1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bà Harris có lợi thế gì so với Hillary Clinton khi đối đầu ông Trump?

Ngọc Việt

(Dân trí) - Ông Trump từng chiến thắng nữ ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016. Sau 8 năm, ông lại đối đầu với một phụ nữ khi tái tranh cử - Kamala Harris.

Bà Harris có lợi thế gì so với Hillary Clinton khi đối đầu ông Trump? - 1

Bà Kamala Harris có ưu thế hơn bà Hillary Clinton trước ông Donald Trump? (Ảnh: Getty).

Với sự ủng hộ của 99% trong số 4.567 đại biểu tham gia bỏ phiếu, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã chính thức được chọn đại diện cho đảng Dân chủ tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11.

Bà Harris sẽ đối đầu với cựu Tổng thống Donald Trump đại diện cho đảng Cộng hòa. Cuộc đua giữa 2 ứng cử viên này sẽ là trung tâm của sự kiện chính trị đặc biệt, vốn không chỉ ảnh hưởng tới đời sống chính trị Mỹ, mà cả đời sống chính trị thế giới, trong 4 năm tới.

Năm 2016, tỷ phú bất động sản Donald Trump đã có chiến thắng lịch sử trước cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong cuộc đua mà ông được xem như một mình đối đầu với hệ thống chính trị Mỹ, khi phá vỡ nhiều nguyên tắc chính trị truyền thống, theo Washington Post.

Ông Trump khi đó được đánh giá là ứng viên nổi bật, khiến những ồn ào của ông xảy ra trong quá khứ bị phơi bày cũng không thể ngăn cản ông trên con đường bước vào Tòa Bạch Ốc.

Sau 8 năm, nước Mỹ, đời sống chính trị Mỹ, đời sống xã hội Mỹ đã có nhiều thay đổi, nhưng vị tỷ phú bất động sản tiếp tục chạy đua vào Nhà Trắng lần thứ 3, và đối thủ của ông cũng lại là một phụ nữ.

Bà Hillary từng thua cuộc trước ông Trump, vậy sau 8 năm, liệu bà Harris có khả năng đánh bại ông Trump để giành chiếc ghế quyền lực tối cao của nước Mỹ?

Cho đến thời điểm này, dựa trên cả yếu tố chủ quan và khách quan, giới phân tích cho rằng triển vọng vào Nhà Trắng năm 2024 của bà Harris dường "sáng" hơn so với bà Clinton năm 2016. Tại sao vậy?

Chiến lược tranh cử 

Ngày 22/12/2016, khi trả lời Los Angeles Times, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng cựu nữ Ngoại trưởng Hillary Clinton khi ra tranh cử tổng thống Mỹ đã thiếu một tầm nhìn chiến lược và đó được xem là nguyên nhân quan trọng nhất khiến bà thất bại.

Thậm chí, với ông Biden, bà Hillary ra tranh cử tổng thống Mỹ đơn giản vì bà mong muốn tạo ra một sự kiện lịch sử trong đời sống chính trị Mỹ. "Bà ấy thực sự không có động lực cho cuộc đua tranh, ngoài mục đích là có cơ hội trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử giành được chức tổng thống Mỹ và điều đó đã tạo ra sức ép rất lớn cho bà ấy", CNN từng dẫn lời ông Biden.

Bà Hillary sử dụng sự hoạt ngôn của một cựu Ngoại trưởng để thể hiện phong cách nhà lãnh đạo của nước Mỹ. Song trước những gì mà cử tri Mỹ trông đợi, bà lại thể hiện khá mơ hồ, ngược với lối sống thực dụng của người Mỹ.

Bà Hillary tận dụng tối đa vũ khí là quá khứ ồn ào của ông Trump để tấn công đối thủ. Nhưng kết cục, ông Trump đã đánh bại bà, trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Với Kamala Harris, bà phần nào được xem như ứng cử viên "chữa cháy", bởi Tổng thống Joe Biden bất ngờ quyết định dừng tranh cử sau cuộc tranh luận không thuận lợi với ông Trump hồi cuối tháng 7. Ông Biden đã đề cử "phó tướng" làm ứng viên thay thế, khi chỉ còn 4 tháng nữa là đến cuộc bầu cử. Đến ngày 5/8, bà Harris mới được nhận được đủ phiếu trong nội bộ đảng Dân chủ để giành tấm vé ứng cử tổng thống.

