1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ba Lan chi 10 tỷ USD mua trực thăng chiến đấu của Mỹ

Thành Đạt

(Dân trí) - Ba Lan đã ký hợp đồng trị giá 10 tỷ USD để mua 96 trực thăng chiến đấu của Mỹ.

Ba Lan chi 10 tỷ USD mua trực thăng chiến đấu của Mỹ - 1

Trực thăng tấn công AH-64E Apache (Ảnh: Reuters).

Truyền thông Ba Lan ngày 13/8 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz đã ký một thỏa thuận trị giá 10 tỷ USD với tập đoàn Boeing của Mỹ để mua 96 trực thăng tấn công Apache cho quân đội nước này.

Hợp đồng được ký kết tại thành phố Inowrocław của Ba Lan, bao gồm việc chuyển giao 96 trực thăng chiến đấu Apache cùng một gói hậu cần và huấn luyện.

Các trực thăng Apache mới của Ba Lan sẽ thay thế trực thăng Mi-24 thời Liên Xô trong lực lượng không quân của quân đội Ba Lan.

Ba Lan cũng đã mua các thiết bị cần thiết để bảo dưỡng những trực thăng này. Kế hoạch này sẽ cho phép các nhà máy sản xuất máy bay của Ba Lan đại tu hoặc sửa chữa từng bộ phận của AH-64E.

Bình luận về thỏa thuận này, Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Mark Brzezinski lưu ý rằng Ba Lan "đang trở thành nhà khai thác trực thăng Apache lớn nhất bên ngoài lãnh thổ Mỹ".

Đầu tuần này, Ba Lan đã ký một thỏa thuận khác trị giá hơn 1,2 tỷ USD để sản xuất 48 bệ phóng M903 cho hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot.

Cả hai hợp đồng đều là một phần trong gói đầu tư của Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nhằm tăng cường năng lực quân sự của Ba Lan cũng như bảo đảm khả năng ngăn chặn nguy cơ bị tấn công, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Ba Lan hồi tháng 5 từng tuyên bố sẽ đầu tư hơn 2 tỷ euro để củng cố biên giới phía bắc với vùng đất Kaliningrad của Nga và biên giới phía đông với Belarus.

Tướng Wieslaw Kukula, Tham mưu trưởng quân đội Ba Lan, cho biết gần 6.000 quân Ba Lan đang bảo vệ biên giới với Belarus và Nga. Tuy nhiên, chính phủ Ba Lan có kế hoạch tăng con số đó "lên đến 17.000 quân, gồm 8.000 quân tại chỗ và 9.000 quân thuộc lực lượng dự bị".

Ông cho biết, lực lượng phản ứng nhanh biên giới sẽ sẵn sàng triển khai trong vòng 48 giờ để hỗ trợ lực lượng biên phòng và ngăn chặn những hành động bất ngờ tiềm ẩn từ Moscow và Minsk.

Kế hoạch này cũng nhằm góp phần củng cố hạ tầng quốc phòng mới được xây dựng như một phần trong kế hoạch "Lá chắn phía Đông" của Ba Lan giúp củng cố an ninh biên giới.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine năm 2022, Ba Lan đã đề nghị hỗ trợ cho Kiev. Xung đột Nga - Ukraine đã buộc Ba Lan phải nhanh chóng hiện đại hóa quân đội và phân bổ 4% GPD cho quốc phòng, tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ thành viên NATO nào. Quốc gia này đã mua thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ euro, chủ yếu từ Mỹ và Hàn Quốc.

Theo Kyiv Post

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm