Bàn cờ biển Đông 2015 ra sao?
Trung Quốc sẽ tiếp tục biến những đá đã chiếm đoạt thành đảo để tạo thành thế cờ vây chiến lược của mình.
Đọc được gì ở nước cờ của Trung Quốc
Nhìn từ “tầm cao chiến lược” thì những hành động của TQ tại biển Đông sáng tỏ như ban ngày. Bởi lẽ các động thái ấy nằm trong một chuỗi mắt xích khá rõ ràng, bài bản, nhất quán nhưng không cứng nhắc.
Triết lý nền tảng của chiến lược ấy có thể được tóm gọn trong hai chữ “thời” và “thế”. Bắc Kinh “thúc thủ” hay “động binh”, “động binh” gì và “động” đến đâu đều tùy vào “thời” và “thế”. Khi “thời thế” chưa thuận thì “ẩn mình chờ thời”, lặng lẽ và âm thầm xây dựng lực lượng. Khi có khoảng trống quyền lực mở ra thì lập tức “trám chỗ”. Được lúc thế thượng phong thì không ngại tạo ra xung đột để chiếm giữ những “khoảng hời” dù đó không phải của mình. Nhưng cần lưu ý là chiến lược “thời thế” được Bắc Kinh áp dụng mềm dẻo, không tạo ra các xung đột lớn. TQ đặt nặng yếu tố đánh lừa và tạo thế để không cần đánh mà vẫn thắng.
Nếu nhìn “thời thế” hiện nay thì rõ ràng tương đối thuận lợi cho TQ tiếp tục lấn lướt ở biển Đông nhưng không trơn tru để Bắc Kinh dám gây ra xung đột quân sự. Hành vi xâm lấn cùng thái độ hung hăng của TQ trong những năm gần đây khiến nhiều nước, trong đó có các nước lớn trong khu vực phải lo ngại. Song mức độ phản ứng của nhiều quốc gia vẫn chưa đủ để có thể thay đổi các nước cờ nhìn thì mới nhưng thật ra là “bài cũ” của Bắc Kinh. Điều này dễ thấy khi các nước chỉ quyết liệt khi TQ dám dụng bài quân sự, còn với chiêu trò dùng “gậy nhỏ gõ đầu khẽ” cùng mánh khóe “tằm thực” - gặm nhấm dần dần, một phương pháp xâm lấn theo kiểu “cắt lát xúc xích” - thì Bắc Kinh dường như vẫn thoải mái “múa gậy vườn hoang”.
Tàu cảnh sát biển của Việt Nam kiên trung đứng vững trong suốt quá trình đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hộ tống của Trung Quốc ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Tổ quốc (Ảnh: Lê Phi)
Nếu ví thế trận ở biển Đông như một bàn cờ thì ván cờ TQ đang tạo ra không như cờ tướng hay cờ vua - nơi mà việc bày binh bố trận phụ thuộc chủ yếu vào các “võ sĩ” như “xe, pháo, mã”. Trái lại, Bắc Kinh thích chơi “cờ vây” - nơi các viên đá tưởng chừng vô dụng nhưng lại có sức mạnh bội phần khi được đặt vào các vị trí chiến lược. Chúng liên kết các “địa thế” chủ chốt, tạo thành mạng lưới vây hãm đối phương khiến nước khác bối rối, lúng túng, ngột ngạt đến mức “không còn khí”. Bắc Kinh ra sức hút cát lấp biển, biến đảo chìm thành đảo nổi, biến đảo nhỏ thành đảo lớn. Với tiến độ thi công chóng mặt như hiện nay, năm 2015 sẽ chứng kiến đá Chữ Thập (của Việt Nam (VN) được TQ mở rộng thành thực thể lớn nhất quần đảo Trường Sa, lớn gấp đôi đảo Ba Bình - hiện là hòn đảo lớn nhất thuộc chủ quyền VN tại quần đảo Trường Sa.
Bắt đầu từ năm 2015 sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu TQ lấn biển và xây sân bay trên đá Xu Bi ở rìa tây nam của cụm đảo tây bắc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam); lấn biển và xây cảng ở đá Vành Khăn mà Bắc Kinh bí mật chiếm đoạt năm 1995; xây dựng công trình kiên cố trên bãi Scarborough - nơi TQ đánh bật Philippines ra để độc chiếm từ năm 2012. Những “viên đá” này có khả năng làm thay đổi toàn bộ cục diện biển Đông nếu Bắc Kinh biến các vị trí “bao vây” chiến lược ấy thành các căn cứ dân sự lẫn quân sự lan tỏa sức mạnh toàn vùng. Dự báo đây sẽ là một trong những “mũi giáp công” chiến lược nhất mà TQ tiếp tục theo đuổi trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
Tám “chữ vàng”
Cho đến lúc này, bài học giá trị nhất, cũng là sự thành công của VN chính là “cách ứng xử” với TQ - được gói gọn trong tám chữ: “Lõi cứng vỏ mềm, tranh thủ quốc tế”. VN đã phản ứng rất quyết liệt, tôn trọng luật quốc tế, biết kiềm chế và sẵn sàng đối thoại với TQ. Đồng thời, VN biết cách đánh động dư luận quốc tế và huy động sức mạnh của bạn bè.
Dựa trên những thành công ấy để giải ván cờ vây của Bắc Kinh, trong năm 2015 trở về sau VN nhất quyết phải tăng cường các hoạt động trinh sát, giám sát và tuần tra trên biển Đông. Điều quan trọng là làm thế nào để phối hợp hoạt động trinh sát, tuần tra với một số nước bạn bè có năng lực và chung lợi ích.
Song song đó VN cần tăng cường đưa thông tin về hoạt động ngang ngược, hung hăng của TQ trên biển Đông đến giới truyền thông và lực lượng nghiên cứu quốc tế. Sẽ rất tốt nếu VN có sáng kiến nhằm thiết lập một cơ chế thông tin kịp thời, thông thoáng đến dư luận, giới truyền thông và nghiên cứu trong nước và quốc tế. Cốt yếu nhất là VN phải xác định được “cách chơi cờ” chiến lược của mình, vượt hơn kiểu chơi cờ vây hiện nay của Bắc Kinh, đập tan các “nước cờ” hòng độc chiếm biển Đông của TQ.