DNews

Ba thủ tướng một số phận, gia tộc Shinawatra quyết tìm lại hào quang

Minh Phương

(Dân trí) - "Bông hồng thép" Paetongtarn Shinawatra đang đánh dấu sự trở lại của gia tộc Shinawatra với việc trở thành ứng viên sáng giá cho chức thủ tướng Thái Lan.

Ba thủ tướng một số phận, gia tộc Shinawatra quyết tìm lại hào quang

GIA TỘC QUYỀN LỰC

Vào thập niên 60 của thế kỷ XIX, một người đàn ông gốc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã di cư đến Bangkok, Thái Lan. Người này sau đó trải qua hai cuộc hôn nhân và có 14 người con, trong đó có Chiang Sae Khu - ông nội của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Gia đình họ sau đó chuyển đến Chiang Mai sinh sống và phất lên nhờ buôn bán tơ lụa. Sản phẩm của gia tộc này thậm chí nhận được sự ưu ái của Hoàng gia Thái Lan.

Ông Chiang Sae Khu về sau lấy họ Shinawatra và nhà Shinawatra càng thắt chặt quan hệ với các gia tộc thương gia khác ở Chiang Mai, mở rộng kinh doanh các ngành nghề xay xát, vận tải và bán lẻ.

Cựu Thủ tướng Thaksin và Yingluck Shinawatra là con trai trưởng và con gái út trong một gia đình gồm 9 người con. Khi ông Thaksin ra đời năm 1949, dòng họ Shinawatra đã trở thành gia tộc lớn bậc nhất ở Chiang Mai.

Đến thời ông Thaksin, công việc kinh doanh của dòng họ Shinawatra càng thêm phát đạt nhờ lấn sân sang lĩnh vực viễn thông, bất động sản. Ông từng lọt vào nhóm 20 người giàu nhất Thái Lan theo bình chọn của tạp chí Forbes.

Shin Corp là tập đoàn do ông Thaksin thành lập, bắt nguồn từ một công ty cho thuê máy tính và trở thành đế chế viễn thông hùng mạnh nhất nhì Thái Lan trong những năm 1990 và đầu 2000. Sau này, nhà Shinawatra bán lại tập đoàn cho quỹ đầu tư Temasek của chính phủ Singapore để thu về khoản tiền 1,88 tỷ USD.

Tuy nhiên, ngoài phát triển đế chế kinh doanh, nhà Shinawatra còn mở rộng ảnh hưởng với việc tham gia vào chính trường. Bắt đầu từ đời cha, chú của ông Thaksin, các thành viên của gia tộc đều nỗ lực gia nhập quân đội và hầu như cả dòng họ Shinawatra đều đảm nhận các chức vụ cao trong chính giới Chiang Mai.

Từ những năm 1960, cha của ông Thaksin bắt đầu bước vào chính trường. Năm 1967, ông được bầu làm nghị sĩ của Chiang Mai, và tiếp đến là lãnh đạo Hạ viện của tỉnh này. Năm 1970, ông trở thành nghị sĩ quốc hội.

Họ hàng của ông Thaksin có người từng làm tư lệnh bộ binh, tổng tham mưu trưởng quân đội hay sĩ quan cảnh sát hoàng gia hoặc giữ chức bộ trưởng. Tuy nhiên, sự nghiệp kinh doanh và chính trị của thành viên Shinawatra gây chú ý nhất vẫn là anh em Thaksin - Yingluck.

BA THỦ TƯỚNG MỘT SỐ PHẬN

Ba thủ tướng một số phận, gia tộc Shinawatra quyết tìm lại hào quang - 1

Cựu Thủ tướng Thái Lan Somchai Wongsawat, em rể của ông Thaksin (Ảnh: AFP).

Một trong những điểm đáng chú ý của nhà Shinawatra là dòng họ này có đến 3 người từng làm thủ tướng, một kỷ lục trên chính trường Thái Lan. Mặc dù vậy, cả 3 người cuối cùng đều vướng vào vòng lao lý.

Ngoài ông Thaksin và bà Yingluck, gia tộc Shinawatra còn một người nữa cũng ngồi vào ghế thủ tướng là ông Somchai Wongsawat, em rể của ông Thaksin. Ông Somchai nhậm chức tháng 9/2008, thay thủ tướng tiền nhiệm Samak Sundaravej sau khi ông này bị Tòa Hiến pháp phế truất vì xung đột lợi ích. Tuy nhiên, không lâu sau đó, số phận của ông Somchai cũng do tòa án định đoạt.

