1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Putin khiến phương Tây "ngã ngửa" như thế nào?

Tháng 7 năm ngoái, Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở tình thế sắp thua quân nổi dậy. Trò chuyện với những người ủng hộ ở Damascus, ông thừa nhận lực lượng chính phủ chịu thiệt hại nặng nề.

Các quan chức phương Tây cho rằng những ngày của Assad chỉ còn đếm trên đầu ngón tay và dự đoán ông sẽ sớm phải ngồi vào bàn thương lượng. Nhưng mọi sự đã không diễn ra theo hướng đó, khi người Nga bắt đầu can thiệp quân sự vào tháng 9/2015.

Các đĩa quà tặng in hình Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Tổng thống Nga Vladimir Putin nằm giữa nhiều món quà khác được bày bán ở Damascus ngày 8/2/2016.
Các đĩa quà tặng in hình Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Tổng thống Nga Vladimir Putin nằm giữa nhiều món quà khác được bày bán ở Damascus ngày 8/2/2016.

Quyết định của Nga đã khiến nhiều nước phương Tây bất ngờ. Nó cũng làm đảo ngược tình thế ở Syria, giúp cho quân đội chính quyền Assad giành thế tấn công. Thực tế mới đã dẫn tới hai sự thay đổi lớn trong chính sách ngoại giao của Mỹ: Washington đón chào Iran vào bàn đàm phán về Syria và không còn khăng khăng đòi Assad từ chức ngay lập tức.

Nằm ở tâm điểm của sự thay đổi ngoại giao chính là nhận thức chậm chạp về việc Nga tăng cường quân sự ở Syria và việc từ chối can thiệp quân sự.

Một quan chức cấp cao ở Trung Đông chỉ ra rằng, Nga, Iran và Syria đã đạt thỏa thuận triển khai các lực lượng quân sự vào tháng 6/2015 - chỉ vài tuần trước khi ông Assad có bài phát biểu ngày 26/7. Các nguồn tin Nga tiết lộ, một lượng lớn trang thiết bị cùng hàng trăm binh lính đã được Moscow cử đi, và điều này khiến Nga khó mà giấu được chiến dịch sắp tới của mình.

Thế nhưng, theo một quan chức cấp cao ở Washington, phải đến giữa tháng 9 các cường quốc phương Tây mới nhận thấy rõ ý định của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Một trong những mảnh ghép cuối cùng của bài toán là khi Moscow triển khai các máy bay mà chỉ quân đội nước này mới được phép dùng, loại trừ khả năng chúng là để dành cho Assad. Tổng thống Obama vẫn nhất quyết không muốn Washington bị lôi kéo vào một cuộc chiến ủy nhiệm với Nga. Và đến khi nhận ra ý đồ thực sự của Putin thì phương Tây không thể có đủ kế hoạch để phản ứng.

Tháng 7 năm ngoái, một vị tướng hàng đầu của Iran là Qassem Soleimani đã tới Moscow trong một chuyến thăm được đưa tin rộng rãi. Một quan chức cấp cao ở Trung Đông nói với hãng thông tấn Reuters rằng vài tuần trước đó, tướng Soleimani đã gặp ông Putin 2 lần.

"Họ đã định ra giờ G cho các máy bay và thiết bị của Nga, cùng các phi hành đoàn của Nga và Iran", ông này tiết lộ.

Khi đó Reuters loan báo Nga bắt đầu gửi các tàu tiếp tế qua eo biển Bosphorus trong tháng 8. Nước này không có ý định giấu những chuyến đi đó và ngày 9/9, Reuters đưa tin Moscow bắt đầu tham gia vào các chiến dịch quân sự ở Syria.

Một đại tá không quân Nga cho hay, hàng trăm phi công và nhân viên mặt đất đã được lựa chọn cho sứ mệnh ở Syria vào giữa tháng 8. Các chiến đấu cơ được cử tới Syria bao gồm Sukhoi-25 và Sukhoi-24. Theo các quan chức Mỹ, tính đến 21/9, Nga có tổng cộng 28 máy bay cánh cố định, 16 trực thăng, các xe tăng T-90 tân tiến cùng nhiều xe bọc thép, pháo, các khẩu đội pháo phòng không và hàng trăm binh sĩ tại căn cứ của nước này gần Latakia.

Bất chấp những dấu hiệu đó, phương Tây vẫn coi nhẹ hoặc không nhận thức đầy đủ. Ngày 22/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vẫn bình luận rằng máy bay Nga ở Syria để bảo vệ căn cứ của người Nga.

Tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 28/9, Pháp thông báo cuộc không kích đầu tiên của nước này ở Syria. "Cộng đồng quốc tế đang tấn công Daesh (tức Nhà nước Hồi giáo - IS). Pháp đang tấn công Daesh. Đến giờ người Nga vẫn không làm gì cả", Ngoại trưởng Laurent Fabius hăng hái phát biểu.

Ngay ngày hôm sau, Nga tuyên bố tiến hành không kích ở Syria.

Có ý kiến cho biết, một số quan chức Mỹ đã bày tỏ lo ngại Nga can thiệp quân sự vào Syria từ hai tuần trước đó. Tuy nhiên, giới chức Nhà Trắng phủ nhận điều này vì thiếu thông tin tình báo. Nhưng khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 đã khiến nhận thức ở Mỹ thay đổi. Washington thừa nhận Nga đã đạt được mục tiêu chính là giữ ổn định chính quyền Assad và có thể duy trì chiến dịch ở Syria trong nhiều năm.

Khi Mỹ ngồi vào bàn đàm phán với Nga và Iran thì nước này chỉ có vài lựa chọn trong bối cảnh Tổng thống Obama vẫn cương quyết không triển khai bộ binh đến Syria, ngoại trừ một số ít lính đặc nhiệm hoặc cung cấp một số tên lửa bắn máy bay cho phe nổi dậy mà Mỹ ủng hộ.

Giờ đây, các quan chức Mỹ có một giọng điệu rất khác so với những ngày đầu nổ ra làn sóng chống Assad, khi họ tuyên bố Tổng thống Syria phải từ chức ngay lập tức. Giờ đây, với cuộc nội chiến ở Syria bước sang năm thứ 6, Washington thừa nhận phải đẩy các khả năng ngoại giao xa hết mức có thể.

Đối với quân nổi dậy ở Syria, tình hình thực tế thật ảm đạm. Quân đội chính phủ đã tiến sát thành phố Aleppo, một biểu tượng của làn sóng chống Assad. Với các tuyến tiếp tế cho Aleppo từ phía Thổ Nhĩ Kỳ bị cắt đứt, quân nổi dậy ở Aleppo giờ đây đau đớn thốt lên rằng việc họ bị tiêu diệt hoàn toàn chỉ còn là vấn đề thời gian.

Theo Thanh Hảo

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm