Sau lời khuyên của Mỹ, Triều Tiên học theo mô hình kinh tế Việt Nam?
(Dân trí) - Chuyến thăm của Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho tới Hà Nội tuần này được cho là cách để Bình Nhưỡng học hỏi kinh nghiệm từ mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam sau lời khuyên của Mỹ.
Trong bài viết đăng trên Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ngày 30/11, cây bút Bennett Murray cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được cho là đã cử Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho tới Việt Nam hôm 30/11 để học hỏi những kinh nghiệm về cải cách kinh tế.
Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) nhận định chuyến đi này mang sứ mệnh khảo sát tình hình thực tế nhằm giúp Triều Tiên tìm hiểu về quá trình cải cách kinh tế mang tên Đổi Mới tại Việt Nam vào năm 1986.
Theo truyền thông Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng vài lần đề cập tới mong muốn được học hỏi theo mô hình kinh tế của Việt Nam trong các cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng khuyến khích Triều Tiên coi Việt Nam là nguồn cảm hứng để phát triển.
“Đất nước của ngài có thể tái tạo con đường của Việt Nam. Nếu ngài nắm bắt cơ hội này, đây sẽ là cơ hội của ngài. Phép màu này có thể trở thành phép màu của ngài”, Ngoại trưởng Pompeo gửi thông điệp tới nhà lãnh đạo Triều Tiên trong chuyến công du tới Hà Nội hồi tháng 7 sau chuyến thăm Bình Nhưỡng.
Theo Bennett Murray, Triều Tiên có điểm tương đồng với Việt Nam là đều từng đối mặt với các lệnh cấm vận của Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất tại châu Á và trở thành đối tác chiến lược của Mỹ.
Ông Lê Đăng Doanh, cựu cố vấn kinh tế cấp cao của 5 thủ tướng Việt Nam, cho biết đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên muốn đi theo lời khuyên của Việt Nam. Ông Doanh cũng từng được mời tới nói chuyện với các phái đoàn Triều Tiên về phát triển kinh tế trong những năm gần đây. Theo ông, Bình Nhưỡng rất sẵn lòng muốn học theo sự thành công của Việt Nam.
“Họ có thể học cách Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường, cho phép sự phát triển của khu vực tư nhân non trẻ, cũng như kinh nghiệm hội nhập kinh tế thế giới và phát triển hệ thống kinh tế đa phương”, ông Doanh cho biết.
Ông Kim Jong-un thị sát một công trình xây dựng tại Triều Tiên hồi tháng 10. (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, Giáo sư Carl Thayer tại Đai học New South Wales và là chuyên gia về Việt Nam, bày tỏ sự hoài nghi về việc Triều Tiên nuôi tham vọng học theo mô hình của Việt Nam. Theo ông Thayer, trong khi vai trò lãnh đạo tại Việt Nam mang tính tập thể, vai trò lãnh đạo tại Triều Tiên chỉ tập trung vào gia đình ông Kim Jong-un. Tuy vậy, ông Thayer vẫn cho rằng một số cải cách tại Triều Tiên có thể sắp diễn ra.
“Tôi nghĩ đã có những dấu hiệu cho thấy ông Kim Jong-un đang cân nhắc một số cải cách về kinh tế”, giáo sư Thayer nhận định, đồng thời dự đoán bất kỳ sự cải cách nào dưới thời ông Kim Jong-un có thể sẽ chỉ diễn ra khiêm tốn.
“Tôi không nghĩ ông ấy (Kim Jong-un) sẽ cân nhắc thực hiện cải cách với quy mô như Đổi Mới. Đó sẽ là cuộc cải cách kinh tế mang màu sắc của Triều Tiên”, ông Thayer cho biết thêm.
Theo tạp chí Economist, nền kinh tế Triều Tiên hiện nay có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam trước đây khi áp dụng mô hình kinh tế tập trung bao cấp. Về mặt ngoại giao, mối quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ cũng có nét tương đồng với Việt Nam khi hai nước đều từng trải qua giai đoạn căng thẳng với Washington.
Ngoài Việt Nam, Triều Tiên cũng có thể học theo mô hình cải cách và mở cửa kinh tế của Trung Quốc vào năm 1978. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng do Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng quá nhanh, quá nóng nên mô hình tăng trưởng của Việt Nam sẽ thích hợp hơn với Triều Tiên. Hơn nữa, việc ông Kim Jong-un lựa chọn mô hình kinh tế của Việt Nam mà không phải của Trung Quốc có thể là cách để Bình Nhưỡng giảm dần phụ thuộc vào Bắc Kinh, mặt khác thúc đẩy mối quan hệ kinh tế với Mỹ và Hàn Quốc.
Thành Đạt
Tổng hợp