Về phần ông Thaksin, ông tốt nghiệp Học viện Cảnh sát Thái Lan, từng làm việc cho Bộ Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, nhưng lại nhanh chóng bén duyên với kinh doanh. Năm 1987, ông ra khỏi ngành để bắt đầu công việc kinh doanh.

Sau khi trở thành tỷ phú, ông Thaksin dấn thân vào chính trường năm 1994, đảm nhiệm chức vụ ngoại trưởng chỉ trong 108 ngày. Đến năm 1998, ông thành lập đảng Thai Rak Thai, hứa hẹn một loạt những cải cách, hỗ trợ người nghèo, thúc đẩy nền kinh tế vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Kết quả là Thai Rak Thai giành được tới hơn 40% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2001, đưa ông đến ghế thủ tướng và tiếp tục đắc cử vào năm 2006.

Những chính sách cải cách này, sau đó được gọi là Thaksinomics, nhắm đến việc xóa những khoản nợ cho nông dân, và yêu cầu ngân hàng nhà nước cung cấp những khoản vay với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ. Đây là mơ ước đối với nông dân vì họ không thể tiếp cận vốn từ các ngân hàng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997.

Những chính sách mang màu sắc dân túy đã giúp ông Thaksin có một nhóm cử tri trung thành tuyệt đối ở đông bắc Thái Lan, nơi cuộc sống của người dân, đặc biệt là những nông dân nghèo, đã được cải thiện đáng kể từ khi ông lên nắm quyền.

Ba thủ tướng một số phận, gia tộc Shinawatra quyết tìm lại hào quang - 2

Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra (Ảnh: AFP).

Tuy nhiên, ông bị giới thượng lưu ở Bangkok phản đối kịch liệt, họ cáo buộc ông lạm dụng quyền lực và tham nhũng, điều hành đất nước giống một doanh nghiệp gia đình và điều này mang lại lợi ích kinh tế cho nhà Shinawatra. Họ cho rằng, ông dùng các chính sách dân túy để lôi kéo cử tri, gây chia rẽ chính trị sâu sắc ở Thái Lan. Nhiều chính khách nước này đã công khai đòi gia tộc quyền lực của Chiang Mai phải từ bỏ chính trường. Các nhóm nhân quyền cũng chỉ trích mạnh mẽ cuộc chiến chống ma túy của chính quyền Thaksin khiến 2.500 người thiệt mạng.

Đến tháng 9/2006, quân đội Thái Lan lật đổ chính quyền của ông Thaksin khi ông đang dự cuộc họp của Liên hợp quốc ở Mỹ. Ông phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc như lạm dụng quyền lực, tham nhũng. Sau đó, ông quyết định chạy ra nước ngoài để tránh bị kết án tù.

Những nỗ lực trở lại chính trường của gia tộc Shinawatra gặp không ít trắc trở kể từ đó. Người em rể Somchai giữ ghế thủ tướng từ tháng 9/2008 đến tháng 12/2008. Nhiệm kỳ ngắn ngủi của con rể nhà Shinawatra kết thúc trong bạo lực. Ông cùng 3 thành viên nội các đã chấp nhận sử dụng vũ lực để dẹp biểu tình bao vây tòa nhà quốc hội tháng 10/2008 của phe Áo vàng chống nhà Shinawatra. Ông phải ra tòa sau đó, nhưng may mắn được kết luận không phạm tội lạm dụng quyền lực.

Ba thủ tướng một số phận, gia tộc Shinawatra quyết tìm lại hào quang - 3

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (Ảnh: AFP).

Danh gia vọng tộc của nhà Shinawatra những tưởng được khôi phục khi em gái út Yingluck quyết định dấn thân vào chính trường dù đang rất thành công trên thương trường. Bất chấp những biến cố trước đó của gia đình, bà Yingluck vẫn giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm 2011 và trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan.

Nội các của bà được đánh giá cao nhất về năng lực kinh tế, thậm chí hơn cả thời ông Thaksin nắm quyền. Nữ lãnh đạo được lòng nhiều người dân vì chính sách dân túy và vực dậy nền kinh tế.

