trong sáng 30/10. Nước lụt cũng cắt đứt hệ thống PATH, vốn thường được sử dụng để đưa hành khách từ New Jersey tới khu Trung tâm thương mại thế giới và khu trung tâm Manhattan.
Các đường hầm ngầm dưới lòng sông mà các tuyến tàu hỏa Amtrak thường đi qua để tới New York cũng ngập “chưa từng thấy”. Trong khi đó đường hầm Holland, một trong ba tuyến đường huyết mạch để vượt sông Hudson từ Manhattan tới New Jersey bằng ô tô vẫn bị đóng cửa và không rõ ngày mở lại.
Theo phỏng đoán của thị trưởng New York Michael Bloomberg, sẽ phải mất 4 ngày hệ thống tàu hỏa mới trở lại hoạt động. Dù vậy thì không ai dám chắc phải mất bao nhiêu ngày hệ thống tàu điện ngầm MTA, vốn vận chuyển hơn 8,5 triệu lượt người đi làm mỗi ngày, mới có thể khôi phục.
“Nếu có một phần nào đó trong hệ thống tàu điện ngầm có thể khôi phục hoạt động chúng tôi sẽ làm ngay”, chủ tịch MTA Joseph Lhota cho biết. Nhưng ông cho rằng trước mắt sẽ phải chấp nhận việc các chuyến xe bus tạm gánh vác nhiệm vụ này. Từ tối 30/10 các chuyến xe bus đã được nối lại. Các hành khách được đi lại miễn phí cho đến hết ngày 31/10.
Tàu điện ngầm đình trệ sẽ khiến giao thông New York ảnh hưởng nặng nề
Theo đánh giá của các chuyên gia, chi phí sửa chữa hệ thống tàu điện ngầm sẽ rất lớn. Hồi năm ngoái, một bản cáo cáo do Cơ quan nghiên cứu năng lượng và phát triển bang New York công bố đã ước tính, nếu tình trạng ngập lụt ngang với mức được ghi nhận hôm 29/10, thiệt hại đối với hạ tầng giao thông sẽ ở mức 10 tỷ USD. Ngoài ra tổn thất về kinh tế sẽ lên tới 40 tỷ USD.
Klaus Jacob, một chuyên gia thảm họa môi trường tại đại học Columbia, người chịu trách nhiệm một phần về bản báo cáo ứng phó với tình trạng hệ thống tàu điện ngầm gián đoạn cho biết, nghiên cứu trên ước tính phải mất 4 tuần hệ thống này mới đạt 90% công suất bình thường.
“Tôi không nói rằng nó chính là những gì đang diễn ra”, ông Jacob nói. Dù vậy ông thừa nhận thách thức đối với cơ quan quản lý là rất lớn. “Bên trong các đường hầm dưới sông Đông, tất cả hệ thống tín hiệu và kiểm soát đã bị ngập nước. Mà đó lại là nước biển. Vấn đề không chỉ là chúng không thể hoạt động mà cần phải được làm sạch, làm khô, sau đó lắp ráp trở lại và kiểm tra. Không ai dám chắc tác động lâu dài mà hiện tượng ăn mòn gây ra sẽ thế nào”.
Cùng lúc đó bản báo cáo cũng chỉ ra rằng hệ thống MTA hiện chỉ được trang bị một phần số máy bơm công suất lớn cần có để bơm nhanh nước lụt ra khỏi các đường ray cũng như các đường hầm chứa phương tiện.
Trước tình hình này, thống đốc bang New York Andrew Cuomo cũng phải sốt ruột phát biểu rằng: “Chúng ta phải bắt đầu nghĩ cách thiết kế lại hệ thống này để những sự việc tương tự không lặp lại. Tôi không nghĩ bất kỳ ai có thể ngồi đó và nói rằng ‘tôi bị sốc bởi hình thái thời tiết này’. Sẽ không còn kiểu thời tiết nào có thể khiến tôi sốc thêm nữa”.
Thanh Tùng
Theo AP