1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đức đối mặt "bão" Covid-19 và lời cảnh báo với châu Âu

Minh Phương

(Dân trí) - Từng được đánh giá cao về khả năng ứng phó dịch, nhưng Đức đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 tồi tệ nhất từ trước đến nay và điều này có thể lặp lại ở bất cứ nơi nào châu Âu hay trên thế giới.

Đức đối mặt bão Covid-19 và lời cảnh báo với châu Âu - 1

Đức đang đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ tư (Ảnh: AFP).

Đức giữa "bão" Covid-19

Những ngày gần đây, Đức liên tiếp ghi nhận những kỷ lục đáng buồn trong cuộc chiến ứng phó đại dịch Covid-19. Hôm 11/11, nước này có thêm hơn 50.000 ca mắc Covid-19 mới, số ca mắc mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay.

Tình hình tại các bệnh viện ở Đức cũng bắt đầu căng thẳng hơn. Mặc dù số bệnh nhân Covid-19 thể nặng nhập viện không cao như cách đây một năm do có sự bảo vệ của vaccine, nhưng con số này cũng đang tăng dần. Trong khi đó, các khoa hồi sức cấp cứu phải đối mặt với sức ép thậm chí lớn hơn năm ngoái khi chưa có vaccine, báo Suddeutsche Zeitung đưa tin. Điều này một phần là do nhiều nhân viên y tế đã nghỉ việc do quá tải. Một phần khác là do lượng bệnh nhân mắc các bệnh khác không phải Covid-19 cũng có xu hướng tăng.

Chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Đức Christian Drosten cảnh báo, nếu không hành động hơn nữa để ngăn dịch bùng phát vượt tầm kiểm soát, Đức có thể ghi nhận thêm 100.000 người tử vong do Covid-19 trong vài tháng tới.

"Với 2/3 dân số đã được tiêm chủng, điều này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng xét về thực tế, không có gì đáng ngạc nhiên", Ralf Reintjes, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Khoa học Ứng dụng ở Hambourg nói.

Đức đã tiêm chủng vaccine Covid-19 đầy đủ cho 67% dân số trưởng thành, nghĩa còn 1/3 dân số trưởng thành vẫn chưa tiêm chủng, trong đó nhiều người có bệnh nền khiến họ dễ biến chứng nặng nếu mắc Covid-19.

Ngoài những người chưa tiêm chủng, điều đáng lo ngại khác là những người đã tiêm chủng đợt đầu từ khoảng cuối năm 2020 đến đầu năm 2021. "Với những người này, hiệu quả của mũi tiêm thứ hai, tiêm cách đây 6 tháng, bắt đầu suy giảm, khả năng bảo vệ cơ thể trước virus bị giảm đi", chuyên gia Reintjes nói và lưu ý thêm rằng, những người tiêm chủng đợt đầu chủ yếu là những người cao tuổi thuộc nhóm nguy cơ cao.

Hơn nữa, ông Reintjes cho biết, virus đã biến đổi, tình hình ở Đức cho thấy, biến chủng Delta dễ lây lan hơn nhiều so với chủng ban đầu của SARS-CoV-2, thậm chí ở người đã tiêm chủng. Tâm lý cho rằng vaccine Covid-19 đủ để đưa cuộc sống trở lại bình thường khiến nhiều người, nhiều chính quyền địa phương bắt đầu buông lỏng các biện pháp phòng dịch.

Bài học cho châu Âu và thế giới

Đức đối mặt bão Covid-19 và lời cảnh báo với châu Âu - 2

Cùng với thúc đẩy tiêm chủng vaccine, giới chuyên gia cho rằng, người dân không nên buông lỏng các biện pháp phòng dịch (Ảnh minh họa: AP).

Hãng tin France24 dẫn ý kiến chuyên gia cho rằng, bài học lớn nhất từ làn sóng Covid-19 thứ 4 ở Đức là người dân kỳ vọng quá nhiều vào vaccine dẫn đến việc buông lỏng phòng dịch như xét nghiệm, hạn chế đi lại.

"Với một biến chủng như vậy, gần 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng là con số quá ít để ngăn chặn dịch", Till Koch, chuyên gia về dịch tễ thuộc Trung tâm Viện Đại học Hambourg, nhận định.

Chuyên gia này cho rằng, những gì đang diễn ra ở Đức có nguy cơ tái hiện ở phần lớn châu Âu trong những tuần tới. Tất cả những yếu tố kéo theo đợt bùng dịch mới xuất hiện ở Đức cũng xảy ra ở nhiều nước khác. Thực tế, không riêng Đức, số ca Covid-19 mới cũng bắt đầu tăng vọt ở các nước như Hà Lan, Đan Mạch.

Ông Koch nói, không phải ngẫu nhiên Bắc Âu hứng làn sóng Covid-19 mới đầu tiên. Ông lý giải: "Giống như mọi virus gây bệnh đường hô hấp, Covid-19 là bệnh theo mùa, những nước ở Nam Âu, như Tây Ban Nha hay Italy vẫn còn được che chở bởi thời tiết ấm áp hơn". Theo ông, các khu vực còn lại của châu Âu khó tránh khỏi làn sóng lây nhiễm mới.

"Điều cốt lõi đối với các chính quyền là phải cho mọi người hiểu rằng dịch vẫn luôn còn đó và không được buông lỏng các biện pháp phòng dịch nhất là trong mùa đông này", chuyên gia Reintjes nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, cùng với việc tiếp tục tăng độ phủ vaccine, các nước cần chú trọng nhiều hơn đến các biện pháp phòng dịch. Đó không hẳn là các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, mà có thể là các biện pháp tầm soát rộng và miễn phí nhằm phát hiện sớm các ca nhiễm, ngăn đà lây lan của virus.