1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Báo Nhật Bản viết về người gốc Việt giúp lao động Việt Nam bị chèn ép nơi xứ người

(Dân trí) - Báo Japan Times đã đăng tải bài viết về một người đàn ông Nhật Bản gốc Việt đã âm thầm giúp đỡ những lao động Việt Nam bị chèn ép khi đi tu nghiệp và lao động nơi xứ người.

Anh Bungo Okabe, tên tiếng Việt là Pham Nhat Vuong (Ảnh: Japan Times)
Anh Bungo Okabe, tên tiếng Việt là Pham Nhat Vuong (Ảnh: Japan Times)

Hồi tháng 3, Nhật Bản rộ lên thông tin một thanh niên Việt Nam tham gia chương trình thực tập sinh nước ngoài tại nước này, đã bị lừa đi dọn rác thải phóng xạ ở khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất sóng thần năm 2011 tại Fukushima. Khi đó, Bungo Okabe, 36 tuổi, người đàn ông quốc tịch Nhật Bản gốc Việt là người đầu tiên ngỏ lời trợ giúp thực tập sinh bị lừa.

Anh Okabe, người có tên tiếng Việt là Pham Nhat Vuong, đã đưa chàng trai 24 tuổi trên về một mái ấm do chính anh điều hành ở Koriyama, Fukushima dành cho các thực tập sinh. Okabe chính là người đã giúp chàng trai trẻ còn non kinh nghiệm làm các thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp, tìm kiếm một công việc mới nhằm hoàn thành chương trình tu nghiệp 3 năm.

Chàng trai 24 tuổi, người không muốn công khai tên vì lý do bảo mật, là một trong nhiều thực tập sinh Việt Nam được Okabe hỗ trợ, cưu mang và bảo vệ. Okabe đã mở ra mái ấm từ tháng 1 năm nay sau khi nghe rất nhiều câu chuyện thực tập sinh Việt Nam bị đối xử không tốt, chèn ép xung quanh khu vực anh sinh sống.

“Nếu không có sự trợ giúp cụ thể, họ sẽ tiếp tục sống trong bế tắc. Với kỹ năng tiếng Nhật còn rất hạn chế, họ sẽ không biết làm cách nào để vượt qua tình trạng bị chèn ép và nỗi sợ bị gửi trả lại Việt Nam sẽ khiến họ tiếp tục đối mặt với tình hình tệ hại hơn nữa”, Okabe cho biết.

Chương trình Thực tập sinh Kỹ thuật là chương trình của chính phủ Nhật Bản nhằm giúp cho công dân từ các nước đang phát triển học tập các kỹ năng ở các công ty Nhật Bản. Chương trình có mục đích tốt và đã giúp đỡ được nhiều học viên và thực tập sinh rèn luyện kỹ năng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng nảy sinh những mặt trái. Đôi khi, mục đích của chương trình bị một số công ty lạm dụng và họ thường đưa các lao động Việt Nam sang ép làm việc với đồng lương thấp và môi trường làm việc thiếu bảo đảm.

Đầu năm nay, Okabe, người sinh ra ở Việt Nam nhưng đến Nhật Bản với gia đình từ 8 tuổi, đã sửa lại căn hộ 2 tầng của gia đình trở lại mái ấm cho thực tập sinh. Khoản chi phí 1 triệu yên Nhật ( khoảng 8.900 USD) anh có được nhờ các hoạt động gây quỹ. Trong thời gian 10 tháng hoạt động, Okabe đã hỗ trợ được 15 trường hợp. Anh cho họ nơi ở, ngủ qua đêm, đồ ăn, cùng với những hỗ trợ khác, bao gồm việc dạy tiếng Nhật miễn phí.

Okabe cũng đi khắp nước Nhật, hỗ trợ các thực tập sinh xin gia hạn thị thực lao động, đàm phán với cục xuất nhập cảnh và cơ quan chính phủ để những người này không bị trục xuất về nước trong khi vẫn đang yêu cầu được bồi thường từ việc bị đối xử chèn ép, hoặc xin vào một công ty khác để tiếp tục ở lại tham gia chương trình.

Tới tháng 6, có khoảng 285.776 người đã tới Nhật Bản theo chương trình trên và do mối quan hệ song phương khởi sắc giữa 2 quốc gia, lao động Việt Nam chiếm tới 47%, đạt 134.139 người, theo số liệu của Bộ Lao động Nhật Bản.

Theo thống kê từ nhiều ban ngành, Nhật Bản đã phát hiện 299 trường hợp vi phạm quy định và luật pháp liên quan tới chương trình thực tập sinh kỹ thuật vào năm 2017, bao gồm trả lương dưới mức tối thiểu và lao động quá số giờ quy định.

