1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Băng nhóm buôn người ở Anh biến người di cư thành nô lệ như thế nào?

Trong khi những người di cư trái phép vào Anh phải làm việc như nô lệ thì những kẻ ăn trên xương máu của họ lại sống xa hoa như những ông hoàng.

Nạn nhân “làm việc như súc vật”

Cảnh sát Anh vừa triệt phá một băng nhóm buôn bán người bất hợp pháp sang Anh được coi là “lớn nhất trong lịch sử nước này” với tổng số nạn nhân có thể lên tới hơn 400 người. Những người này bị băng nhóm gồm 8 tên buôn người từ Ba Lan hứa hẹn sẽ kiếm được rất nhiều tiền thông qua những công việc tử tế ở Anh.

Băng nhóm buôn người ở Anh biến người di cư thành nô lệ như thế nào? - 1

Căn phòng bừa bộn nơi các nạn nhân sống trong thời gian bị bóc lột tại Anh. Ảnh: PA

Tuy nhiên, ngay khi đặt chân đến Anh, chúng dồn họ vào những khu nhà bẩn thỉu với điều kiện sống tối thiểu và ép họ phải làm việc bất hợp pháp tại các nông trại và trung tâm tái chế rác thải.

Họ chỉ nhận được 50 pence (khoảng 14.000VNĐ) cho một giờ lao động (thấp hơn từ 12-16 lần mức lương tối thiểu ở Anh cho từng độ tuổi khác nhau). Thậm chí, có người chỉ nhận được một cốc cà phê và một con gà như thù lao cho việc sửa sang cả một ngôi nhà trong hàng chục ngày. Họ cũng không có nước sạch để sinh hoạt và thậm chí còn phải đem quần áo ra kênh đào để giặt giũ.

Điều kiện sống hết sức tồi tệ đã khiến nhiều người di cư “vỡ mộng” về một cuộc sống tốt đẹp hơn khi họ đặt chân đến Anh. Một nạn nhân chia sẻ: “Tôi cảm thấy những người vô gia cư ở Anh còn sống thoải mái hơn chúng tôi rất nhiều”.

Tuy nhiên, nếu có nạn nhân nào than phiền, chúng sẽ đánh đập, làm nhục họ không thương tiếc và bị những tên này theo dõi sát sao. Một nạn nhân từng bị chúng bẻ gãy tay chỉ vì không hài lòng với điều kiện sống “như ngục tù” mà không được chăm sóc y tế. Người này sau đó bị chúng vứt bỏ không thương tiếc vì không thể lao động được nữa. Một nạn nhân khác còn bị lột đồ trước mặt những người khác, bị tiêm thuốc lạ vào người rồi bị đe dọa sẽ cắt thận nếu người này “không chịu câm miệng”.

Để “hợp thức hóa” công việc của các nạn nhân, băng nhóm này thậm chí còn bắt mối với các cơ quan tuyển dụng công việc ở Anh. Chúng ép các nạn nhân đến tận nơi nhận tiền thù lao rồi tịch thu của họ với lý do họ nợ chúng tiền nhà, tiền ăn ở và chi phí đưa người sang Anh.

Băng nhóm buôn người ở Anh biến người di cư thành nô lệ như thế nào? - 2

Tên trùm Ignacy Brzezinski và chiếc Bentley mà hắn thường lái đi thu tiền của các nạn nhân. Ảnh: PA

Kẻ bóc lột “lái Bentley thu hàng triệu USD/tháng”

Số tiền mà chúng bóc lột của các nạn nhân giúp những kẻ buôn người có được cuộc sống xa hoa. Hàng ngày, chúng diện quần áo đẹp, chạy xe hơi sang trọng, trong đó có cả những chiếc Bentley siêu sang đi thu tiền của những người bị chúng dụ dỗ sang Anh làm việc. Chúng khai nhận đã ép những người di cư bất hợp pháp “làm việc như lũ súc vật” mà “chẳng hề quan tâm đến bất kỳ quyền lợi nào dù là nhỏ nhất”.

Ông Mark Paul, người đứng đầu Cơ quan Công tố Hoàng gia Anh, chia sẻ: “Quy mô của đường dây buôn người này là không thể tin được, chúng kiếm lời hàng triệu USD/tháng từ việc bóc lột không thương tiếc một cách tinh vi và có hệ thống các nạn nhân, chủ yếu là người Ba Lan.

Chúng chia nhau đi khắp các đường phố Ba Lan để dụ dỗ những người mà chúng cho là dễ bị tổn thương nhất sang Anh làm việc và vẽ ra những viễn cảnh tốt đẹp cho họ. Tuy nhiên, ngay khi sang Anh, họ bị chúng đẩy vào đường cùng và buộc phải phụ thuộc vào chúng vì họ không biết phải đi đâu và làm gì”.

Băng nhóm buôn người ở Anh biến người di cư thành nô lệ như thế nào? - 3

Thẻ tín dụng làm theo tên của các nạn nhân để băng nhóm này thu tiền của họ. Ảnh: PA

Từ nạn nhân thành thủ phạm

Cảnh sát Anh cho biết, cho đến nay, họ mới chính thức xác nhận 88 trường hợp là nạn nhân của băng nhóm này. Tuy nhiên, con số trên thực tế có thể lên đến gần 350 trường hợp bởi nhiều nạn nhân vẫn chưa dám đứng ra tố cáo bọn chúng.

Cũng theo cảnh sát Anh, tên Ignacy Brzezinski, 52 tuổi, trùm của băng nhóm này “là một kẻ cực kỳ quỷ quyệt”, hắn đã “lợi dụng sự thương hại của bồi thẩm đoàn” để được quyền bảo lãnh bằng cách cố tình bị gẫy chân để bỏ trốn khi bị xét xử hồi tháng 7/2019.

Đáng chú ý, trong băng của tên Ignacy Brzezinski còn có tên Wojciech Nowakowski, 42 tuổi, kẻ từng là nạn nhân của chính băng nhóm này sau đó trở thành “tai mắt” của băng nhóm này. Cảnh sát Anh mô tả Brzezinski “đã hoàn toàn trở thành tay chân thân tín và vai trò của hắn ngày càng được củng cố. Hắn rất thích thể hiện quyền lực trước các nạn nhân”.

Không chỉ Nowakowski, nhiều đối tượng khác cũng chuyển từ nạn nhân thành thủ phạm khi được chúng tiếp cận và hứa hẹn về “những khoản thu nhập béo bở” thay cho cuộc sống “như nô lệ” trước đây nếu họ chấp thuận giám sát các nạn nhân khác thay chúng.

Cũng theo cảnh sát Anh: “Tình trạng buôn bán người di cư sang Anh rồi ép họ làm việc như nô lệ đã diễn ra từ hàng chục năm qua. Dù nước Anh rất nỗ lực để đối phó với tình trạng này nhưng một điều đáng buồn rằng, nó vẫn diễn ra dưới rất nhiều hình thức tinh vi tại đây”.

Cảnh sát Anh cũng đã lên tiếng kêu gọi bất kỳ người nào cảm thấy bị tước đoạt quyền tự do và bóc lột sức lao động nên tìm cách trình báo với họ bởi họ đang là nạn nhân của những hành vi sẽ bị kết tội hình sự. Việc họ dám đứng ra trình báo sẽ giúp cảnh sát có căn cứ để ngăn chặn tệ nạn này.

Theo Trần Khánh

VOV.VN