1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Báo Nhật phân tích lý do Trung Quốc lo ngại về chính biến ở Myanmar

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trung Quốc duy trì cách tiếp cận rất thận trọng trong vụ đảo chính quân sự ở Myanmar dường như vì do ngại tình hình rối ren nước này sẽ ảnh hưởng tới hàng tỷ USD đầu tư vào đây.

Báo Nhật phân tích lý do Trung Quốc lo ngại về chính biến ở Myanmar - 1

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi tại Naypyitaw hồi tháng 1/2021 (Ảnh: AP).

Nikkei dẫn nguồn tin ngoại giao trong khối Đông Nam Á đưa tin, Trung Quốc đang tỏ ra rất thận trọng khi phản ứng với tình hình đảo chính ở Myanmar vì Bắc Kinh đã đổ những khoản tiền khổng lồ vào thị trường này và "có quá nhiều thứ để mất".

Các nguồn tin cho rằng điều mà Trung Quốc cần lúc này là sự ổn định ở Myanmar để họ có thể thúc đẩy hoàn thiện các dự án chiến lược thuộc dự án "Một vành đai, một con đường" ở đất nước láng giềng có vị trí chiến lược này.

Enze Han, một chuyên gia về khoa học chính trị tại đại học Hong Kong, cho rằng Trung Quốc dường như bất an với tình trạng hỗn loạn ở Myanmar sau khi quân đội quốc gia Đông Nam Á đảo chính hôm 1/2 viện dẫn cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11/2020.

Trong suốt một tháng qua, Myanmar lâm vào cảnh rối ren khi hàng trăm nghìn người xuống đường biểu tình đòi quân đội trao trả quyền điều hành đất nước cho chính quyền dân sự. Trong khi đó, nhiều dịch vụ và hoạt động ở Myanmar bị tê liệt do tình hình đình công và biểu tình ngày càng gia tăng.

Ông Han nhận định, Trung Quốc không muốn chứng kiến sự thay đổi chế độ gây ra sự bất ổn ở Myanmar. Chuyên gia này cho rằng chính phủ Trung Quốc và công ty Trung Quốc sẽ "im lặng" và theo đuổi cách tiếp cận "chờ đợi và xem xét" với tình hình thực tế.

Ông Han nhận định, quan hệ giữa Trung Quốc và chính phủ dân sự do đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) nắm quyền là khá nồng ấm. Trước khi vụ đảo chính xảy ra, Trung Quốc có các khoản đầu tư kinh tế và chiến lược trị giá hàng tỷ USD vào Myanmar.

"Có một sự quan ngại to lớn ở Bắc Kinh về tình hình ở Myanmar", ông Han nhận định.

Lợi ích của Trung Quốc ở Myanmar

Theo Nikkei, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh đầu tư vào Myanmar vào năm 2011 khi quốc gia Đông Nam Á mở cửa sau gần 50 năm quân đội điều hành đất nước. Trong 10 năm qua, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại, chủ nợ và 1 trong 3 nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Myanmar.

Trước ngày 1/2, Trung Quốc đã có động thái củng cố quan hệ với chính quyền dân sự Myanmar, thông qua chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị tới quốc gia Đông Nam Á hồi giữa tháng 1. Ông Vương gặp Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi để ký thỏa thuận hợp tác song phương cho dự án quy mô lớn mang tên "Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Myanmar".

Dự án này trải dài từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tới khu vực Myanmar ở vịnh Bengal. Đây là một phần trong sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Bắc Kinh và nếu dự án này được hoàn thành, nó sẽ giúp Trung Quốc có thể tiếp cận với hoạt động thương mại dầu khí ở Ấn Độ Dương. Dự án được định giá 100 tỷ USD và bao gồm 38 dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Chính vì vậy, giới quan sát cho rằng, đường lối ngoại giao của Trung Quốc lúc này đang là cố gắng cân bằng giữa 2 phe quân đội và phong trào ủng hộ chính phủ dân sự vì Bắc Kinh duy trì quan hệ với cả 2 bên. Trong khi đó, chính phủ Phương Tây lại đang dùng những ngôn từ mạnh mẽ chỉ trích quân đội Myanmar và lên án cuộc đảo chính.