Báo chí Trung Quốc “coi khinh” vùng phòng không Hàn Quốc?
(Dân trí) - Báo chí Trung Quốc đã phản ứng khá bình tĩnh trước động thái Hàn Quốc mở rộng vùng phòng không, mặc dù vùng này chồng lấn lên vùng phòng không Trung Quốc mới tuyên bố và bao trùm lên một đảo tranh chấp giữa hai nước.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm qua công bố họ đã thảo luận với các nước láng giềng về việc mở rộng vùng phòng không mới, vùng sẽ có hiệu lực từ ngày 15/12 tới. Động thái của Seoul diễn ra 2 tuần sau khi Trung Quốc đơn phương công bố vùng phòng không gây tranh cãi của mình trên Hoa Đông vào ngày 23/11, bao gồm cả một đảo chìm tranh chấp được Hàn Quốc gọi là Ieodo trong khi Trung Quốc gọi là Tô Nham hay Suyan (tên quốc tế là Đảo Socotra).
Báo chí chính thức và các chuyên gia phân tích Đại lục hầu như xem nhẹ động thái Hàn Quốc mở rộng vùng nhận dạng phòng không hiện tại (KADIZ) của nước này.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã “coi khinh” vùng phòng không của Hàn Quốc, coi đây chỉ là “hành động giữ thể diện” của “một nước nhỏ” và vùng phòng không của Hàn Quốc “không có tầm quan trọng quân sự thực sự”.
“Hàn Quốc cần phải quan tâm đến những hậu quả nghiêm trọng nếu vùng phòng không thực sự vượt quá giới hạn trong mối quan hệ Trung-Hàn. Trung Quốc có nhiều đòn bẩy khác ngoài Hàn Quốc xét về kinh tế và ngoại giao”, tờ báo cảnh báo.
Các tờ báo chính thức khác, như Nhật báo giải phóng quân hay Nhân dân Nhật báo chỉ có thông tin ngắn gọn về công bố của Hàn Quốc và tin tức này bị các tin quốc tế khác lấn lướt.
Liu Jiangyong, phó giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế ở Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, cho biết trên tờ Ta Kung Pao, tờ báo ở Hồng Kông, rằng đối lập với “từ chối thông tin và phản ứng kém cỏi” của Nhật, Seoul chắc chắn đã tham vấn chặt chẽ với Bắc Kinh về vùng phòng không chồng lấn của họ, nhằm tránh xảy ra xung đột.
Dù không đồng ý với quyết định của Seoul, nhưng chính quyền Bắc Kinh chỉ phản đối một cách ngoại giao, tuyên bố “lấy làm tiếc” về hành động của Seoul, đồng thời cho biết sẽ duy trì liên lạc với nước láng giềng trong vụ này.
Phát biểu với báo chí, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “Trung Quốc lấy làm tiếc về quyết định mở rộng vùng phòng không của Hàn Quốc. Trung Quốc sẽ duy trì liên lạc với Hàn Quốc, dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Hy vọng rằng Hàn Quốc cũng sẽ có hành động tương tự”.
Về tranh chấp Trung-Hàn liên quan đến bãi ngầm Ieodo/Tô Nham trên biển Hoa Đông, gần bờ biển miền nam Hàn Quốc, hiện nằm dưới quyền kiểm soát của Seoul, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định : “Tô Nham là một rạn san hô ngầm. Đây không phải là một lãnh thổ. Trung Quốc và Hàn Quốc đều đồng ý với nhau trên điểm này. Vấn đề chỉ có thể được giải quyết bằng đàm phán về biên giới trên biển”.
Còn Nhật Bản đã “gật đầu” với vùng phòng không của Hàn Quốc và giải thích phản ứng của họ khác với vùng phòng không của Trung Quốc là bởi, vùng phòng không Hàn Quốc không chồng lấn lên không phận, vùng biển và lãnh thổ của Nhật.
Trong một thông cáo được cho là mượn ví dụ Hàn Quốc để đả kích Trung Quốc vào ngày 8/12, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Hàn Quốc đã “tham khảo Hoa Kỳ” trước khi mở rộng vùng phòng không của họ trên Hoa Đông. Washington đã hết sức khen ngợi động thái “theo đúng thông lệ quốc tế” của Hàn Quốc với dụng ý nêu bật tính chất đơn phương áp đặt của Bắc Kinh khi thiết lập vùng phòng không Trung Quốc.
Theo bà Paski, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, cách tiếp cận của Hàn Quốc cho phép các hãng hàng không dân sự tránh được sự nhầm lẫn hoặc lâm vào tình thế nguy hiểm. Bà nói thêm Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ đồng minh và đối tác trong khu vực để đảm bảo sao cho hành động của họ góp phần tăng cường sự ổn định, khả năng dự báo rủi ro, trên tinh thần phù hợp với thông lệ quốc tế.
Vũ Quý
Theo BBC, AFP