Bà Merkel cảnh báo làn sóng Covid-19 "tấn công tổng lực" nước Đức
(Dân trí) - Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi giới chức nước này đẩy mạnh chương trình tiêm chủng trước nguy cơ làn sóng Covid-19 thứ tư "tấn công tổng lực".
"Làn sóng Covid-19 thứ tư đang tấn công tổng lực vào đất nước chúng ta. Số ca nhiễm trong ngày hiện ở mức cao nhất từ trước đến nay, số ca tử vong cũng đáng sợ. Bây giờ vẫn chưa quá muộn để quyết định tiêm vaccine mũi đầu tiên. Nếu độ phủ vaccine đủ lớn, chúng ta sẽ thoát được đại dịch", Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trước thị trưởng các thành phố hôm 17/11.
Đức đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 được cho là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Số ca Covid-19 mới ở nước này liên tiếp lập kỷ lục. Theo số liệu của Bộ Y tế Đức, trong ngày 17/11, Đức ghi nhận kỷ lục gần 53.000 ca mắc mới và 294 ca tử vong. Tính đến thời điểm hiện tại, Đức đã có tổng cộng 5,1 triệu ca nhiễm và gần 100.000 ca tử vong do Covid-19.
Giới chuyên gia đã chỉ ra những yếu tố có thể là nguyên nhân chính khiến dịch bùng phát mạnh trở lại ở Đức cũng như nhiều quốc gia châu Âu có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao. Nguyên nhân được cho là tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 chững lại trong khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch quá sớm.
Khoảng 68% dân số Đức đã được tiêm chủng đủ hai liều vaccine Covid-19. Tỷ lệ này thấp hơn so với tỷ lệ trung bình ở các quốc gia Tây Âu, do một bộ phận người dân tại đây vẫn chần chừ tiêm chủng. Chỉ khoảng 5% dân số Đức đã tiêm vaccine Covid-19 mũi tăng cường.
Số ca nhiễm tăng nhanh làm dấy lên lo ngại làn sóng Covid-19 có thể khiến hệ thống y tế của Đức quá tải. Trước tình hình này, giới chức Đức đang gia tăng nỗ lực thúc đẩy chương trình tiêm chủng, đồng thời thắt chặt các biện pháp phòng dịch.
Bà Merkel dự kiến sẽ nhóm họp với giới chức liên bang và lãnh đạo các vùng vào hôm nay 18/11 để thảo luận các bước đi tiếp theo nhằm ngăn chặn đà lây lan của Covid-19. Reuters dẫn dự thảo cuộc họp cho biết, chính phủ Đức dự kiến sẽ thắt chặt các biện pháp hạn chế, bao gồm buộc người dân xuất trình chứng nhận tiêm chủng hoặc chứng nhận đã khỏi Covid-19 hoặc xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 khi sử dụng phương tiện công cộng hoặc tới công sở. Ngoài ra, Đức cũng sẽ siết hạn chế đối với các hoạt động không thiết yếu. Chính phủ Đức cũng dự kiến gia hạn hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cho đến cuối tháng 3/2022.
Đức là một trong số các quốc gia châu Âu đang phải đối phó với tình trạng số ca Covid-19 tăng mạnh sau một thời gian nới lỏng các biện pháp hạn chế. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây cảnh báo, châu Âu có thể trở thành tâm dịch mới của thế giới.
Đại dịch Covid-19 khởi phát từ cuối năm 2019, đến nay đã khiến hơn 255 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh, hơn 5 triệu người tử vong. Ông Vladislav Zhemchugov, chuyên gia dịch tễ Nga, mới đây đã đưa ra dự báo 3 kịch bản có thể xảy ra với đại dịch Covid-19. Kịch bản đầu tiên là virus SARS-CoV-2 có thể tìm một vật chủ mới để cư ngụ. Khả năng thứ hai là, virus này sẽ biến mất giống như SARS và MERS. Giả thuyết cuối cùng là virus này sẽ không biến mất và Covid-19 sẽ trở thành một bệnh đặc hữu. Theo chuyên gia này, tiêm chủng vẫn là biện pháp đáng tin cậy nhất hiện nay để đối phó Covid-19.