Báo Pháp: Mỹ đạt được thỏa thuận triển khai quân dọc kênh đào Panama
(Dân trí) - Hãng tin Pháp AFP đưa tin rằng Mỹ và Panama đã đạt được thỏa thuận về việc triển khai binh sĩ Washington tới khu vực kênh đào chiến lược, nhưng không xây căn cứ quân sự.

Các quan chức Mỹ, Panama trong một chuyến thăm kênh đào Panama (Ảnh: AFP).
Quân đội Mỹ dường như sẽ được phép triển khai tới một loạt căn cứ dọc kênh đào Panama theo thỏa thuận song phương mà AFP tiếp cận được hôm 10/4.
Đây được xem là một nhượng bộ lớn dành cho Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nỗ lực tái thiết lập ảnh hưởng của Washington với tuyến đường thủy chiến lược này.
Thỏa thuận do các quan chức an ninh cấp cao hai nước ký kết cho phép binh sĩ Mỹ triển khai tới các cơ sở do Panama kiểm soát để huấn luyện, tập trận và thực hiện "các hoạt động khác".
Mặc dù thỏa thuận không cho phép Mỹ xây dựng căn cứ thường trực - điều được cho là sẽ gây tranh cãi mạnh mẽ trong dư luận Panama và gặp nhiều trở ngại pháp lý - nhưng lại trao cho Washington quyền tự do triển khai một số lượng không xác định binh sĩ tới các căn cứ, bao gồm cả những cơ sở do Mỹ xây dựng từ thời còn kiểm soát vùng kênh đào nhiều thập niên trước.
Kênh đào Panama là nơi xử lý khoảng 40% lưu lượng container của Mỹ và 5% tổng thương mại toàn cầu. Chính quyền ông tuyên bố sẽ "giành lại quyền kiểm soát" tuyến hàng hải trọng yếu mà Mỹ đã đầu tư, xây dựng và điều hành cho đến năm 1999.
Dù Mỹ đã từ lâu tham gia các cuộc tập trận quân sự tại Panama, việc triển khai một lực lượng luân phiên dài hạn, tương tự như mô hình mà Washington duy trì ở Darwin (Australia), có thể gây tác động chính trị đối với Tổng thống trung hữu Panama Jose Raul Mulino.
Trong chuyến thăm Peru hôm 10/4, ông Mulino tiết lộ rằng phía Mỹ từng đề xuất được thiết lập căn cứ quân sự riêng tại Panama. Tuy nhiên, ông đã từ chối ý tưởng này khi trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth, người đang thăm khu vực.
Trong bản "biên bản ghi nhớ" mà AFP tiếp cận được, do ông Hegseth và lãnh đạo an ninh Panama Frank Abrego ký kết, Panama cũng giành được một số nhượng bộ. Mỹ chính thức công nhận chủ quyền của Panama. Đồng thời, Panama sẽ giữ quyền kiểm soát toàn bộ các cơ sở và có quyền quyết định mọi đợt triển khai quân sự.
Trong thời gian qua, tranh cãi về kênh đào đã làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Panama.