Điều này cũng không giúp bà tránh khỏi số phận như người anh trai sống lưu vong. Kể từ khi bước chân vào chính trường, bà Yingluck liên tục đối mặt với cáo buộc là "con rối" của ông Thaksin. Tháng 5/2014, Tòa án Hiến pháp Thái Lan phế truất bà với cáo buộc sai phạm trong thuyên chuyển nhân sự.

Ngoài ra, bà cũng bị cáo buộc tham nhũng với các sai phạm trong chính sách trợ giá thu mua lúa gạo nhằm lôi kéo sự ủng hộ của người dân với đảng Pheu Thai. Chương trình này được thực hiện dưới hình thức chính phủ thu mua gạo của nông dân với mức giá cao hơn giá thị trường và kéo theo những vụ tham nhũng lớn khi gạo trong kho dự trữ của chính phủ được bán hết với mức giá thấp. Tòa án tối cao Thái Lan nói rằng, chương trình này của bà Yingluck đã gây thất thoát của chính phủ 14 tỷ USD. Nếu bị phán quyết có tội, bà Yingluck phải đối mặt với mức án lên tới 10 năm tù giam và bị tịch thu tài sản để bồi thường thiệt hại.

"Công chúa Shinawatra" không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời đất nước, sống lưu vong giống anh trai.

NỖ LỰC TRỞ LẠI CHÍNH TRƯỜNG

Ba thủ tướng một số phận, gia tộc Shinawatra quyết tìm lại hào quang - 4

Paetongtarn Shinawatra - con gái cựu Thủ tướng Thaksin (Ảnh: AFP).

Nhiều người tin rằng cuộc trốn chạy của bà Yingluck có thể là dấu chấm hết cho tham vọng chính trị của nhà Shinawatra. Tuy nhiên, có lẽ nhà Shinawatra chưa bao giờ thôi nung nấu giấc mộng khôi phục danh gia vọng tộc.

Paetongtarn, 36 tuổi, con gái ông Thaksin, đang đưa gia tộc Shinawatra trở lại chính trường sau 15 năm, khi trở thành ứng viên sáng giá trong cuộc đua ghế thủ tướng Thái Lan.

Đảng Pheu Thai hôm 5/4 công bố, cô Paetongtarn Shinawatra, 36 tuổi, là 1 trong 3 ứng viên thủ tướng cho cuộc bầu cử dự kiến vào cuối tuần này. Lựa chọn đó đặt ra khả năng xảy ra cuộc đua song mã giữa hậu duệ nhà Shinawatra và Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-ocha, cựu chỉ huy quân đội đã giành quyền lực từ chính phủ Pheu Thai năm 2014.

Một cuộc khảo sát do Viện Quốc gia về Phát triển Quản trị (NIDA) thực hiện tháng trước cho thấy tỷ lệ ủng hộ Paetongtarn là 38%, cao gấp đôi các đối thủ khác như Thủ tướng Prayut Chan-ocha. Ông Thaksin từng nói: "Nếu Paetongtarn đắc cử thủ tướng, con gái tôi sẽ làm tốt hơn tôi".

Cô Paetongtarn từng theo học các ngôi trường danh giá hàng đầu ở Thái Lan và Anh. Trước khi dấn thân vào chính trường, Paetongtarn đầu quân cho công ty của gia đình.

Khi còn nhỏ, cô thường xuyên đi cùng cha mình trong các sự kiện. Thitinan Pongsudhirak, nhà nghiên cứu khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn của Thái Lan, nhận định: "Cô ấy đã biết rõ chính trị Thái Lan. Cô ấy có bản năng chính trị như ông Thaksin và có tham vọng riêng. Paetongtarn cũng nhận được rất nhiều thứ vì là con gái út của cựu Thủ tướng".

Trong chiến dịch vận động tranh cử, cô đưa ra những cam kết chính sách có phần giống đường lối của cha và cô mình. Đó là hàng loạt chính sách dân túy từng giúp hai cựu thủ tướng nhà Shinawatra giành được sự ủng hộ của cử tri như mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cắt giảm giá giao thông công cộng, tăng gấp đôi mức lương tối thiểu.

Được đánh giá là gương mặt triển vọng, nhưng Paetongtarn vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. Nhiều người đặt câu hỏi liệu tên tuổi của gia đình có đủ để đưa Paetongtarn đến chiến thắng hay không và liệu cô có đủ kinh nghiệm và bản lĩnh chính trị để điều hành đất nước với tuổi đời quá trẻ hay không.

Dù nhà Shinawatra vẫn có sức ảnh hưởng đối với một bộ phận cử tri Thái Lan, song các chuyên gia cũng chỉ ra mặt trái của việc là con gái của một cựu Thủ tướng có tiếng tăm. Những gì đã xảy ra với bà Yingluck có thể coi là lời nhắc nhở đối với các thành viên nhà Shinawatra về những viễn cảnh mà họ không thể lường trước được và liệu họ có chấp nhận mạo hiểm một lần nữa.

"Paetongtarn đã thu hút sự ủng hộ của cử tri cũng như sự chú ý của truyền thông bởi vì cô ấy là con gái ông Thaksin. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, cô ấy không còn nhắc đến cha mình trong những lần xuất hiện gần đây. Sự nỗ lực của cô ấy cũng đáng được ghi nhận", Termsak Chalermpalanupap, chuyên gia về Thái Lan thuộc viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, nhận định

Aim Sinpeng, chuyên gia về khoa học chính trị thuộc Đại học Sydney ở Australia, nói: "Cô ấy hiểu rằng không thể chỉ dựa vào nhóm cử tri trung thành với ông Thaksin, mà phải đề ra những chính sách cấp tiến hơn". Trong chiến dịch vận động tranh cử, Paetongtarn không chỉ tập trung vào những khu vực được coi là căn cứ ủng hộ của gia tộc Shinawatra, mà còn hướng đến những vùng khác và đa dạng nhóm cử tri mục tiêu.

Mặc dù vậy, không phải người Thái Lan nào cũng ủng hộ viễn cảnh đất nước có thêm một thủ tướng nữa mang họ Shinawatra. Một số người lo ngại rằng nếu cô Paetongtarn đắc cử, Thái Lan có thể quay trở lại tình trạng bất ổn chính trị, khi cả hai thủ tướng của gia tộc Shinawatra trước đó đều vấp phải sự phản đối từ quân đội. Nhiều người thành thị và phe ủng hộ quân đội cho rằng ông Thaksin và các thành viên gia tộc Shinawatra theo đuổi chính sách dân túy, chi phối chính trường để tham nhũng và ưu ái cất nhắc người nhà.

Cựu Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya đánh giá, Paetongtarn được chọn làm ứng viên thủ tướng chỉ vì "cô là con gái ông Thaksin". Ông cảnh báo việc thành viên nữa của nhà Shinawatra đắc cử có thể ảnh hưởng đến nền dân chủ Thái Lan.

"Đất nước không thể được vận hành bởi những người không có kinh nghiệm chính trị. Paetongtarn chưa từng đấu tranh vì một lý tưởng nào, chưa từng tham gia bộ máy chính quyền và chưa bao giờ nắm quyền điều hành thực chất tại doanh nghiệp. Cô ấy sẽ chỉ là người đại diện cho cha mình và không có lập trường riêng. Cuối cùng ông Thaksin vẫn là người kiểm soát mọi thứ", cựu Ngoại trưởng Piromya lập luận.

Ngoài ra, ái nữ nhà Shinawatra cũng phải đối mặt với những thách thức khác từ một hệ thống chính trị phức tạp được thiết lập sau cuộc binh biến năm 2014. Hiến pháp Thái Lan sửa đổi năm 2016 cho phép các quan chức do quân đội chỉ định có tiếng quan trọng trong việc bầu ra chính phủ mới.

Cuộc tổng tuyển cử năm nay ở Thái Lan dự kiến có khoảng 52 triệu cử tri hợp lệ bầu ra 500 thành viên vào Hạ viện Thái Lan. Tuy nhiên, hiến pháp do quân đội soạn thảo quy định, 250 ghế trong Thượng viện đều do quân đội chỉ định và Thượng viện được phép bỏ phiếu cùng Hạ viện để bầu ra thủ tướng. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc ai sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo.

Nói cách khác, kể cả khi đảng của cô Paetongtarn giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử sắp tới, khả năng bà lên nắm quyền cũng chưa chắc chắn.

Minh Phương

Theo Reuters, Straits Times, ABC.net, Washington Post