1. Dòng sự kiện:
  2. Ông Trump bị ám sát hụt
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine mở đường cho quốc gia NATO bắn hạ tên lửa Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Thỏa thuận mới ký kết giữa Ukraine và Ba Lan cho phép Ba Lan bắn hạ tên lửa Nga trên không phận Ukraine.

Ukraine mở đường cho quốc gia NATO bắn hạ tên lửa Nga - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk ký thỏa thuận trong cuộc gặp ở Warsaw, Ba Lan vào ngày 8/7 (Ảnh: AFP).

Phát biểu tại Warsaw hôm 8/7, sau khi ký thỏa thuận an ninh với Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố hiệp ước mới được ký kết giữa Warsaw và Kiev cho phép Ba Lan bắn hạ tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga trong không phận Ukraine.

Theo truyền thông Ukraine, ông Zelensky cho biết thỏa thuận mở ra "cơ chế để Ba Lan hạ tên lửa và máy bay không người lái của Nga bắn vào không phận Ukraine".

Ông nói thêm rằng Warsaw và Kiev "sẽ hợp tác cùng nhau để tìm ra cách có thể nhanh chóng thực hiện điểm này" của thỏa thuận.

Theo truyền thông Ba Lan, Thủ tướng Tusk xác nhận sự tồn tại của điều khoản này, nhưng "cho thấy sự cần thiết phải đàm phán về vấn đề này".

"Chúng tôi cần sự hợp tác rõ ràng trong NATO ở đây, bởi vì những hành động như vậy đòi hỏi phải có trách nhiệm chung của NATO", Thủ tướng Ba Lan nói thêm, đồng thời giải thích rằng trước tiên, cả Ba Lan và Ukraine sẽ có được "dấu ấn" đoàn kết quốc tế.

"Chúng tôi sẽ mời các đồng minh NATO khác tham gia cuộc thảo luận này. Vì vậy, chúng tôi coi vấn đề này là nghiêm túc nhưng vẫn chưa được hoàn thiện", ông Tusk nói.

Chính phủ Kiev đã và đang thực hiện các hiệp định song phương với các quốc gia thành viên NATO trong nhiều tháng qua, thay vì chính thức gia nhập liên minh do Mỹ lãnh đạo.

Ukraine đã ký các thỏa thuận an ninh song phương với nhiều quốc gia, bao gồm Anh, Đức, Pháp, Đan Mạch, Canada, Italy, Hà Lan, Phần Lan, Latvia, Tây Ban Nha, Bỉ, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Iceland, Na Uy, Nhật Bản, Mỹ, Estonia và Litthuania. Thỏa thuận an ninh gần đây nhất là với EU.

Tổng thống Zelensky đã yêu cầu NATO bắn hạ các tên lửa của Nga trong vài tháng qua. Ông đã so sánh vấn đề này với những gì Mỹ và Anh đã làm cho Israel vào giữa tháng 4, trong một cuộc tấn công trả đũa của Iran.

Vào thời điểm đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: "NATO sẽ không trở thành một phần của cuộc xung đột. Không có kế hoạch gửi quân NATO tới Ukraine hoặc mở rộng lá chắn phòng không của NATO tới Ukraine".

Mặc dù các quan chức Mỹ và EU bác bỏ sự so sánh của ông Zelensky đối với trường hợp của Israel, nhưng họ đã đồng ý với những điều khác mà nhà lãnh đạo Ukraine yêu cầu, từ việc bổ sung thêm các bệ phóng tên lửa Patriot và rocket cho đến việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí mà họ cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Trong chuyến thăm Warsaw, ông Zelensky cũng tuyên bố Ba Lan sẽ xây dựng, huấn luyện và trang bị cho một "Quân đoàn Ukraine" gồm các tình nguyện viên. Ông nói thêm: "Mọi công dân Ukraine quyết định gia nhập quân đoàn sẽ có thể ký hợp đồng với lực lượng vũ trang Ukraine".

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra cách đây hơn 2 năm, cùng với các đồng minh NATO, Ba Lan đã tích cực hỗ trợ cho Kiev. Ba Lan là một thành viên NATO và có chung đường biên giới với Ukraine. Căng thẳng giữa Nga và Ba Lan ngày càng leo thang kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra.

Ba Lan từng tuyên bố cân nhắc về việc sử dụng hệ thống phòng không của nước này nhằm bắn tên lửa Moscow bay trên không phận Ukraine.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cũng cho biết, nước này sẵn sàng cho phép Mỹ lưu trữ vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ. Ông giải thích, sở dĩ Ba Lan có lập trường như vậy là do Nga ngày càng quân sự hóa khu vực Kaliningrad giáp Ba Lan và Lithuania, và nhấn mạnh thêm rằng Moscow cũng đã triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus.

Theo RT