Với cách thức bất ngờ và thời gian gấp rút, bà Harris phải sử dụng chiến thuật ghép mảnh để dần hoàn thiện chiến lược tranh cử. Tuy nhiên, đến nay, Phó Tổng thống Mỹ đang cho thấy bà làm tốt công việc và tạo hiệu ứng tích cực cho cuộc chạy đua.

Điều đó thể hiện qua 2 chiến thuật cụ thể.

Một là, chủ động tạo khí thế mới, năng lượng mới trong cuộc đua tranh, từ đó tạo ra sự phấn khích đối với cử tri tham gia cuộc bầu cử, nhất là những cử tri trung lập tại các bang chiến địa, biến những ủng hộ viên tiềm tàng thành những cử tri ủng hộ tiềm năng.

Hãng tin CNN ngày 5/8 cho hay, một bầu không khí mới sôi động đối với những ủng hộ viên tiềm tàng đã được tạo ra và thể hiện ngày càng rõ trong chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Kamala Harris.

Theo ông Pablo Correa, một thành viên trong chiến dịch tranh cử của bà Harris tại bang chiến địa Arizona, nguồn gốc của sự biến chuyển đó chính là do sự thay đổi trên lá phiếu của đảng Dân chủ.

Ông Correa, người từng phục vụ trong lực lượng Thủy quân Lục chiến, cho biết những người trung thành với ông Biden coi bà Harris là ứng cử viên có nhiều sức sống hơn, đa dạng hơn.

Một chương trình mang tên Hành động Nông thôn Arizona, thể hiện ra qua việc "đi gõ cửa từng nhà, vận động và nói lên tất cả những điều tốt đẹp khác - điều thực sự chưa từng xảy ra trước đây", là một chiến thuật đang được chiến dịch tranh cử của bà Harris thực hiện triệt để.

Theo đó, những người như ông Correa và các đồng nghiệp có nhiệm vụ là tập trung vào các khu vực nông thôn, nơi những ngôi nhà có thể cách xa nhau và đôi khi cư dân không chào đón. 

Bà Melissa Cordero, một cư dân Arizona, cho hay: "Những gì bà Harris mang lại là sự sắc sảo mà tôi nghĩ chúng ta cần ngay lúc này….Thách thức đối với bà Harris là duy trì năng lượng tích cực như vậy trong 3 tháng tới".

Thứ hai, triển khai chiến dịch thu hút sự ủng hộ từ những người Cộng hòa không ưa thích ông Trump mang tên "Người Cộng hòa ủng hộ Harris" nhằm giành thêm lợi thế trong cuộc đua. 

Ngày 4/8, sáng kiến biến "Người Cộng hòa không ưa Trump" thành "Người Cộng hòa ủng hộ Harris", nhằm vào các thành viên Cộng hòa bất mãn với cựu Tổng thống Trump, đã được triển khai và gần như ngay lập tức gây chú ý.

Bà Stephanie Grisham, cựu Thư ký báo chí của ông Trump, nói: "Tôi có thể không đồng tình với bà Harris trong nhiều vấn đề, nhưng tôi biết bà ấy sẽ đấu tranh vì tự do của chúng ta, bảo vệ nền dân chủ và đại diện cho danh dự của nước Mỹ trên trường quốc tế".

Bà Harris có lợi thế gì so với Hillary Clinton khi đối đầu ông Trump? - 2

Bà Harris khai thác hiệu ứng từ những "người Cộng hòa bất mãn với ông Trump" để tạo ưu thế cho mình (Ảnh: Reuters).

Sáng kiến trên đã thu hút các cựu nghị sĩ và những tên tuổi nổi bật trong đảng Cộng hòa, như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, cựu Bộ trưởng Giao thông vận tải Ray LaHood...

Thực ra, năm 2016 cũng có nhiều nhân vật trong đảng Cộng hòa không ủng hộ ông Trump, như hai cựu Tổng thống nhà Bush, cố Thượng nghị sĩ John McCain, các cựu Ngoại trưởng Condoleezza Rice, Colin Powell…, nhưng bà Hillary không tận dụng để biến thành cơ hội cho mình.

Hiện chiến dịch của bà Harris còn đang tìm cách thiết lập "một cơ chế thông suốt" dành cho những cử tri Cộng hòa muốn bỏ phiếu cho bà Harris, nhưng lo ngại bị quy kết là "phản bội đảng", từ đó tạo cơ hội để các cử tri Cộng hòa có chung quan điểm tương tác với nhau.

Giới quan sát cho rằng, dường như bà Harris đang vận dụng khẩu hiệu "Change - We can believe in - Chúng ta tin vào sự thay đổi" của cựu ứng viên Barack Obama vào năm 2008 để kiến tạo chiến thắng cho mình.

Sự đổi thay trong đời sống chính trị, xã hội Mỹ

Năm 2016, có nhiều nhận định rằng nước Mỹ chưa sẵn sàng cho việc có một nữ nguyên thủ quốc gia và đó cũng được xem là một trong những lợi điểm của ông Trump trước bà Hillary.

Tuy nhiên, sau 8 năm, dường như việc chấp nhận một nữ tổng thống không còn là nỗi e ngại với người dân, nhất là khi bà Harris đã có 4 năm là Phó Tổng thống, bước chuẩn bị cho việc cử tri Mỹ có thể lựa chọn một nữ tổng thống.

Sự thay đổi trên khiến ông Trump mất lợi điểm mang tính mặc định truớc bà Harris, khiến ông gặp khó khăn trong việc khỏa lấp những bất lợi như vấn đề tuổi tác và sức khỏe. 

Thêm nữa, trong chiến thắng của ông Trump năm 2016 có không ít hiệu ứng tích cực từ yếu tố bất ngờ, mà hình ảnh một "doanh nhân nhiều kinh nghiệm trên thương trường nhưng non nớt trên chính trường" đã khiến nhiều cử tri Mỹ vốn chán ngán chính trị truyền thống trở nên thiện cảm với ông.

Nay thì yếu tố đó không còn nữa. Những cá tính của vị tỷ phú bất động sản từng tạo nên sức hút mạnh mẽ trong đời sống xã hội Mỹ giờ đây trở nên quen thuộc với cả cử tri Mỹ.

Các chính sách nhằm "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" luôn tạo nên sự tò mò, háo hức đối với nhiều cử tri khi quyết định bỏ phiếu cho ông Trump nhiệm kỳ trước thì nay hiệu ứng của chúng đã trở nên dễ đoán biết hơn. Yếu tố bất ngờ hiện lại thuộc về bà Harris.

Kể từ khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh đến nay, chỉ có Tổng thống Bush (cha) và Tổng thống Trump là không đảm bảo cho đảng của mình nắm quyền 2 nhiệm kỳ liên tiếp, từ đó không đảm bảo việc duy trì chính sách và thẩm định hiệu quả của nó.

Điều đó phần nào cho thấy cử tri Mỹ mong muốn một chính quyền phải có thời gian đủ dài để có thể chứng minh sự phù hợp các chính sách của mình và kết quả mà nó mang lại, qua đó cũng hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại bởi việc "Xây-Phá" do thay đổi chính sách.

Nếu ông Trump đắc cử, với tính cách của ông, sự đảo ngược chính sách có thể diễn ra ngay sau khi vị tỷ phú bước vào Nhà Trắng, mà đã được chứng minh qua việc rút Mỹ khỏi TPP và ký sắc lệnh bãi bỏ ObamaCare ở nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Rõ ràng, cơ hội cho bà Kamala Harris bước vào Nhà Trắng năm 2024 đang sáng hơn bà Hillary Clinton năm 2016. Tuy vậy, bầu cử tại Mỹ luôn phức tạp và khó đoán định, cho đến trước khi Tòa án Tối cao Mỹ công nhận kết quả cuối cùng.

Vì thế, liệu nước Mỹ lần đầu tiên có một nữ tổng thống và đảng Dân chủ có tiếp tục nắm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa hay không, thế giới vẫn phải chờ xem những diễn biến kịch tính tiếp theo trong cuộc chạy đua quyền lực 3 tháng tới.

Theo Washington Post, Los Angeles Times