1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ba Lan nêu lý do từ chối đề nghị bắn rơi tên lửa Nga của Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ba Lan giải thích nguyên nhân họ sẽ không thực hiện theo đề nghị của Kiev về việc bắn rơi tên lửa Nga tấn công vào Ukraine và bay gần không phận của phía Warsaw.

Ba Lan nêu lý do từ chối đề nghị bắn rơi tên lửa Nga của Ukraine - 1

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz (Ảnh: Getty).

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz ngày 10/7 cho biết, Ba Lan sẽ không thực hiện theo đề nghị của Ukraine về việc bắn hạ tên lửa Nga hướng tới miền Tây Ukraine.

Đầu năm nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters rằng các đồng minh phương Tây, bao gồm cả Ba Lan, có thể can thiệp trực tiếp hơn vào nỗ lực phòng thủ của Ukraine trước các đòn tấn công của Nga bằng cách bắn hạ tên lửa Moscow.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Ba Lan hôm 10/7 nói rằng, nước này không thể tự quyết định được vấn đề này và đây là điều thuộc thẩm quyền của liên minh NATO.

Ông cũng nhắc tới quan điểm hiện tại của Mỹ là không muốn leo thang căng thẳng vượt ngoài tầm kiểm soát với Nga. Vì vậy, Ba Lan nhấn mạnh rằng, họ chỉ có thể độc lập ra quyết định bắn hạ tên lửa Nga nếu nó bay vào không phận Ba Lan.

Vài tháng trước, Warsaw từng cáo buộc tên lửa Nga bay vào không phận Ba Lan trong một khoảng thời gian ngắn khi Moscow tấn công các mục tiêu ở tây Ukraine.

Khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ba Lan Pawel Wronski cho biết phương án bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine bằng hệ thống phòng không của Warsaw đang được mang ra xem xét, nhưng quốc gia NATO chưa có quyết định cụ thể nào.

Ngày 8/7, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ký hiệp ước an ninh. Ông Zelensky nói rằng, hiệp ước này có thể mở đường cho phép Ba Lan bắn hạ tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga trong không phận Ukraine.

Thủ tướng Tusk xác nhận sự tồn tại của điều khoản này, nhưng nhấn mạnh sẽ cùng các đồng minh NATO thảo luận về khả năng bắn hạ tên lửa Nga trên không phận Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller sau đó khẳng định, các thành viên NATO đều có quyền nêu ra quan điểm để cùng bàn bạc với các đồng minh.

Ông Miller gợi ý rằng hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington có thể là cơ hội để ông Tusk đưa chủ đề này ra thảo luận với các đồng minh.

Tổng thống Zelensky đã yêu cầu NATO bắn hạ các tên lửa của Nga trong vài tháng qua. Ông đã so sánh vấn đề này với những gì Mỹ và Anh đã làm cho Israel vào giữa tháng 4, trong một cuộc tấn công trả đũa của Iran.

Vào thời điểm đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: "NATO sẽ không trở thành một phần của cuộc xung đột. Không có kế hoạch gửi quân NATO tới Ukraine hoặc mở rộng lá chắn phòng không của NATO tới Ukraine".

Ông Zelensky khi đó cho rằng việc NATO bắn rơi tên lửa của Nga trên bầu trời Ukraine không thể được coi là gây chiến với Nga. 

"Vấn đề ở đây là gì? Tại sao chúng ta không thể bắn hạ những tên lửa đó? Có phải đó là phòng thủ? Đúng vậy. Đó có phải là một cuộc tấn công vào Nga? Không phải. Bạn đang bắn hạ máy bay Nga và hạ phi công Nga không? Không phải. Vậy có vấn đề gì không? Không có vấn đề nào cả", ông Zelensky nói.

Theo Kyiv Independent