1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bán đảo Triều Tiên lại tăng nhiệt

Căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên có chiều hướng leo thang sau khi Triều Tiên và Hàn Quốc tiến hành đấu pháo qua biên giới.

Ngày 21-8, Triều Tiên lệnh cho binh sĩ ở tiền tuyến bước vào trạng thái chiến tranh trong khi Tổng thống Hàn Quốc cũng lệnh cho quân đội nước này giáng trả Triều Tiên một cách mạnh mẽ nếu bị khiêu khích thêm lần nữa.

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) sáng 21-8 đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ra lệnh cho các lực lượng hỗn hợp ở tiền tuyến bước vào tình trạng chiến tranh, bắt đầu từ 17 giờ địa phương (8h30' GMT) cùng ngày.

Ông Kim Jong-un đưa ra mệnh lệnh trên trong cuộc họp khẩn cấp mở rộng của Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên nhằm thảo luận các biện pháp chính trị và quân sự đáp lại những động thái khiêu khích của đối phương.

Tại cuộc họp, ông nhấn mạnh các lực lượng trên phải được vũ trang đầy đủ để đối phó với bất kỳ hoạt động nào, có thể diễn ra tại bất kỳ thời điểm nào, đồng thời yêu cầu đặt khu vực tiền tuyến trong tình trạng như có chiến tranh, bắt đầu từ thời điểm nêu trên. “Cần phải sẵn sàng tiến hành các chiến dịch đánh phủ đầu gây bất ngờ”, ông Kim nhấn mạnh.

Theo KCNA, các sĩ quan chỉ huy các chiến dịch quân sự ở khu vực biên giới đã được điều ra tiền tuyến để đối phó với đối phương trong trường hợp các hoạt động tuyên truyền qua loa phóng thanh chống miền Bắc không chấm dứt trong vòng 48 giờ.

Bán đảo Triều Tiên lại tăng nhiệt - 1

Binh sĩ Triều Tiên tuần tra làng Panmunjom ở biên giới với Hàn Quốc hôm 11-8.

Trong khi đó, Hàn Quốc ngày 21-8 cảnh báo Triều Tiên không được tiến hành các cuộc tấn công “liều lĩnh”. Hãng Thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời ông Min Kyung-wook, Người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc cho biết, Tổng thống Park Geun-hye ngày 21-8 đã ra lệnh cho quân đội nước này giáng trả Triều Tiên một cách mạnh mẽ nếu bị khiêu khích thêm lần nữa.

Ông Min cho hay, trong chuyến thăm bất ngờ tới một căn cứ quân sự quan trọng gần thủ đô Seoul, bà Park nói rằng, Hàn Quốc không bao giờ có thể dung thứ cho bất kỳ hoạt động khiêu khích nào của Triều Tiên đe dọa sự an toàn của binh sĩ và người dân của Hàn Quốc. Theo ông Min, Tổng thống Park cũng đã chỉ thị cho quân đội duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao để đối phó ngay lập tức với bất kỳ hoạt động khiêu khích nào nữa của Triều Tiên. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cũng đã gửi một bức thư tới Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Triều Tiên, trong đó hối thúc “miền Bắc từ bỏ tất cả các hành động liều lĩnh”.

Căng thẳng quân sự giữa hai miền leo thang sau khi Triều Tiên và Hàn Quốc tiến hành đấu pháo qua biên giới. Ngày 20-8, quân đội Triều Tiên đã nã pháo vào các cứ điểm của quân đội Hàn Quốc ở phía tây Khu vực phi quân sự (DMZ), nơi Seoul triển khai các loa phóng thanh nhằm thực hiện chiến dịch tuyên truyền chống Bình Nhưỡng. Ngay sau đó, Hàn Quốc đã đáp trả Triều Tiên bằng hàng chục loạt đạn pháo.

Sau vụ nã pháo, Triều Tiên đã cảnh báo Hàn Quốc phải dỡ bỏ các loa phóng thanh tại khu vực biên giới trong vòng 48 giờ kể từ 17 giờ địa phương (8h30' GMT) ngày 20-8, nếu không Bình Nhưỡng đáp trả bằng hành động quân sự. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã bác bỏ yêu cầu nói trên và nhấn mạnh, việc tuyên truyền bằng loa phóng thanh sẽ vẫn tiếp diễn. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng tuyên bố sẽ hạn chế việc ra vào Khu công nghiệp chung Kê-xâng.

Ngay sau vụ đấu pháo ở đường biên giới phía Tây, Triều Tiên đã triển khai thêm các đơn vị hỏa lực tới những khu vực tiền tuyến với Hàn Quốc, truyền thông Hàn Quốc ngày 21-8 dẫn nguồn tin quân sự nước này cho biết.

Yonhap dẫn lời một quan chức Chính phủ Hàn Quốc cho biết, các thiết bị do thám quân sự chung của Hàn Quốc và Mỹ đã phát hiện thấy việc di chuyển các bệ phóng tên lửa di động của Triều Tiên, có gắn tên lửa Scud và Rodong.

Quan chức trên nêu rõ, Triều Tiên “đang có những dấu hiệu về việc phóng một quả tên lửa Scud gần Ulsan và một quả tên lửa Rodong ở tỉnh Bắc Pyongan”, đồng thời cho rằng, Bình Nhưỡng dường như đang tính toán thời điểm phóng tên lửa theo ý đồ chiến lược của mình.

Trong bối cảnh trên, ngày 21-8, Hàn Quốc và Mỹ đã nâng mức báo động giám sát quân sự chung (WATCHCON) đối với Triều Tiên. Với động thái mới này, Hàn Quốc và Mỹ sẽ huy động thêm các thiết bị giám sát quân sự nhằm theo dõi chặt chẽ các động thái của quân đội Triều Tiên.

Liên quân Hàn-Mỹ cũng đã khởi động Kế hoạch đối phó với những khiêu khích cục bộ nhằm đối phó với hành động của Triều Tiên.

Trong một diễn biến khác, phản ứng về vụ đấu pháo giữa hai miền Triều Tiên, LHQ bày tỏ hết sức quan ngại và đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga ngày 21-8 cũng lên tiếng bày tỏ lo ngại về căng thẳng hiện nay giữa hai miền Triều Tiên và kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế.

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, những gì đang diễn ra là đáng quan ngại và có chiều hướng leo thang căng thẳng. Mátxcơva hy vọng không bên nào sẽ vượt quá “giới hạn nguy hiểm”.

Theo Ngọc Hà

Quân đội Nhân dân

Bán đảo Triều Tiên lại tăng nhiệt - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm