"Trung Quốc không thể tự do tung hoành ở biển Đông"
Theo tờ Wantchinatimes, những vụ gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông sẽ ngày càng phức tạp khi các nước trong khu vực tiếp tục đồng loạt triển khai hạm đội tàu ngầm, theo tường thuật của hệ thống Quân đội Sina trụ sở Bắc Kinh.
Các báo cáo gần đây cho thấy những quốc gia ở khu vực biển Đông, bao gồm Việt Nam, Indonesia và Malaysia đã đều trang bị các tàu ngầm mới, tuy nhiên quy mô của hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc vẫn lớn hơn tất cả số tàu ngầm của các nước này cộng lại.
Trung Quốc, một quốc gia đã phát triển tàu ngầm từ những năm 1950s, hiện đang có hơn 60 chiếc tàu ngầm- đứng thứ ba trên thế giới– bao gồm 4 loại tàu ngầm hạt nhân và 7 loại tàu ngầm thông thường.
Tàu ngầm tấn công Type 094 của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc
Trung Quốc là quốc gia duy nhất ở vùng biển Đông triển khai tàu ngầm hạt nhân. Tất cả những tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc đều được trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa JL-2, tầm bắn 8.000 mét và có thể lắp khớp với đầu đạn hạt nhân.
Các loại tàu ngầm thông thường khác cũng đều được gắn tên lửa và ngư lôi. Tuy nhiên, điều này cũng không làm thoái chí các quốc gia láng giềng của Trung Quốc trong khu vực biển Đông khi các quốc gia này cũng đều triển khai các hạm đội tàu ngầm cho mình.
Nguyên nhân, theo nhận định của Quân đội Sina, là bởi tàu ngầm không dễ bị phát hiện và có tính sát thương cao vì tàu ngầm có thể ẩn mình dưới nước và có khả năng liên tục nâng cấp vũ khí mới nhất.
Thêm vào đó, các đảo tranh chấp ở biển Đông có địa thế “dễ phòng thủ nhưng khó tấn công”, vì thế việc sử dụng tàu ngầm trở nên rất hiệu quả, ngay cả khi với số lượng nhỏ. Cho nên đây là loại vũ khí được “ưa chuộng” ở các quốc gia biển Đông và được cân nhắc là một sự đầu tư tương đối “rẻ”.
Vì vậy, mặc dù chiếm ưu thế về số lượng tàu ngầm sở hữu, Trung Quốc cũng không thể tự do “tung hoành” ở biển Đông. Hơn nữa, Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc lại rất hạn chế về khả năng chống tàu ngầm vì lực lượng này chỉ tập trung đảm bảo sự an toàn của hành lang tàu thuyền quân đội, điều này giải thích vì sao Hải quân Trung Quốc lại được trang bị với hơn 10 máy bay chống tàu ngầm.
Tuy nhiên, máy bay chống tàu ngầm lại hạn chế trong phạm vi hoạt động, rất khó khăn cho lực lượng Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc mở rộng vùng kiểm soát trong khoảng thời gian ngắn.
Với sự đồng loạt triển khai trang bị hạm đội tàu ngầm của các nước láng giềng, sẽ chỉ khó khăn thêm cho Trung Quốc khi quốc gia này áp đặt ý muốn trong các sự kiện tranh chấp lãnh hải trên biển Đông đang diễn ra, Quân đội Sina kết luận.
Theo Thanh Diệp
Pháp luật TPHCM