Báo chí nước ngoài viết về tướng Phạm Xuân Ẩn
Tin thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn <a href=" http://www17.dantri.com.vn/Sukien/2006/9/142365.vip"> qua đời</a> được các hãng thông tấn lớn trên thế giới đưa tin đồng loạt hôm qua. Các đồng nghiệp của ông trong làng báo đều bày tỏ sự kính trọng đối với tài năng và nhân cách lớn của ông.
Hãng AP nhận xét: “Trong lịch sử tình báo chiến tranh, ít ai thành công như Phạm Xuân Ẩn. Suốt mười lăm năm chiến tranh ở Đông Dương, ông bước đi giữa hai thế giới, vừa làm một nhân viên tình báo Cộng sản, vừa làm báo, đầu tiên cho Reuters và trong 10 năm sau đó là phóng viên chính của Time - một vai trò khiến ông tiếp cận được với các căn cứ quân sự và việc thông báo tin tức. Ông nổi tiếng về các nguồn tin của mình đến mức nhiều người Mỹ quen biết ông tưởng ông làm việc cho CIA”.
Còn tờ Washington Post viết:
“Ông thạo thu thập và phân tích tin tức đến mức ông được coi là phóng viên Việt Nam giỏi nhất trong giới báo chí. Phạm Xuân Ẩn khẳng định mình không nói dối, làm méo mó hay sai lệch tin tức trong các bài báo của mình.
Sẽ là ngớ ngẩn nếu anh ấy làm như vậy. Người ta sẽ phát hiện ra anh âý ngay, Frank McCullough, từng phụ trách văn phòng của tạp chí Time ở Sài Gòn và là người tuyển Phạm Xuân Ẩn nhận xét. Anh âý sử dụng văn phòng như là một nơi để nghe ngóng. Anh là một người hiểu cực kỳ rõ không chỉ văn hoá mà cả chính trị Việt Nam.
Ban đêm, ông chụp những tài liệu tình báo được chuyển ra ngoài Sài Gòn qua hệ thống địa đạo Củ Chi. Ông nguỵ trang các cuốn phim thành nhân bánh đa nem, hay giấu chúng trong bụng cá ươn.
Điều kỳ lạ nhất là làm thế nào ông ta có thể làm được việc đó trong thời gian lâu đến thế, vừa là một tình báo thành công vừa là một nhà báo giỏi, Larry Berman – tác giả cuốn tiểu sử về Phạm Xuân Ấn sẽ xuất bản vào mùa xuân này nhận xét. Ông ấy không bao giờ phải lấy cắp một tài liệu vì ông ấy là một nhà báo chuyên nghiệp và là một điệp viên chuyên nghiệp. Những người thân thiết nhất của ông ấy là (đại tá Edward) Lansdale và William Colby (người sau này phụ trách CIA). Người ta luôn cho ông ấy xem các tài liệu để được lắng nghe ý kiến và phân tích của ông ấy, vì ông ấy quá thông minh".
Reuters trích lời David Halberstam, một phóng viên thời chiến của New York Times, nói rằng câu chuyển về Phạm Xuân Ẩn “đầy ly kỳ, nhưng tôi vẫn quý Ẩn. Tôi chưa bao giờ cảm thấy bị ông ấy phản bội”.
Hãng AFP viết: “Nhiều phóng viên nước ngoài từng làm việc cùng ông Ẩn trong chiến tranh về sau nói rằng họ không trách giận gì ông. Đồng nghiệp tại tạp chí Time Robert Sam Anson mãi sau này mới biết ông Ẩn từng cứu ông năm 1970 bằng cách bí mật thu xếp để ông thoát khỏi tay Khmer Đỏ ở Campuchia.
Khi Anson gặp ông Ẩn năm 1987, nhà báo Mỹ hỏi ông tại sao lại cứu mình. Phải, ông Ẩn đáp. Tôi là kẻ thù của nước anh, nhưng anh là bạn tôi”.
Theo M.C.
Vnexpress