“Cách duy nhất để dừng việc bị đối xử chèn ép là hãy để người lao động được đổi việc để họ có quyền lựa chọn nơi cung cấp môi trường làm việc tốt hơn và khuyến khích họ lao động cũng như cống hiến. Nhưng cơ chế hiện tại của chương trình không cho phép họ đổi việc trừ khi Bộ Tư pháp xác định người sử dụng lao động vi phạm quy định”, Okabe cho biết.

Niềm hy vọng


Anh Nguyen Ba Cong - một trong những người từng bị công ty Nhật Bản đối xử chèn ép (Ảnh: Japan Times)

Anh Nguyen Ba Cong - một trong những người từng bị công ty Nhật Bản đối xử chèn ép (Ảnh: Japan Times)

Với những người bị đối xử chèn ép, sự hỗ trợ của Okabe có thể coi là một trong những niềm hy vọng của họ để có thể tiếp tục ở lại lao động tại Nhật Bản.

Hiện thời, có 3 người đang sống dưới mái ấm và Okabe đang tiếp tục đàm phán với các cơ quan ban ngành về cơ hội làm việc của các thực tập sinh ở Nhật Bản. “Tôi luôn muốn giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn”, Okabe nói. Anh thậm chí còn đóng cửa quán ăn đang vận hành để tập trung giúp đỡ các thực tập sinh.

Một trong những người được Okabe giúp đỡ là anh Nguyen Ba Cong, 34 tuổi, người đến Nhật Bản năm 2015. Trên hợp đồng, anh Cong lẽ ra được giao việc liên quan tới cốt thép và bê tông nhưng trên thực tế anh bị ép đi dọn phóng xạ ở Namie, Fukushima trong một năm rưỡi.

Sau khi bị phơi nhiễm phóng xạ, Cong đã xin nghỉ việc và đến với mái ấm của Okabe tìm kiếm sự giúp đỡ cũng như niềm hy vọng cuối cùng ở nơi xứ người.

“Tôi đã bị lừa phỉnh”, Cong nói với Japan Times.

Okabe cho biết trường hợp của Cong chỉ là phần nổi của tảng băng. “Tôi đã hỗ trợ nhiều người bị đối xử chèn ép, bao gồm các một phụ nữ phải bỏ đi đứa con của mình sau khi bị chủ lao động cưỡng hiếp”, Okabe nói.

Cô gái mới chỉ 21 tuổi khi sự việc xảy ra đã quay trở về Việt Nam mà không đòi hỏi công lý vì cô không muốn gia đình bị liên lụy.

Một thanh niên 22 tuổi tên là Lam cho biết anh đến với mái ấm Koriyama sau khi Okabe không cho anh về nước. Lam tới Nhật Bản dược 6 tháng rồi bị chính công ty thuê mình mua vé cho về nước với lý do tài chính khó khăn. Qua một nhóm người lao động Việt ở Nhật, Lâm gọi điện cầu cứu Okabe từ sân bay quốc tế Kansai, chỉ vài tiếng trước khi máy bay cất cánh về Việt Nam.

Chính Okabe đã chặn sự việc lại, đưa Lam về mái ấm và giúp anh đòi lại quyền lợi chính đáng. Lam sau đó đã quyết định ở lại hoàn tất chương trình thực tập nhưng quá trình để anh chuyển việc kéo dài rất lâu vì cần sự thông qua của nhiều bên liên quan.

Trả lời Japan Times, một quan chức Bộ Tư pháp Nhật Bản thừa nhận rằng mô hình thực tập sinh kỹ thuật hoạt động hiệu quả nhưng vẫn tồn tại một số điểm bất cập và chính phủ Tokyo ghi nhận những vấn đề này cũng như đang nỗ lực để sửa đổi các quy định.

Tuy nhiên, quan chức này nói rằng việc cho phép người lao động đổi việc là không cần thiết và không giải quyết vấn đề cốt lõi. Họ lo ngại rằng nếu cơ chế đổi việc làm quá dễ dãi, nhiều người sẽ tìm cách đến Nhật Bản nhập cư vì lý do kinh tế thay vì học thành thạo kỹ năng từ một lĩnh vực tại một công ty trước khi quay về nước.

“Thứ cần phải thay đổi chính là thái độ của người sử dụng lao động. Xâm phạm quyền lợi của thực tập sinh nước ngoài và biến họ thành lao động giá rẻ là điều không thể chấp nhận được”, quan chức trên cho biết.

Quan chức này hy vọng cơ chế thị thực mới sẽ giúp giải quyết vấn đề trên: “Hiện thời, người nước ngoài thường phải đến Nhật Bản theo diện đi du học dù mục tiêu của họ là kiếm tiền. Cơ chế về thị thực mới sẽ minh bạch hơn và tôi tin sự thay đổi trong quy tắc sẽ ngăn chặn những hành động khai thác người lao động từ chương trình thực tập sinh".

Đức Hoàng

Theo Japan Times