1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bảo bối khiến Putin luôn mỉm cười

Trong bối cảnh Nga phải đối mặt với một cuộc suy thoái lâu nhất trong 2 thập niên, không có nhiều tin tức tốt lành về kinh tế đến với nước này. Tuy nhiên, có một điều khiến ông Putin luôn tự tin: Dự trữ ngoại tệ của Nga.

Ngân hàng Trung ương Nga hiện đang nắm giữ 379 tỷ USD ngoại hối và vàng tính đến 19/2, cao hơn 29 tỷ USD từ mức thấp trước đó vào tháng 4/2015.

Tổng thống Nga Vladimir Putin . (Ảnh: Quotesgram)
Tổng thống Nga Vladimir Putin . (Ảnh: Quotesgram)

Trong khi Trung Quốc và Ảrập Xêút phải chi hàng chục tỷ USD để chống đỡ cho đồng bản tệ của mình thì Ngân hàng Trung ương ở Moscow lại "ngoảnh mặt làm ngơ" không hề can thiệp vào đồng Rúp. Vì phải rót hơn 67 tỷ USD vào một nỗ lực bất thành nhằm củng cố đồng Rúp vào cuối năm 2014, giờ đây Nga quyết định không chi một đồng nào cho việc này nữa. Thay vào đó, chính quyền của Tổng thống Putin quyết định mua ngoại tệ.

"Không có một khoản chi nào từ dự trữ tiền tệ có thể bình ổn được đồng Rúp", Bloomberg dẫn lời ông Dmitry Tulin, Phó Thống đốc thứ nhất của Ngân hàng Trung ương Nga, nói mới đây, vài tuần sau khi đồng tiền Nga giảm giá trị xuống một mức mới. "Quá dễ để dốc cạn toàn bộ kho dự trữ của bạn, nhưng làm như vậy chỉ mang lại chiến thắng tạm thời".

Quan điểm đó phản ánh sự thay đổi quan điểm của Tổng thống Putin cách đây 1 năm, khi ông quyết định dành dụm tiền bạc của Kremlin bằng mọi giá, trong bối cảnh giá dầu thế giới lao dốc còn Mỹ và phương Tây thì tới tấp cấm vận. Tỷ giá hối đoái, một thời là ưu tiên kinh tế hàng đầu, sẽ phải hy sinh vì dầu thô giảm giá. Chi tiêu từ các quỹ đầu tư quốc gia sẽ được quản lý theo cách đảm bảo cho tổng chung không sút giảm.

Theo các quan chức cấp cao Nga, trải nghiệm kinh tế này phản ánh nhận thức của Tổng thống Putin rằng vàng và ngoại tệ mạnh nằm trong ngân hàng là sự đảm bảo tốt nhất cho sự độc lập tài chính của Nga. Kể từ khi lên nắm quyền năm 2000, ông Putin đã nỗ lực tăng dự trữ từ khoản tiền 13 tỷ USD ít ỏi và tích cực thanh toán nợ nần, biến Nga thành một trong những nước nợ ít nhất trong số các nền kinh tế lớn.

"Vladimir Putin nhận ra sức mạnh của dự trữ từ những năm 2008-2009 khi nhờ dự trữ, ông thoát được khủng hoảng mà không bị mất mát nhiều về kinh tế" – Bloomberg dẫn lời ông Alexei Kudrin, cựu Bộ trưởng Tài chính Nga. "Chỉ còn lại một lượng dự trữ nhỏ thì sẽ rất khó khăn, kể cả về tâm lý".

Ngày 1/3, ông Putin đã bác bỏ đề xuất sử dụng các quỹ của ngân hàng trung ương để giúp phục hồi kinh tế. Ông nói với các doanh nhân Nga: "Dự trữ vàng và ngoại tệ được Ngân hàng Trung ương tạo dựng cho các mục đích khác, không phải để giải quyết cho các vấn đề kinh tế hiện tại".

Mùa thu trước, khi đồng Rúp phục hồi ngắn, Ngân hàng Nga quyết định mua 10,5 tỷ USD để dự trữ nhưng dừng ngay khi đồng nội tệ giảm giá trở lại. Hầu hết phần còn lại trong kho dự trữ là từ các khoản vay ngoại tệ mạnh mà các ngân hàng cho Ngân hàng Trung ương.

Tuy nhiên, thiệt hại về đồng Rúp rất lớn. Đồng tiền này mất ¼ giá trị trước đồng USD vào đầu năm ngoái trong bối cảnh giá dầu thấp kỷ lục.

"Ngân hàng Trung ương sẵn sàng chịu gần như mọi biến động tỷ giá để không phải chi tiêu các khoản dự trữ", Oleg Kouzmin - một nhà kinh tế tại Quỹ Renaissance Capital - chỉ rõ.

Giới chức ngân hàng trung ương Nga theo dõi các thị trường rất sát sao, để xem người dân Nga có mất niềm tin vào đồng Rúp hay không. Hàng ngày, họ nhận báo cáo từ các ngân hàng về nhu cầu ngoại tệ. Và đến nay, Kremlin đã tránh được kiểu hoảng loạn thị trường thường thấy do đồng tiền mất giá gây ra.

Giá trị đồng Rúp lao đốc dẫn tới lạm phát tăng cao đã làm đảo ngược thành công của ngân hàng trung ương Nga trong nỗ lực kiểm soát mức tăng giá. Giá tiêu dùng tăng vọt 12,9% - mức tăng lớn nhất kể từ năm 2008, vì Nga phụ thuộc vào nhiều hàng hóa nhập khẩu. Và không ai nghĩ rằng có thể đoán định được tình hình dù chỉ trong 6 tháng.

Chính Tổng thống Putin cũng tỏ ra lo lắng, theo các quan chức cấp cao Nga. Nhưng đó là cái giá ông chấp nhận trả để đảm bảo an ninh tài chính cho đất nước. Ông thường xuyên yêu cầu các trợ tá báo báo về cân bằng dự trữ còn lại. Đích thân Putin cũng đưa ra các quyết định về chi dùng quỹ đầu tư dành riêng cho cơ sở hạ tầng và các dự án dài hạn khác.

Hiện tại, Ngân hàng Trung ương Nga vẫn đang tìm cách tăng dự trữ. Mới đây, ngân hàng này thông báo các kế hoạch nâng dự trữ lên 500 tỷ USD. Nếu đạt được, đó sẽ là một con số lớn chưa từng có kể từ đầu năm 2014, và gần đạt mức kỷ lục 598 tỷ USD hồi tháng 7/2008 (xếp thứ 3 trên thế giới sau Trung Quốc và Nhật Bản).

Theo Thanh Hảo

Vietnamnet