1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bạo lực Chechnya lan tới Bắc Kavkaz

Tổng thống Vladimir Putin phải phong toả một thành phố quan trọng ở vùng Bắc Kavkaz hôm 13/10, khi lực lượng an ninh Nga chống lại một đợt tấn công phối hợp của phiến quân. Bạo lực đe doạ gây bất ổn cho toàn bộ khu vực phía nam của Nga.

Phiến quân Chechnya nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào Nalchik, thủ phủ nước cộng hoà Kabardino-Balkaria, làm nhiều người thiệt mạng và khiến nhiều nơi trong thành phố 235.000 dân chìm trong khói lửa.

 

300 chiến binh đã đồng loạt tiến hành các cuộc tấn công vào 3 đồn cảnh sát, sân bay chính và trụ sở của Bộ Nội vụ và Cơ quan An ninh Liên bang. Một số cảnh sát còn bị bắt làm con tin tối qua, sau đó họ đã được giải cứu. Ông Putin đã ra lệnh phong toả toàn bộ Nalchik: “Tất cả những nhân vật có vũ trang đều phải bị tiêu diệt nếu chống cự”.

 

Kể từ khi cuộc chiến thứ hai ở Chechnya bắt đầu 6 năm trước, bất ổn đã lan tới vùng Bắc Kavkaz. Nghèo đói, tội phạm, quan chức tham nhũng và ảnh hưởng ngày càng lớn của những tư tưởng Hồi giáo cực đoan đã tiếp sức cho điều này.

 

Tổng thống Kabardino-Balkaria Valery Kokov đã bất ngờ từ chức hồi tháng trước và Arsen Kanokov, một doanh nhân địa phương được Moscow tin tưởng lên thay. Các chuyên gia cho biết tham nhũng đã phát triển mạnh dưới thời ông Kokov, và chính việc đó đã tạo lợi thế cho phiến quân Hồi giáo.

 

Theo các chuyên gia, vụ tấn công vào Nalchik (vốn không nằm sát Chechnya) sẽ không thể diễn ra nếu không có sự ủng hộ của chiến binh địa phương.

 

“Chechnya là nơi bất ổn chính, nhưng xung đột nổ ra tại các nước cộng hoà khác còn có gốc rễ ở địa phương’, Irina Zvigelskaya, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính trị ở Moscow, nhận xét. “Có những nhóm ngầm hoạt động ở khắp khu vực, và mức độ liên quan của chúng như thế nào vẫn còn là một câu hỏi lớn”.

 

Yarmuk, một nhóm chiến binh Hồi giáo, có khả năng đứng đằng sau vụ tấn công hôm 13/10. Nhưng mặt khác, vụ này có những nét tương đồng với cuộc đột kích năm 2004 nhằm vào thành phố Narzan của Cộng hoà Ingushestia, do các chiến binh địa phương được phiến quân Chechnya hỗ trợ tiến hành và Shamil Basayev nhận trách nhiệm về vụ này.

 

Một nhà lập pháp hàng đầu, Viktor Ilyukhin, chỉ trích điện Kremlin đã không bắt được Basayev hoặc không dự đoán được vụ tấn công vào Nalchik.

 

“Chúng ta biết Basayev ở Kabardino-Balkaria vài ngày trước để gặp những kẻ cực đoan tại đó”, Ilyukhin bình luận trên đài phát thanh Ekho Moskvi. “Giới lãnh đạo của chúng ta đe doạ đánh bom các căn cứ khủng bố ở nước ngoài nhưng lại không tiêu diệt được những kẻ cực đoan ở ngay chính vùng Bắc Kavkaz của mình”.

 

Một số chuyên gia nói rằng các sự kiện hôm thứ năm cho thấy chiến lược dùng những nhà lãnh đạo địa phương trung thành và cứng rắn của điện Kremlin rõ ràng chưa đem lại hiệu quả.

 

“Biện pháp bưng bít thông tin, cắt cử những nhà lãnh đạo trung thành để áp đặt quan điểm của Kremlin ở khu vực sẽ dẫn đến sự mất kiểm soát toàn bộ. Nguy cơ này đang ngày càng lớn”, Alexander Iskanderyan, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kavkaz, nhận xét.

 

Theo M.C.

Vnexpress/Christian Science Monitor