1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ thừa nhận đòn áp trần giá dầu Nga không hiệu quả như kỳ vọng

Đức Hoàng

(Dân trí) - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thừa nhận việc EU và G7 tung đòn áp trần với giá dầu Nga không thực sự hiệu quả như phương Tây mong muốn.

Mỹ thừa nhận đòn áp trần giá dầu Nga không hiệu quả như kỳ vọng - 1

Một cơ sở lọc dầu của Nga (Ảnh: Reuters).

Trả lời Bloomberg, Bộ trưởng Yellen ngày 29/9 cho rằng việc áp trần giá dầu Nga đã không mang lại kết quả như kỳ vọng. Bà cho biết giá thị trường đối với dầu thô xuất khẩu từ Nga vẫn ở mức cao.

Tháng 12 năm ngoái, các nước EU, G7 và Australia đã áp mức giá trần đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mốc 60 USD/thùng.

Mỹ và đồng minh cấm các công ty phương Tây cung cấp bảo hiểm và dịch vụ khác cho các chuyến hàng dầu thô của Nga, trừ khi hàng hóa được mua ngang bằng hoặc dưới mức giá trần nói trên.

Cơ chế này nhằm mục đích buộc Nga tiếp tục xuất khẩu khối lượng lớn dầu để ngăn giá toàn cầu tăng đột biến, nhưng làm giảm doanh thu mà Moscow thu được từ việc bán dầu thô.

Động thái này có mục tiêu gia tăng áp lực lên Nga, đồng thời làm ảnh hưởng tới nguồn ngân sách Moscow sử dụng cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Bà Yellen thừa nhận hiệu quả của việc áp giá trần đã giảm đi, khi dầu thô Nga đang dao động ở mức 100 USD/thùng, cao hơn nhiều so với con số 60 USD.

Theo Bloomberg, Nga đã thành công trong việc thiết lập các mạng lưới công ty vận chuyển và bảo hiểm thay thế cho doanh nghiệp phương Tây.

"Nga đã dành rất nhiều tiền bạc, thời gian và công sức để thiết lập các hoạt động xuất khẩu dầu của riêng mình. Họ đã bổ sung thêm đội tàu vận tải, cung cấp dịch vụ bảo hiểm và loại hình giao dịch đó không nằm trong phạm vi của cơ chế giá trần", bà Yellen nhận định.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cam kết rằng Washington sẽ thực thi các nỗ lực ngăn chặn việc né tránh các lệnh hạn chế, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về bất kỳ biện pháp mới cụ thể nào.

Bà nói: "Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để hành động", đồng thời cho biết thêm rằng G7 đã sẵn sàng "cân nhắc theo thời gian xem liệu có những cách nào có thể khiến cơ chế giá trần hiệu quả hơn hay không".

Hồi tháng 4, Bloomberg dẫn nguồn tin cho hay, các nước thành viên EU dường như vẫn sử dụng dầu Nga bất chấp các lệnh trừng phạt áp lên Moscow, thông qua một nước thứ 3 là Ấn Độ.

New Delhi đã không tham gia cơ chế trần giá và thay vào đó đã tăng cường mua dầu giảm giá từ Nga. Không chỉ trở thành khách hàng lớn mua dầu Nga, Ấn Độ đang trên đà trở thành nhà cung cấp nhiên liệu tinh chế lớn nhất cho châu Âu.

Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại công ty phân tích Kpler (Bỉ), nói với Bloomberg: "Dầu mỏ của Nga đang tìm đường quay trở lại châu Âu bất chấp mọi lệnh trừng phạt và việc Ấn Độ tăng cường xuất khẩu nhiên liệu sang phương Tây là một ví dụ điển hình cho điều đó".

Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ tận dụng việc mua dầu Nga với giá rẻ, tinh chế thành nhiên liệu và bán cho EU với giá cạnh tranh. Ông Katona cho biết: "Với việc Ấn Độ nhập khẩu lượng lớn dầu của Nga, điều đó là không thể tránh khỏi".

Theo RT