1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Báo Mỹ: Lầu Năm Góc vẫn dùng dầu Nga

Quốc Đạt

(Dân trí) - Bằng cách đi đường vòng, dầu mỏ của Nga được "rửa nguồn" rồi chuyển cho Lầu Năm Góc sử dụng, theo điều tra của báo Washington Post. Đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ nói không biết về việc này.

Báo Mỹ: Lầu Năm Góc vẫn dùng dầu Nga - 1

Các tàu chở dầu đang bơm hàng tại nhà máy lọc dầu Aspropyrgos, do Motor Oil Hellas vận hành, ở Athens vào năm 2015 (Ảnh: Bloomberg).

Trước khi xung đột Ukraine bùng nổ, nhà máy lọc dầu Motor Oil Hellas của Hy Lạp nằm trên Biển Aegea - một nhà cung cấp then chốt cho quân đội Mỹ trong nhiều năm qua - vẫn thường nhận dầu từ Nga. Sau các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhà máy tuyên bố ngừng cách làm này.

Nhưng theo cuộc điều tra của Washington Post dựa trên dữ liệu giám sát hải trình tàu, dầu của Nga vẫn đến Motor Oil Hella sau khi đi đường vòng hơn hàng trăm dặm tới cơ sở lưu trữ dầu Dortyol ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuyến đường này được cho là đã giúp che giấu xuất xứ của các sản phẩm dầu mỏ từ Nga vì chúng "đã đổi chủ nhiều lần rồi mới đến Hy Lạp".

Lượng dầu mazut được vận chuyển từ Dortyol đến Motor Oil Hellas, cùng với cách làm thường thấy trong ngành là pha trộn các sản phẩm có nguồn gốc khác nhau, sẽ bảo đảm rằng trong thành phẩm có lượng lớn nhiên liệu từ Nga, theo các chuyên gia trong ngành trả lời Washington Post.

"Tôi thấy không thể đi đến kết luận nào khác hơn là nhiên liệu của Nga đã đến tay Motor Oil Hellas", ông Robert Auers, nhà phân tích thị trường nhiên liệu tinh chế tại công ty nghiên cứu RBN Energy, xác nhận phát hiện của Washington Post.

Trong 2 năm qua, Dortyol đã nhận 5,4 triệu thùng dầu qua đường biển, trong đó 3,5 triệu thùng tới từ Nga, theo hồ sơ và dữ liệu từ hãng dữ liệu tài chính Refinitiv.

Kể từ khi lệnh trừng phạt của EU có hiệu lực vào tháng 2, số dầu Nga tới Dortyol tổng cộng là 2,7 triệu thùng, chiếm hơn 69% nhiên liệu được chuyển tới đây qua đường biển.

Cũng kể từ tháng 2, Dortyol đã chuyển đi 7 triệu thùng dầu mazut, trong đó 4,2 triệu thùng đi đến Motor Oil Hellas, chiếm ít nhất 56% lượng dầu mazut mà nhà máy lọc dầu tại Hy Lạp này nhận qua đường biển, theo Washington Post.

Báo Mỹ: Lầu Năm Góc vẫn dùng dầu Nga - 2

Con đường dầu Nga được hòa vào chuỗi cung ứng cho quân đội Mỹ, theo Washington Post (Đồ họa: Washington Post).

Số nhiên liệu không còn được ghi nhận là có xuất xứ Nga khi đến Hy Lạp, nơi chúng được tinh chế và trộn lẫn vào thành phẩm cung cấp cho quân đội Mỹ.

"Không thể xác định chính xác lượng dầu mazut có nguồn gốc từ Nga trong các sản phẩm mà Lầu Năm Góc đã mua. Những sản phẩm đó được tinh chế bằng nhiều thành phần mà không phải tất cả đều có thể được theo dõi trong quá trình sản xuất", Washington Post viết.

Kể từ khi lệnh cấm vận của Mỹ đối với dầu của Nga có hiệu lực vào đầu tháng 3/2022, Lầu Năm Góc đã ký mới các hợp đồng trị giá gần 1 tỷ USD với Motor Oil Hellas, báo Mỹ đưa tin, dựa trên dữ liệu hợp đồng liên bang.

Trả lời Washington Post, Joe Yoswa - phát ngôn viên của Cơ quan Hậu cần Quốc phòng thuộc Lầu Năm Góc, cơ quan phụ trách mua nhiên liệu cho quân đội Mỹ - nói rằng cơ quan này "không biết" về việc nhiên liệu Nga được chuyển đến nhà cung cấp Hy Lạp.

Cơ quan này cho biết các nhà thầu của họ, bao gồm Motor Oil Hellas, "có trách nhiệm đảm bảo thực thi các luật và quy định hiện hành liên quan đến kinh doanh với Nga và các công ty Nga".

Lầu Năm Góc chỉ có khả năng rà soát các nhà cung cấp ở mức hạn chế, ông Yoswa nói. Việc truy gốc từng lô sản phẩm tinh chế từ Motor Oil Hellas sẽ là "rất khó hoặc không khả thi".

Motor Oil Hellas khẳng định không mua, xử lý hoặc kinh doanh dầu hoặc sản phẩm của Nga và tất cả hàng hóa họ tiếp nhận đều được chứng nhận có nguồn gốc không bị trừng phạt.

Giới chức tại Global Terminal Services, vốn sở hữu Dortyol, cho biết họ chỉ là "trung gian" lưu trữ sản phẩm và không sở hữu những gì họ lưu trữ. Họ khẳng định không nhận lô hàng từ các tàu mang cờ Nga và tuân thủ các quy định liên quan, bao gồm lệnh trừng phạt.

Theo quy định của cơ chế trừng phạt, các cơ sở của Thổ Nhĩ Kỳ được phép tiếp nhận nhiên liệu của Nga. Nhà máy lọc dầu của Hy Lạp thì không.

Nhà chức trách Mỹ và EU đã nhiều lần cảnh báo các công ty rằng giấy chứng nhận xuất xứ có thể bị làm giả. Rất nhiều cơ quan chức năng và công ty có quyền phát hành loại giấy này và hiện chưa có hệ thống tập trung để xác nhận tính xác thực của chúng.

Theo Washington Post